Trường chuyên thay đổi để thích ứng

Lâm An 30/10/2023 07:00

Một nghiên cứu khảo sát 2.079 học sinh THPT tại các trường chuyên ở nhiều địa phương cho thấy, đào tạo học sinh trường chuyên hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) tham gia câu lạc bộ bóng rổ.

Khoảng trống đào tạo học sinh chuyên

Trong khuôn khổ Diễn đàn về Khoa học Giáo dục và Sư phạm năm 2023 diễn ra cuối tuần qua, báo cáo của PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội về phát triển tài năng và các mô hình phát triển đào tạo tài năng trong bối cảnh công nghiệp 4.0 nhận được nhiều sự quan tâm. Theo kết quả khảo sát thực tế từ 2.079 học sinh THPT chuyên, việc đào tạo học sinh chuyên hiện nay phần lớn nhằm đáp ứng điều kiện thi tốt nghiệp THPT; hoàn thiện điều kiện hồ sơ để du học; tiếp cận tài liệu chuyên môn, môi trường học tập chuyên nghiệp, năng động, hình thức học tập đa dạng… Các nội dung chưa được đánh giá cao là áp dụng công nghệ dạy học, cơ hội tham gia các kỳ thi, chia sẻ kiến thức, cơ sở vật chất. Hỗ trợ, tư vấn sức khỏe, học tập (thể chất và tâm lý) là yếu tố đáp ứng thấp nhất.

Những thách thức trong đào tạo ở trường chuyên được nghiên cứu chỉ ra là học sinh phải học nhiều môn chuyên, phương pháp giáo dục chưa theo năng lực học sinh; cơ sở vật chất chưa đáp ứng môi trường học; hệ thống kiểm tra đánh giá chưa đa dạng.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách và thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu, tài năng ở Việt Nam đến nay vẫn chưa đầy đủ. Mô hình đào tạo tài năng chưa có nhiều nghiên cứu toàn diện, thiếu chuyên gia, giáo viên và cán bộ quản lý có chuyên môn liên quan đến giáo dục năng khiếu.

Tại nhiều địa phương, vấn đề thiếu giáo viên chuyên đáp ứng yêu cầu giảng dạy là bài toán khó. Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) nhiều năm nay không tuyển được giáo viên dạy chuyên môn Tin học. Trong khi đó, nhiều người trong đội ngũ giáo viên dạy chuyên Vật lý, Hoá học, Sinh học đã lớn tuổi.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, trường đang xây dựng đề án để trở thành trường THPT chuyên thay vì trường THPT công lập có lớp chuyên như hiện nay. Theo lộ trình, từ năm học 2027 - 2028, nhà trường chỉ tổ chức lớp chuyên. Một số khó khăn với ngôi trường nằm ngay tại Thủ đô này đó là thiếu giáo viên dạy một số môn chuyên; chưa có chính sách học bổng và chế độ khen thưởng đối với học sinh, giáo viên lớp chuyên; thiếu nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng học sinh.

Phát triển toàn diện, chú trọng đào tạo cá nhân hóa

PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất, hướng đến xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ, cần tạo khung pháp lý để đưa công tác quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả. Phát triển mạng lưới các trường, lớp bồi dưỡng năng khiếu bậc phổ thông, đặc biệt là các trường THPT chuyên ở các địa phương và ở một số trường đại học có uy tín.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình đào tạo học sinh tài năng được nhấn mạnh cần bao gồm tám khía cạnh: nhận diện học sinh tài năng và cơ chế tuyển sinh; phương pháp dạy học; chương trình dạy học; hệ thống kiểm tra đánh giá; đào tạo cá nhân hóa; đội ngũ giáo viên; hoạt động ngoại khóa, khoa học; môi trường học tập.

TS Trần Nam Dũng (Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, trong thời 4.0, kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ là tiền đề để người học thành công. Việc tuyển sinh của trường chuyên sẽ đến lúc cần đa dạng hơn, không chỉ thông qua các cuộc thi như hiện nay mà có thể tuyển thẳng.

Theo TS Dũng, nhà trường có thể thành lập các CLB bóng bàn, cờ vua, cờ tướng… tạo môi trường giáo dục toàn diện, tạo nền tảng cho học sinh tự tin bước ra đời hơn là chỉ quan tâm đến việc thi học sinh giỏi để giành huy chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường chuyên thay đổi để thích ứng