Theo LS Phan Hòa Nhựt, Netflix có một nguồn phim rất khủng về số lượng và chất lượng, thêm vào đó không chịu bất cứ khoản phí và thuế nào ở Việt Nam thì lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận thị trường Việt là miễn bàn.
Tiềm lực mạnh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới, cộng với sự bất bình đẳng trong việc kiểm duyệt nội dung, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho ngân sách nhà nước sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà - LS Phan Hòa Nhựt, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phan Thị (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cảnh báo.
PV: Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa ngoại nhập, nhất là phim ảnh, gây tranh cãi gay gắt hoặc vi phạm về nội dung chương trình (đăng tải hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vi phạm chủ quyền Việt Nam) được trình chiếu trên dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới hay hệ thống rạp chiếu phim do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư (Netflix, CGV...).
Thưa ông, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên có phải do những ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, trong đó có những tác phẩm phim ảnh trình chiếu trên các dịch vụ OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) xuyên biên giới hay các rạp chiếu phim do nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát, chưa được các nhà quản lý coi trọng hay còn vì nguyên nhân nào khác?
LS Phan Hòa Nhựt: Tôi hoàn toàn thống nhất với thực trạng mà PV đã nêu ra trong câu hỏi, đó là việc xâm lấn một cách cố ý của nhiều nhà cung cấp các sản phẩm văn hóa, phim ảnh nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều phương thức.
Nổi lên trong số đó là dịch vụ truyền hình trả tiền trên không gian mạng của Netflix với nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh có thể dễ thấy rõ như: không đặt máy chủ tại Việt Nam là vi phạm Luật An ninh mạng 2018 của Việt Nam; không tiến hành đăng ký kinh doanh, đặt trụ sở tại Việt Nam gây thất thoát lớn cho nguồn thu ngân sách cũng như tạo thế bất bình đẳng so với các doanh nghiệp trong nước.
Không phải các cơ quan quản lý nhà nước xem nhẹ các hành vi vi phạm nêu trên mà đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này thật sự chưa đồng bộ.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được đưa ra bàn thảo từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành chính thức. Bên cạnh đó, các chế tài đặt ra rất khó để điều chỉnh một thực thể không tồn tại ở Việt Nam như Netflix chẳng hạn.
Đây cũng là nguyên nhân khiến sự tồn tại của Netflix gây tranh cãi rất lớn về cách hành xử của Nhà nước đối với doanh nghiệp này ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hay nói cách khác, theo nhận định của tôi thì cơ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đang bối rối và chưa tìm ra được giải pháp để xử lý chứ không phải là coi nhẹ vai trò quản lý của mình.
Việc những sản phẩm văn hóa ngoại nhập chứa đựng những quan điểm, hành vi, lối sống trái thuần phong mỹ tục, tuyên truyền sai lệch về chủ quyền... được trình chiếu như vậy, theo ông hình dung, có thể gây ra những hậu quả gì, nhất là khi văn hóa lại là lĩnh vực nhạy cảm và đối tượng tiếp cận nhiều nhất những sản phẩm này chủ yếu là giới trẻ?
LS Phan Hòa Nhựt: Tình trạng trên đương nhiên rất đáng lo ngại và sự lo ngại ấy không chỉ dừng lại ở các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục mà còn chính ở các ông cha, bà mẹ có con trong lứa tuổi chưa thành niên, trong đó có tôi.
Sự phát triển như vũ bão các công nghệ từ Internet cũng như các sản phẩm phụ trợ giúp tiếp cận Internet như Smart TV, Smart Phone ngày càng phổ thông thì "sức mạnh mềm" của chúng, những hệ lụy từ những thông tin độc hại nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của con trẻ càng ngày càng nghiêm trọng và rất đáng lo ngại.
Hậu quả trước mắt có dễ thấy được là nếu con trẻ sớm tiếp cận với các hình ảnh khiêu dâm, bạo lực một cách dễ dàng trên truyền hình OTT thì lệch lạc về lối sống là điều không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, khi bọn trẻ tiếp cận với các luồng quan điểm chính trị sai lệch sẽ gây hậu quả lớn và kéo dài trong nhận thức và hành vi của nhiều thế hệ sau.
Giải pháp cho việc này, ngoài các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần giao thêm trách nhiệm kiểm soát nội dung cho các đầu mối là các cơ quan báo chí để sớm phát hiện các nội dung vi phạm, phối hợp với Cơ quan An ninh mạng của Bộ Công an để mạnh tay xử lý theo quy định pháp luật.
Một nghịch lý đã được các nhà làm phim, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước nhiều lần chỉ ra đó là: trong khi các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này phải chịu sự kiểm soát về nội dung, thực hiện các nghĩa vụ về nộp thuế cho Nhà nước thì các nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới lại không chịu bất cứ cơ chế kiểm duyệt nào cũng như không thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh thị phần rạp chiếu phim ở Việt Nam song lại chèn ép phim Việt.
Ông suy nghĩ như thế nào về sự bất bình đẳng này và với sự bất bình đẳng đó, nguy cơ doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà có cần tính tới?
LS Phan Hòa Nhựt: Sự bất bình đẳng trong việc kiểm soát nội dung và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước ở thị trường phim ảnh Việt Nam có thể thấy rõ. Việc này cũng đã có nhiều phản ánh, kiến nghị của tập thể doanh nghiệp trong nước đến cơ quản lý nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa thấy được giải quyết.
Tôi cho rằng, nếu sự bất bình đẳng này không được giải quyết sớm và triệt để thì các doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà là điều không lạ và không thể tránh khỏi.
Tôi được biết, Netflix có một nguồn phim rất khủng về số lượng và chất lượng, thêm vào đó không chịu bất cứ khoản phí và thuế nào ở Việt Nam thì lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận thị trường Việt là miễn bàn.
Những chuyện xảy ra ở trên không đơn thuần là câu chuyện kinh doanh. Theo ông, cơ quan chức năng cần bịt những kẽ hở trong việc quản lý các dịch vụ này như thế nào? Đồng thời, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển ra sao để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong một lĩnh vực nhạy cảm như văn hóa?
LS Phan Hòa Nhựt: Giải pháp giải quyết cho tình trạng này là các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng đồng bộ cơ sở pháp lý lĩnh vực này. Trong đó, cần nhất quán quan điểm, cách hành xử của Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng OTT là phải tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng môi trường kinh doanh bình đẳng thì Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Còn nếu xem thường pháp luật, không tôn trọng “luật chơi” thì cấm hẳn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là giải pháp duy nhất và cần thiết để bảo vệ thị trường trong nước.
“Luật chơi” ở đây là các doanh nghiệp cung cấp truyền hình OTT phải đặt máy chủ ở Việt Nam theo Luật An ninh mạng 2018 để dễ dàng trong kiểm soát nội dung, phải đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đương nhiên phải có trụ sở tại Việt Nam để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí.
Văn bản nhắc nhở các nghĩa vụ trên được phát hành lần 1, lần 2 rồi đến “tối hậu thư cấm sóng” là lựa chọn trước mắt để các cơ quan lý nhà nước giải quyết đối với Netflix, các giải pháp căn cơ, lâu dài khác sẽ được bàn luận và luật hóa sau.
Thiết nghĩ, đứng trước một lợi ích kinh tế, một thị trường béo bở như ở Việt Nam thì "gã khổng lồ" Netflix cũng phải suy nghĩ và lựa chọn.