Sau mấy ngày truy tố cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN, Viện KSND Tối cao lại vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Thăng và các đồng phạm trong việc làm thất thoát 800 tỷ đồng vốn của PVN góp tại Ngân hàng CPTM Đại Dương (OceanBank).
Ông Đinh La Thăng (Ảnh: VNE).
7 bị can bị Viện KSND Tối cao truy tố lần này gồm các ông: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn đều là cựu Chủ tịch PVN, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức đều là cựu thành viên HĐTV PVN bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh – cựu Phó TGĐ PVN bị truy tố 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công tố xác định, thời điểm năm 2008, OceanBank là ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Trong những năm 2007 -2008, Oceanbank có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tiềm lực tài chính yếu, khả năng thanh khoản thấp, khó đứng vững trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động, cần phải huy động vốn để cân đối nguồn sử dụng.
Ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự - Phó TGĐ PVN ký văn bản gửi HĐQT báo cáo kết quả đàm phán với Oceanbank và kèm theo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Ngân hàng này, trong đó có nêu thực trạng là ngân hàng có quy mô hoạt động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp.
Tuy nhiên, khi nhận được báo cáo trên, ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT đã không tổ chức họp HĐQT để có chỉ đạo đánh giá lại tình hình hoạt động, năng lực của Oceanbank, phương án, tính khả thi của việc góp vốn... mà trong cùng ngày đã cùng Hà Văn Thắm ký thỏa thuận số 6934/TTHT về việc tham gia góp vốn, cam kết PVN góp 20% vốn điều lệ tại OceanBank.
Cáo trạng nêu rõ: Ngày 1-10-2008, ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết số 7289/NQ-DKVN về việc góp vốn 400 tỷ đồng vào OceanBank. Đến ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ mới có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng đồng ý cho PVN góp vốn.
Tương tự, tại phương án tăng vốn lần 2, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, ông Đinh La Thăng đã đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỷ đồng.
Để biện bạch cho hành vi này, ông Đinh La Thăng cho rằng, việc ký nghị quyết trước khi có ý kiến của Chính phủ là để thống nhất trong HĐQT ban hành chủ trương, sau khi Thủ tướng đồng ý bằng văn bản thì mới chuyển tiền mua cổ phần.
Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn ngày 25/10/2008 đã có ý kiến của Thủ tướng nên không vi phạm.
Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng lần góp vốn thứ 3 mình không vi phạm.
Theo ông Thăng, việc bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng, duy trì PVN nắm giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank, ông Thăng nhận thấy việc góp vốn này là trái quy định.
Tuy nhiên do bận đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16/5/2011 đến 18/5/2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV.
Do vậy, ông Thăng cho rằng không liên quan đến việc ban hành Nghị quyết 4266 về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ góp vào OceanBank ngày 16/5/2011.
Tuy nhiên, cơ quan công tố khẳng định, xuyên suốt từ khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn của PVN vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng đã làm trái nhiệm vụ quyền hạn, chế độ làm việc của HĐQT, điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng.
Hành vi của ông Đinh La Thăng đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng khoản góp vốn của PVN tại OceanBank, cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.