Truyền lửa để phụ nữ cống hiến

N. Phượng (ghi) 09/03/2017 08:15

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trong cả nước. Với niềm tin, kỳ vọng Đại hội lần này sẽ tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết. Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu những ý kiến này.

Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII ngày 7/3/2017.

Chị Neáng Srây Mum , Chủ tịch Hội LHPN huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Hiện nay, bạo lực gia đình vẫn đang là vấn đề nóng và có chiều hướng gia tăng, gây tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm người phụ nữ và làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Với chức năng, vai trò của tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên, phụ nữ và người dân.

Đồng thời củng cố, nhân rộng các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Trợ giúp pháp lý”, “Địa chỉ tin cậy”... ở các địa phương. Từ đó giúp hội viên phụ nữ cơ sở nâng cao kỹ năng nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên: Tạo điều kiện để phụ nữ học nghề

Đến với Đại hội lần này, phụ nữ tỉnh Phú Yên mong muốn nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều chương trình hoạt động thiết thực hơn nữa, cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn được học nghề, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng các mô hình sản xuất như mô hình Tổ phụ nữ liên kết cũng như tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Phú Yên thực hiện thí điểm không có HĐND cấp huyện và cấp phường, xã do đó những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở cơ sở thì Hội Phụ nữ đều tham gia giám sát và có ý kiến phản biện cũng như có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp. Vì vậy, mong rằng qua Đại hội phụ nữ toàn quốc vai trò của Hội Phụ nữ sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Chị A Viết Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Quan tâm hơn đến phụ nữ là người dân tộc

Chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, bình đẳng và hội nhập” của Đại hội lần này nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức hội trong thời kỳ mới. Đây là Đại hội của sự đoàn kết, đổi mới, xây dựng phát triển tổ chức hội vững mạnh, hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của xã hội, đồng thời cũng biểu thị niềm tin, sự quyết tâm của hội viên phụ nữ các cấp.

Tại Đại hội lần này, tôi mong muốn BCH nhiệm kỳ mới sẽ đề ra các giải pháp phù hợp, sáng tạo để thực hiện Nghị quyết mà Đại hội đề ra.

Là đại biểu đại diện cho nữ cán bộ là người dân tộc thiểu số, tôi mong Đại hội quan tâm đến chế độ chính sách cho lao động nữ, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, cũng như để phụ nữ có điều kiện tham gia công tác quản lý nhà nước; tập hợp, liên kết, tạo môi trường cho phụ nữ là người dân tộc được học nghề, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và trí tuệ của mình để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của xã hội.

Chị Đào Ngọc Ngưng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Sóc Trăng: Phụ nữ được tham gia xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Lần đầu tiên đi dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào được thay mặt cho chị em phụ nữ tham gia một sự kiện trọng đại như vậy.

Để hưởng ứng Đại hội phụ nữ lần thứ XII, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Sóc Trăng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, biểu dương phụ nữ như: Tổ chức các hoạt động thể thao – văn hóa- văn nghệ, các hội thi dân gian để chị em có thể giao lưu, gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ thành phố cũng đã xây dựng nhiều mô hình tiêu biểu, các CLB tổ nhóm để chị em có điều kiện được sinh hoạt dễ dàng hơn.

Thông qua những hoạt động đó, chị em được tiếp cận với những mô hình giảm nghèo mới. Điển hình như như mô hình tiết kiệm, mô hình góp vốn xoay vòng, mô hình phụ nữ chăn nuôi heo, chăn nuôi gà…

Đó là những mô hình mà chị em có thể gửi tiền tiết kiệm, góp vốn và đầu tư sản xuất. Đây cũng chính là phương thức để chị em được trực tiếp tham gia xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền lửa để phụ nữ cống hiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO