Trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo: Đảm bảo bền vững, màu sắc tương đồng như cũ

ĐOÀN XÁ 09/10/2021 06:29

Được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước, tượng đài Trần Hưng Đạo nằm ở khu vực công viên Mê Linh (quận 1), TP HCM là địa điểm tín ngưỡng và quen thuộc của người dân thành phố.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, khu vực tượng đài đã có dấu hiệu xuống cấp, cần trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, việc trùng tu này nằm trong quy hoạch chung, rộng lớn hơn là khu công viên quanh bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn.

Sở Xây dựng TP HCM đã có kế hoạch về việc chỉnh trang, tôn tạo khu vực công viên tượng đài Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch, việc sửa chữa theo nguyên tắc không làm thay đổi đặc điểm tạo hình, màu sắc của bệ tượng và thân tượng.

Cụ thể, sau khi nhận được báo cáo chi tiết Sở Xây dựng sẽ thực hiện đối với thân tượng thì bơm xử lý các vết nứt bê tông; trám trét, xử lý các vị trí nứt của lớp vữa trát bên ngoài, quét chống thấm và sơn bảo vệ tượng theo màu sắc cũ. Tại vị trí liên kết chân trước của tượng và sàn bệ đỡ sẽ xử lý gỉ sét của các thanh thép liên kết, bổ sung thép liên kết (nếu cần), đổ bê tông đặc phần rỗng giữa bàn chân và mặt sàn bệ đỡ để bảo vệ các thanh thép liên kết không bị oxy hóa.

Đối với bệ tượng sẽ thay mới toàn bộ lớp đá ốp bề mặt đã bị bong tróc có nguy cơ rơi, vỡ bằng loại đá cùng chủng loại và màu sắc (sẽ sử dụng các liên kết bằng inox giữa đá ốp và thành bệ tượng để bảo đảm bền vững). Xử lý chống thấm và bảo vệ bề mặt tường bao và khung bệ đỡ. Các bức phù điêu bằng xi măng đang gắn trên bệ tượng (6 bức) đã bị nứt, không đảm bảo để tiếp tục duy trì, sẽ thực hiện phục chế để đảm bảo bền vững, thẩm mỹ với màu sắc tương đồng như cũ. Hệ thống điện và đèn chiếu sáng sẽ thay mới toàn bộ hệ thống dây dẫn và đèn chiếu sáng cho tượng đài…

Tượng đài Trần Hưng Đạo hiện nay đã xuống cấp. Ảnh: Hải Long.

Theo một số tài liệu, tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng ở công viên Mê Linh vào năm 1967 do nhà điêu khắc Phạm Thông tạo lên. Tượng làm bằng bê tông cốt thép, cao 4m, được đặt trên đế hình ba cạnh cao 12 m. Bức tượng thể hiện hình ảnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mặc giáp phục, một tay đặt lên đốc kiếm, một tay chỉ về hướng sông Sài Gòn một cách dũng mãnh. Ba mặt đế tượng có 6 bức phù điêu diễn tả lại các trận đánh tiêu diệt giặc ngoại xâm của Trần Hưng Đạo.

Nhiều hình ảnh được cho là chụp từ 1967, khi tượng đài mới khánh thành có một lư hương lớn đặt trước chân đế tượng về hướng sông Sài Gòn. Tháng 2/2019, chiếc lư hương này được di dời tới khu Đền thờ Đức Thánh Trần tại đường Võ Thị Sáu (quận 3).

Ông Nguyễn Văn Lý, 73 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp cho biết ông sinh sống tại TP HCM từ trước giải phóng. “Khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo nói riêng và khu công viên này nói chung có ý nghĩa lớn với người dân thành phố. Ngoài vị trí trung tâm, khu vực này nằm cạnh bến Bạch Đằng, hướng ra sông Sài Gòn nơi có đông người qua lại, có ý nghĩa từ xa xưa tới giờ. Việc tôn tạo khu vực tượng đài cần hài hòa, kết hợp đúng tín ngưỡng tâm linh và khu vui chơi, giải trí dành cho mọi tầng lớp người dân, kể cả giới trẻ”.

Cũng theo ông Lý, thời gian qua trên mạng xã hội bàn tán nhiều về chuyện di dời lư hương và quan điểm của ông là trước tượng thờ Đức Thánh Trần hay thờ bất kỳ vị anh hùng dân tộc nào cũng cần có một lư hương. Đây là phong tục, thói quen tâm linh tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt Nam nói chung. Bởi không có lư hương thì sẽ không có nơi thắp hương để thờ cúng.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM cho rằng, khi trùng tu tôn tạo nên giữ lại không gian hiện hữu, chỉ tôn tạo cảnh quan cho đẹp và phù hợp hơn. Về không gian ở công viên bến Bạch Đằng, nên nghiên cứu chung với không gian của công viên Mê Linh dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo.

Ngoài ra, ông Lưu cũng cho rằng tên của tượng cần ghi đầy đủ “Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn” thay cho ba chữ “Trần Hưng Đạo” ở bệ tượng hiện nay. Và cần nghiên cứu cho đúc lại tượng bằng chất liệu đồng theo tỷ lệ và mẫu tượng hiện hữu. Cần di dời bến thuyền, canô hiện hữu (kể cả khi đường Tôn Đức Thắng được quy hoạch ở đoạn này trở thành công viên và đường giao thông cơ giới đi ngầm bên dưới), để từ công viên Bến Bạch Đằng và bên kia sông khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể chiêm ngưỡng được tượng đài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo: Đảm bảo bền vững, màu sắc tương đồng như cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO