Hai trung tâm mua sắm bậc nhất TPHCM là Saigon Square và Lucky Plaza -những ngày này “ủ rũ” vì các thương nhân đồng loạt đóng quầy hàng, nghỉ bán. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, do lực lượng quản lý thị trường ra quân truy quét hàng giả, hàng nhái khiến cho hai trung tâm thương mại khét tiếng về hàng giả này buộc phải “lặng sóng”, thu mình, không còn công khai bán hàng giả một cách thách thức như trước đây.
Nhiều quầy hàng tại trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn đồng loạt đóng cửa, ngừng bán hàng.
Thu giữ hàng ngàn sản phẩm
Nhiều ngày trở lại đây, người dân TPHCM chứng kiến cảnh nhiều tiểu thương ở hai trung tâm sầm uất bậc nhất Sài Gòn là Saigon Square và Lucky Plaza bỗng nhiên ngừng bán hàng, chia thành các nhóm 7-10 người ngồi “buôn chuyện” hoặc giả vờ quét dọn vệ sinh... Những hình ảnh này chưa từng có trước đây tại hai trung tâm mua sắm lớn nhất này của Sài Gòn. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) ra quân thực hiện chiến dịch cao điểm đấu tranh chống hàng giả, quang cảnh mua sắm ở 2 trung tâm này đã thay đổi hoàn toàn. Hai trung tâm ngày thường ồn ào, bán hàng giả, hàng nhái công khai là thế, nay bỗng thu mình lại. Hàng loạt quầy hàng đóng cửa im ỉm, không giao dịch, tiểu thương “ngồi chơi xơi nước”, nghe ngóng tình hình…
Chiến dịch mở màn trong chuỗi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được Tổng cục QLTT thực hiện tại khu mua sắm rầm rộ nhất TPHCM. Đây là nơi mà lâu nay giới làm ăn trong nghề vẫn rỉ tai nhau là tụ điểm tập kết, công khai kinh doanh buôn bán hàng nhái, hàng giả.
Ngày 10/1/2019, các gian hàng tại Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đồng loạt đóng cửa, không giao dịch. Dường như, giới tiểu thương đã biết sợ, chứ không còn công khai thách thức hay tỏ thái độ chống đối như trước đây. Điều này cũng trái ngược hẳn với các đợt kiểm tra trước đây của cơ quan QLTT. Theo đó, khi cơ quan chức năng rời đi, hàng hoá ngay lập tức lại được bày bán công khai như chưa từng bị kiểm tra, kiểm soát. Thậm chí, sau các đợt truy quét hàng giả, hạng nhái lại đổ về buôn bán sôi động hơn.
Saigon Square và Lucky Plaza là 2 địa điểm đầu tiên được Tổng cục QLTT lựa chọn để triển khai Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT.
Sau 2 ngày ra quân, ngày 8 - 9/1/2020, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Montblanc, Burberry, YSL, Valentino, Prada, Hermes, Chanel tại 14 địa điểm kinh doanh trong trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu là kính, túi, ví, giày dép, dây lưng. Ước tính giá trị hàng vi phạm khoảng 100 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/1, cơ quan chức năng mở đợt tấn công thứ ba và đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực, các gian hàng kinh doanh trong Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đồng loạt đóng cửa, tụ tập theo từng nhóm đông người, treo biển nghỉ bán. Trước đó cuối năm 2019, lực lượng QLTT cũng đã mở nhiều cuộc tổng kiểm tra đột xuất các địa điểm nóng này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và lần nào cũng thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Điều này cho thấy, đây luôn là hai tụ điểm tập kết hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và nếu không làm thật gay gắt, thật nghiêm, người tiêu dung sẽ tiếp tục bị lừa khi đến mua hàng tại 2 trung tâm hào nhoáng này.
Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?
Không phủ nhận, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã nỗ lực vào cuộc tăng cường kiểm tra kiểm soát những điểm “nóng” về hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các cuộc kiểm tra chưa mang lại hiệu quả cao bởi thường tái diễn tình trạng, khi lực lượng chức năng rút quân, hàng hóa lại được bày bán trở lại, và rốt cuộc, việc kiểm tra kiểm soát lại như “bắt cóc bỏ đĩa”. Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi: Liệu có hay không việc “đánh trống bỏ dùi” trong các chiến dịch chống hàng giả, gian lận thương mại, khi mà người dân vẫn chứng kiến cảnh nhà quản lý ồ ạt ra quân, hàng giả hàng nhái ồ ạt giảm, rồi sau đó, đâu lại vào đấy, lượng hàng giả hàng nhái còn thâm nhập thị trường nhiều hơn trước. Thậm chí đã có những ý kiến về việc có hay không sự bảo kê, tiếp tay cho vấn nạn hàng nhái, hàng giả.
Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) cho biết: “Tinh thần Kế hoạch 3972 của Tổng cục QLTT là “nói không với các vi phạm và truy quét tới cùng”. Mỗi địa bàn chúng tôi làm liên tục trong nhiều ngày và sẽ đột xuất quay lại kiểm tra khi cần. Chúng tôi muốn để tiểu thương hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của việc kinh doanh để từ đó ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm, chuyển hướng sang các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Theo Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020, việc kiểm tra sẽ được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố với hàng trăm địa bàn nổi cộm về hàng giả, hàng nhái. Đây không phải là những địa bàn mới nổi về hàng giả. Thậm chí, có những địa điểm đã trở thành nơi mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng. “Chúng tôi xác định đây không phải là nhiệm vụ dễ thực hiện. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất để làm trong sạch thị trường, bảo vệ DN chân chính, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ huy động toàn lực lượng với quyết tâm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ” - lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn. Đến hết tháng 6/2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Đến hết tháng 12/2020: 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Dư luận xã hội kỳ vọng, với những quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan chức năng, vấn nạn hàng giả hàng nhái sẽ được đẩy lùi, không còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, đánh trống bỏ dùi như đã từng xảy ra trước đây, để người dân được sử dụng hàng hóa có chất lượng, uy tín của các DN chân chính được bảo vệ và hơn hết là nền kinh tế sẽ phát triển ổn định, bền vững.