Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ: “Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Trước đó một số tỉnh, thành phố đã phát đi văn bản không tiếp nhận người dân, người lao động về từ vùng dịch.
Ai cũng biết rằng, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, vừa qua lãnh đạo một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định,… đã có chủ trương đón người dân, người lao động từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê.
Việc làm này rất ý nghĩa và nhân văn. Tuy nhiên, do không lường hết được nguy hiểm của chủng virus SARS-CoV-2 này lây lan nhanh, khó kiểm soát, người dân, người lao động từ vùng dịch về nhiễm virus SARS-CoV-2, làm cho một số tỉnh, thành phố lúng túng bởi khu cách ly tập trung, hạ tầng y tế không đáp ứng được.
Đến ngày 31/7, một số tỉnh, thành phố tạm dừng đưa công dân về quê, “ai ở đâu ở đó”.
Trước đó, ngày 30/7, chính quyền TP HCM, nơi có số lượng người dân, người lao động đăng ký về quê nhiều nhất các tỉnh phía Nam, đã ra văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, người lao động từ TP HCM có nguyện vọng được về các tỉnh, thành phố khác.
UBND TP HCM giao cho các sở, ngành thuộc UBND thành phố tham gia phối hợp thực hiện; phối hợp với cơ quan, tổ chức được các tỉnh, thành phố cử làm đầu mối để tổ chức, tạo điều kiện cho người dân. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đã có kế hoạch di chuyển, được ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất; khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Chiều hôm qua, 31/7, công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “ai ở đâu ở đó”, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú sau ngày 31/7, Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16 tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày.
Trước tình hình này, một số người dân, người lao động sẽ gặp khó khăn trong đời sống. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đã triển khai ngay việc chăm lo cho người dân, không để ai gặp khó khăn và bị bỏ lại phía sau.
Sáng 1/8, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM cho biết, sẽ tiêm vaccine cho bà con, cố gắng trong tháng 8 tiêm cho 2/3 dân số TP HCM, thành phố sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng. Chủ trương của thành phố sẽ không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn thành phố đều được tiêm. Còn người dân gặp khó khăn trong cuộc sống báo ngay cho chính quyền cấp cơ sở sẽ được giúp đỡ ngay.
Đối với các tỉnh có người dân, người lao động ở lại TP HCM thì lãnh đạo các tỉnh đã nhanh chóng chung tay để chăm lo cho người dân.
Hôm qua, 31/7, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã gửi thư thăm hỏi, động viên, mong bà con sớm vượt qua đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ bà con gặp khó khăn tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, giao cho chính quyền, mặt trận cấp xã trong tỉnh thống kê số lượng người dân Quảng Bình đang gặp khó khăn trong vùng dịch để hỗ trợ bà con số tiền 1 triệu đồng/hộ.
Trước đó, tỉnh Quảng Bình cũng đã hỗ trợ cho người dân, người lao động ở vùng dịch ở các tỉnh phía Nam, nếu người dân, người lao động gặp khó khăn, đề nghị hỗ trợ giúp đỡ, bà con liên hệ với Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP HCM và Hội đồng hương các huyện, thị qua các số điện thoại đã được đăng tải trên mạng xã hội.
Với số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng cách làm của Quảng Bình vừa thiết thực, vừa nhân văn, vừa không “chia dịch” cho tỉnh nhà đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay tại TP HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Lúc này lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, trước hết và trên hết, tập trung chống dịch và chăm lo đời sống cho người dân, phải đưa ra những giải pháp, việc làm thiết thực, tránh chạy theo “phong trào” để giúp người dân vượt qua đại dịch.
Bác Hồ đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với sự quyết tâm cao của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của người dân, chắc chắn đại dịch Covid-19 lần thứ 4 sẽ sớm được dập tắt, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.