Trung tướng Phí Quốc Tuấn: Người con Hương Ngải dưới sắc cờ Hà Nội

Nhà văn Phùng Văn Khai 20/02/2017 15:35

Đối với Trung tướng Phí Quốc Tuấn, tôi được tiếp xúc từ ngày ông nhận cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tháng 7 năm 2008. Trong thời gian 8 năm, do đam mê nghề nghiệp cũng là tấm lòng yêu mến người chiến sĩ Thủ đô, tôi tham gia thực hiện một số phim tài liệu, sách báo, phỏng vấn, đối thoại với những người lính thủ đô trong đó có vị Tư lệnh.

Nói thật lòng mình, đã có không ít lúc tôi không hiểu hết về ông. Dường như trong cuốc sống sôi động đang diễn ra cuồn cuộn, ta khó lòng trong một thời gian ngắn tường minh được những người những việc quanh ta. Nhưng dần dà, tôi cảm nhận được một trái tim lớn, một tấm lòng son sắt, một ý chí kiên cường nơi con người ông, và từ đó đã luôn nhìn nhận ông với một lăng kính trọn vẹn và ấm áp…

Phí Quốc Tuấn sinh ra trong một gia đình nền nếp nho phong. Những ngôi làng cổ Việt Nam luôn có cách của riêng mình để giữ được nền nếp, tôn ti, văn hóa cha ông, cũng là nền tảng căn cốt để cho dù chúng ta có những khúc đói nghèo, thậm chí là mất nước vẫn giữ được hồn cốt Việt. Trong tư duy của tôi, chắc chắn, người ảnh hưởng tới ông nhiều nhất, người quyết định ý chí và nghị lực, khát vọng lớn, những hành động lớn trong toàn bộ cuộc đời Phí Quốc Tuấn chắc chắn là mẹ ông. Khi ông nói về mẹ, tôi như thấy từng giọt máu sôi chảy dạt dào trong trái tim ông. Và mắt vị tướng, tôi nhìn rõ từng giọt nước lặn vào trong, hướng về mẹ, vừa bùi ngùi vừa tự hào kiêu hãnh.

Mẹ ông làm bạn với cha ông khi người vợ đầu đã có được hai người con. Là người đến sau nhưng tấm lòng luôn mở về phía trước. Bà sinh được 7 người con. Bà là người giỏi thuốc, trân trọng nghề thuốc, đã đặt tên các con cơ bản theo các vị thuốc cổ truyền: Phí Đình Phấn; Phí Thị Hồng; Phí Thị Hoàng; Phí Đắc Bảng; Phí Văn Xương; Phí Thị Thạc và người người con út Phí Quốc Tuấn. Trước cách mạng tháng Tám, những năm tháng cơ cực, đói kém nhất là những năm bà sinh con, vừa dưỡng dục con vừa tham gia kháng chiến. Người mẹ can trường ấy đã bị địch bắt, đánh đập, tù đầy. Phí Quốc Tuấn dường như đã thừa hưởng rất nhiều những đức tính phi thường của người phụ nữ Việt Nam phi thường ấy.

Năm tháng thời gian lặng lẽ trôi đi.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn gian khổ ác liệt nhất, Phí Quốc Tuấn tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ lúc mới 16 tuổi.

Đó là tháng 8, năm 1971.

Người mẹ thương con không dám cản. Gia đình họ mạc vừa thương vừa lo cho cậu thanh - thiếu niên Phí Quốc Tuấn sắp phải đi vào chiến trường, vào nơi bom đạn mà những thanh niên Hương Ngải, Thạch Thất, miền Bắc nối nhau đi vào có nhiều người không trở lại. Nhìn tấm ảnh ngày nhập ngũ của Phí Quốc Tuấn, tôi không khỏi se lòng. Một cậu thiếu niên 16 tuổi nhỏ bé, thư sinh, nặng bốn mươi tư cân, cao 1m54 có cặp mắt sáng hiền khó tả sẽ vào chiến trường khói lửa ư? Ừ thì đất nước có giặc, phận nam nhi sao thể ở nhà? Tôi như đọc thấy trong con mắt sáng hiền, dáng hình mảnh dẻ ấy một sự gan góc, một cá tính quyết liệt sẵn sàng dám hi sinh. Vị tướng lòa xòa tóc bạc im lặng nhìn tấm ảnh ngày nào. Có những khúc trong đời sống ta không dám nghĩ là mình đã từng bước được qua.

Nhập ngũ cuối năm 1971, đầu năm 1972, Phí Quốc Tuấn hành quân vào Nam chiến đấu. Ngày đi B, bộ đội hành quân từ đơn vị ra ga Đồng Văn để lên tầu thẳng vào chiến trường. Phí Quốc Tuấn viết một lá thư dài cũng tự nhủ đây là lá thư cuối cùng gửi mẹ. Dứt khoát đã vào chiến trường là không thư từ gì cả. Nếu còn sống, khi đất nước thống nhất sẽ trở về với mẹ, với làng mạc, xóm thôn. Phí Quốc Tuấn là người rất cá tính từ những ngày đầu cầm súng. Vào chiến trường, Phí Quốc Tuấn nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 nơi chiến trường ác liệt, gian khổ nhất ở địa bàn Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định. Cũng có thời gian ông chiến đấu ở Sư đoàn 2. Sư đoàn 2 là sư đoàn hi sinh nhiều nhất trong đội hình các sư đoàn: Trên 46 nghìn liệt sĩ. Hàng chục nghìn thanh niên ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ luôn như những cây hương cháy đỏ cắm vào trong lòng người còn sống hôm nay. Đơn vị Phí Quốc Tuấn khi phòng ngự ở Hoài Ân đã hi sinh gần hết, cả Trung đoàn 141 chỉ còn vài chục người. Tất cả đã nằm lại vĩnh viễn nơi đất mẹ Hoài Ân.

Trung tướng Phí Quốc Tuấn.

Từ ở chiến trường ra, người chiến sĩ - thương binh Phí Quốc Tuấn trở về mái nhà Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây. Như bao người lính từ chiến trường trở về. Cuộc sống mới bộn bề trăm việc. Người lính mới hôm trước thôi chỉ quen cầm súng nay phải đối mặt với trăm thứ đời thường. Đất nước sau chiến tranh vẫn đói nghèo, xơ xác. Nhân dân mình, Tổ quốc mình luôn phải oằn lưng cõng biết bao đau thương, mất mát từ mấy cuộc chiến tranh. Chưa được mấy ngày yên hàn thì phía Nam, phía Bắc lại rộ lên tiếng súng. Kẻ thù không cho chúng ta một phút bình yên. Gia đình người lính, bản thân người lính luôn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Quãng thời gian ấy cũng là quãng thời gian Phí Quốc Tuấn đảm đương nhiều cương vị: Trung đội trưởng Khung đào tạo sĩ quan; Giáo viên chiến thuật; Trợ lý kế hoạch trường Quân chính Hà Sơn Bình. Tiếp đó, chàng Thượng úy, Đại úy Phí Quốc Tuấn làm Trợ lý Động viên; Phó Trưởng ban Động viên - Phòng Động viên tuyển quân Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình. Vừa làm thầy, vừa học bạn, vừa thu xếp việc gia đình, anh em, họ mạc; như bao sĩ quan thời gian khó, Phí Quốc Tuấn khi ấy chỉ mong ước một ngôi nhà nhỏ, bữa ăn no bên người vợ tảo tần, hiền thục và hai cô con gái chấy rận mà không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Nhắc đến Trung tướng Phí Quốc Tuấn, không chỉ với riêng tôi, mà còn rất nhiều người đều thấy rằng, thời kỳ ông làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội mới là thời kỳ đặc sắc nhất, thể hiện nổi trội nhất, toàn diện nhất, cũng là những cống hiến đáng ghi nhận nhất của vị tướng quê Hương Ngải trong cuộc đời quân ngũ của mình. Tôi vẫn thầm thán phục, đôi lúc kinh ngạc về sự lựa chọn chính xác việc bổ nhiệm cương vị Tư lệnh đối với Phí Quốc Tuấn. Cấp trên luôn có con mắt xanh đã đành, nhưng để đặt được niềm tin và thực hiện trọn vẹn niềm tin ấy quả thực là một chặng đường dài, một thách thức lớn lao.

Khi nhận chức Tư lệnh, chắc chắn người bồn chồn nhất, chịu nhiều áp lực nhất chính là Phí Quốc Tuấn. Sau chặng đường dài với nhiều kết quả, hôm nay, ngồi đối diện vị tướng, tôi chợt thấy người thanh thản nhất, nhẹ nhàng nhất cũng chính là ông. Ở cương vị Tư lệnh 7 năm. Nhận quân hàm Thiếu tướng, rồi Trung tướng trên cương vị Tư lệnh hẳn thật nhiều ý vị với người con Hương Ngải.

Nhắc đến những ngày tháng đó, Trung tướng Phí Quốc Tuấn chợt trầm giọng xuống. Có những lúc ông nhìn thẳng vào người đối diện, đôi mắt sáng như muốn nói điều gì, như muốn kiểm lại từng việc, từng người, từng mốc thời gian để xem mình đã xử lý hài hòa, đã hết sức hết lòng với công việc, với anh em chưa. Hàng nghìn con người là hàng nghìn tâm tư, tình cảm, vị trí công tác, ý thức tiến thủ còn là nền tảng, niềm tin để Bộ Tư lệnh Thủ đô sau khi sắp xếp lại phải vững vàng, thống nhất, đoàn kết, vì phía trước là trọng trách lớn mà Đảng, quân đội, thủ đô đặt lên đôi vai người lính.

Tôi như thấy rất rõ tâm can vị tướng. Ai cũng là con người, cũng có thể không lường hết mọi tình thế, nhất là không thể dễ gì chiều hết đối với hàng nghìn cá nhân trong cuộc điều chuyển lịch sử. Dường như ngay lập tức, tôi thấy khuôn mặt vị tướng rạng hồng thanh thản. Chúng ta đã làm hết sức mình vì nghĩa lớn, đã vượt lên sự vị kỷ cá nhân cho dù không phải không có dằn vặt, đớn đau.

Dưới sắc cờ Hà Nội, trên cương vị Tư lệnh, Phí Quốc Tuấn dồn mọi trí tuệ, năng lực tổng hợp để góp phần xây dựng và ổn định toàn diện Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ông luôn còn đó đồng đội, những người chiến sĩ không kể cấp bậc, cương vị đã nhìn vào ông, đã soi rọi vào vị Tư lệnh để cùng ông thực hiện tốt nhất nhiệm vụ. Ngay trong những ngày đầu trên cương vị Tư lệnh, trong trận lụt lịch sử năm 2008, Tư lệnh Phí Quốc Tuấn cùng hàng nghìn người lính thủ đô kề vai sát cánh bảo vệ trạm bơm Yên Sở, băng mình trong bão lũ cứu dân…

Từng nhiều lần ra thăm Trường Sa và lần nào đối với ông cũng thật đặc biệt. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy Hà Nội xây dựng những công trình văn hóa đặc sắc ở Trường Sa. Những gì có thể làm được cho Trường Sa, người chiến sĩ Thủ đô không tiếc. Đã từng có liệt sĩ người Hà Nội hi sinh ở Trường Sa trong trận chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988. Trận chiến ấy, bộ đội ta hy sinh 64 người. Chiến sĩ ta đã chiến đấu đến người cuối cùng và trong số những liệt sĩ nằm xuống có một người Hà Nội. Người liệt sĩ ấy là Kiều Văn Lập quê ở huyện Phúc Thọ. Những ngày tấm bé, ở các cấp học tiểu học đến phổ thông, Kiều Văn Lập đều học rất giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Kiều Văn Lập thi đỗ và học Đại học Hàng hải trong những năm tám mươi. Với sức học và lý lịch chính trị tốt, Kiều Văn Lập được chọn đi học chuyên ngành đóng tàu tại Ba Lan, một ao ước của những học viên giỏi thời đó nhưng anh đã tình nguyện viết đơn xin vào bộ đội khi hai đầu Tổ quốc lại một lần nữa vang lên tiếng súng. Trong những năm quân ngũ, Kiều Văn Lập luôn là một tấm gương với đồng chí đồng đội. Thời điểm kinh tế khi ấy rất khó khăn. Những người lính trong đó có những người lính giữ đảo đã phải chịu không ít thiệt thòi, gian khổ, hi sinh. Trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 là một trận chiến đấu sẽ còn được lịch sử nhắc tới và sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ quê rất nhiều vùng đất trong đó có Hà Nội chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Đất đai của chúng ta, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta đã phải đổi bằng máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Trong các lần dâng hương liệt sĩ Trường Sa, nhiều lần chúng tôi thấy vị tướng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Phí Quốc Tuấn âm thầm rơi nước mắt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tướng Phí Quốc Tuấn: Người con Hương Ngải dưới sắc cờ Hà Nội