Theo các cơ sở giáo dục đại học, việc bố trí nhân viên y tế phải có trình độ bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định không phải chuyện dễ dàng trong ngày 1 ngày 2.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nhà nước đối với dự thảo Thông tư quy định về y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thu nhập chưa hấp dẫn
Một trong những điều đáng chú ý tại dự thảo này là quy định cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của cơ sở, phải bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng điều kiện: Nhân viên y tế phải có trình độ bác sỹ hoặc y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học là lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế người học, giáo viên; đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn; giao thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế; lập hồ sơ đề nghị cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cho người học; xây dựng kế hoạch bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học và giáo viên hằng năm.
Trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí nhân viên y tế, phải ký hợp đồng với Trung tâm y tế huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh/thành phố hoặc cơ sở khám, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe người học.
Về quy định này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, TS Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm 2 cho rằng, môi trường và điều kiện làm việc ở trạm y tế các trường đại học, cao đẳng chưa có sức hút với các bác sĩ. Bởi các trạm y tế của các trường nhìn chung ít việc, điều kiện khám chữa bệnh còn hạn chế, thường khám, chữa bệnh đơn giản như: đau đầu, chóng mặt, đau bụng và sơ cấp cứu ban đầu trước khi chuyển tới bệnh viện.
Với tính chất công việc như vậy thì rất khó để bác sĩ phát huy được chuyên môn cũng như bảo đảm được thu nhập so với bác sĩ làm việc tại các bệnh viện hay các phòng khám chuyên môn bên ngoài.
Thực tế tại Trường Đại học Sư phạm 2, trạm y tế nhà trường hiện có 6 viên chức, gồm: 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 điều dưỡng và 1 dược sĩ. Đội ngũ y, bác sĩ này đều đã có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo TS Cường, bác sĩ tại trạm y tế nhà trường đã nghỉ hưu từ năm 2020. Nhà trường đã nhiều lần thông báo tuyển dụng bác sĩ nhưng đến nay vẫn chưa có ứng viên nộp hồ sơ. Vì vậy, trước mắt, nhà trường vẫn đang ký hợp đồng lao động với bác sĩ đó.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cũng cho rằng, quy định trên sẽ làm khó cho các trường. Hiện nay, trạm y tế nhà trường có 2 bác sĩ và 3 y sĩ. Song trước đó việc tuyển dụng y, bác sĩ làm việc tại trạm ý tế không hề dễ dàng.
Lý do mà PGS.TS Chương đưa ra vì bác sĩ có trình độ chuyên môn cao thì họ không muốn về trường công tác tại trạm y tế trường vì thu nhập không cao bằng làm việc tại các cơ sở y tế. Còn với bác sĩ mới ra trường, muốn về làm nhưng nhà trường lại không muốn tuyển dụng vì chuyên môn còn hạn chế.
Không dễ thực hiện trong ngày 1, ngày 2
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện có đào tạo khối ngành y-dược. Thế nên, việc bố trí nhân viên y tế phải có trình độ bác sỹ hoặc y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với nhà trường không gặp vướng mắc gì.
GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhìn nhận, đối với các trường quy mô đào tạo từ 500 sinh viên trở lên, việc sơ cấp cứu ban đầu cho người học là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhà trường có hơn 20.000 sinh viên với hơn 1.300 giảng viên. Phòng y tế nhà trường thường xuyên tiếp nhận các trường hợp liên quan tới vấn đề sức khỏe.
Vì vậy, GS.TS Hóa cho rằng, chủ trương của Bộ Y tế là hợp lý. Tuy nhiên, đối với các trường không đào tạo khối ngành sức khỏe không phải dễ dàng thực hiện quy định này trong ngày 1, ngày 2.
“Để các trường có thể đáp ứng quy định theo dự thảo đề ra, cần tính toán phương án về hỗ trợ tiền lương cho đội ngũ y, bác sĩ, máy móc, trang thiết bị y tế cho các nhà nhà trường; có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ sở đào tạo”, GS.TS Hóa nêu quan điểm.
Công tác tại Trạm y tế Trường ĐH Thủy Lợi từ năm 2008, bác sĩ Phạm Văn Phong, Trưởng trạm y tế nhà trường cho biết, nếu không có dịch Covid-19, sinh viên học trực tiếp tại trường, mỗi ngày, trạm y tế nhà trường tiếp nhận nhiều sinh viên, cán bộ, giảng viên cần hỗ trợ về thuốc men hay cấp cứu tại chỗ, khám chữa bệnh thông thường.
Chia sẻ về dự thảo Thông tư quy định về y tế trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bác sĩ Phong cho rằng, đây là quy định cần thiết đối với các cơ sở giáo dục khi mà số lượng sinh viên rất đông, nhiều trường lên đến hàng chục nghìn sinh viên.
Tuy nhiên, BS Phong cũng nhìn nhận, việc tuyển được bác sĩ có chuyên môn giỏi về làm việc tại các trường không hề dễ dàng bởi tâm lý chung của họ là muốn làm việc ở các bệnh viện sẽ phù hợp và hấp dẫn hơn.
Trong trường hợp tuyển y sĩ, BS Phong cho biết, y sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định cũng phải có 12 tháng thực hành trong bệnh viện. Đây là cái khó của quy định này. Thực tế, khi họ đã có chứng chỉ rồi thì cũng chỉ muốn làm việc ở các bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân.
Để gỡ khó cho các trường, BS Phong cho rằng, dù quy định này là cần thiết nhưng nên có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệu hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, với những y, bác sĩ hiện nay đang công tác tại các phòng, trạm y tế các trường thực chất họ vẫn đã và đang hành nghề lâu năm nên đối tượng này không nhất thiết phải yêu cầu có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định tại dự thảo Thông tư trên. Yêu cầu y, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chỉ nên áp dụng đối với sinh viên mới ra trường kể từ khi thông tư này được thông qua, có hiệu lực.