TS Đỗ Anh Vũ: Gia đình là nơi trở về bình yên

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/09/2020 09:00

Với Đỗ Anh Vũ, không phải bạn bè, không phải thi ca nhạc họa, không phải ngôn ngữ, không phải công việc… mà gia đình mới là nơi trái tim anh trọn vẹn thuộc về.

TS Đỗ Anh Vũ.

Mỗi khi nghĩ về Đỗ Anh Vũ, tôi lại mường tượng đến một người nhiệt thành hiếm thấy với bạn hữu. Bất kể khi nào cần, anh cũng xuất hiện để giúp với nụ cười ấm áp. Từ thời sinh viên đến khi ra trường đi làm, Đỗ Anh Vũ vẫn cứ hồn nhiên ôm đàn bên bạn ngồi hát ca, trong đam mê thơ nhạc cuồng nhiệt. Nên, không ít người ngỡ ngàng khi anh là ông bố của một đàn bốn đứa con. Với Đỗ Anh Vũ, không phải bạn bè, không phải thi ca nhạc họa, không phải ngôn ngữ, không phải công việc… mà gia đình mới là nơi trái tim anh trọn vẹn thuộc về.

Thật bất ngờ khi TS Đỗ Anh Vũ, vốn gắn bó với Viện Ngôn ngữ học từ thời thanh xuân, lại chuyển công tác về VOV, đến nay gần tròn một năm. Khi còn làm việc tại Viện Ngôn ngữ học, công việc của anh “được tính theo quý, theo năm” thì bây giờ tại VOV, công việc của anh tính theo tuần. Đó cũng là lý do vì sao anh bớt tham gia hẳn những thú vui tiệc hội đàn hát ngâm thơ, thậm chí những việc nho nhỏ như gặp bạn uống trà, nhẩn nha bên trang báo buổi sáng…

Vì vợ làm việc tại khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương, thường ra khỏi nhà từ 6h30 và đến 19h mới đi làm về nên các công việc sinh hoạt của gia đình hàng ngày đều do Đỗ Anh Vũ phụ trách là chính, nhất là việc quản lý, chăm sóc các con từ bữa ăn giấc ngủ cho đến việc nhắc nhở học tập. Cũng may cơ quan gần nhà nên vào buổi trưa anh vẫn tranh thủ chạy về nhà khoảng hai tiếng, rồi chiều lại đi làm: “Đấy là trong thời điểm các cháu được nghỉ hè, còn với khoảng thời gian trong năm học thì tôi phụ trách thêm việc đưa và đón lũ trẻ”.

Khi mỗi lần thêm một đứa con chào đời, bên cạnh niềm vui có thành viên mới, Đỗ Anh Vũ lại thầm tự nhủ phải lao động nhiều hơn: “Vì như thế thì mới đủ tiền nuôi con, mỗi tháng lại phải viết thêm vài bài báo. Con cái giống như lộc của trời, làm sao trước đây mình lại tưởng tượng được mình có tới 4 đứa con (cười), nhưng giờ đã thế này rồi thì phải tiếp tục “chiến đấu” thôi. Thực sự nhà đông trẻ con nhiều lúc cũng rất căng thẳng, nhất là con trai thường nghịch và lười chứ không hiền, không dễ bảo như con gái. Thế nhưng con cái cũng vẫn đem lại những niềm vui cho mình, tôi nhờ con cái mà rèn luyện thêm sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, lì đòn (cười). Mình sẽ có thể được hưởng niềm vui từ những thứ rất nhỏ bé mỗi ngày như những câu nói ngộ nghĩnh, cách suy nghĩ của trẻ thơ, vui từ mỗi kiến thức con học được cho đến những khi con nhận thêm một điểm tốt; tất cả những thứ đó giống như mình được cấp thêm năng lượng hoặc một nguồn cảm hứng vậy”.

Bữa cơm tối với gia đình TS Đỗ Anh Vũ là bữa cơm sum họp, có đầy đủ các thành viên: “Nhìn con trẻ líu ríu chuẩn bị mâm bát, so đũa lấy thìa, múc thức ăn ra bát rồi phân chia nhau, những cái đó cũng có thể đem lại những niềm vui rất bình dị cho mình. Tôi nghĩ, gia đình giống như một hậu phương vững chắc, là nơi trở về bình yên thanh thản sau một ngày làm việc căng thẳng. Về đến nhà rồi cũng có nghĩa là tạm gác lại những lo lắng, nghĩ suy hay những gì bực bội chưa vừa ý của một ngày trôi qua. Trong sự phát triển và trưởng thành của mỗi đứa trẻ, lý tưởng nhất là luôn có đầy đủ sự quan tâm của cả bố và mẹ, bởi tạo hóa đã trao cho người nam và người nữ những thiên tính riêng nên sự kết hợp của bố và mẹ trong việc nuôi dạy con là cần thiết để tạo được sự phát triển tinh thần và thể chất bền vững cho trẻ em”.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, để giữ gìn được mái ấm gia đình, ngoài sự quan tâm và thống nhất giữa bố và mẹ trong việc nuôi dạy con, mỗi cặp vợ chồng cũng phải biết lắng nghe nhau, tự điều chỉnh những thứ chưa phù hợp để đi đến một mức độ thống nhất nào đó. Chính từ sự thống nhất của bố mẹ mới dẫn đến sự thống nhất của cả gia đình và con trẻ mới có được sự bình yên và phát triển đầy đủ. Chúng ta đã thấy rất nhiều trường hợp, vì những lí do nào đó, có những cặp vợ chồng phải ly hôn. Trong những bối cảnh như vậy, với anh, trẻ con là đối tượng bị thiệt thòi hơn cả. Và để bù đắp cho sự thiệt thòi ấy, người đang chăm sóc đứa trẻ trực tiếp chỉ còn một cách là phải cố gắng hơn gấp nhiều lần.

“Mỗi ngày, chúng ta nên tự nhủ hãy dành thêm một phút cho mỗi thành viên trong gia đình. Một phút để biết được một ngày của vợ/chồng/con cái mình đã trôi qua như thế nào. Mỗi thành viên đã làm được gì và có mong ước, nguyện vọng gì. Biết quan tâm và lắng nghe nhau sẽ mang đến hạnh phúc trong từng ngày cũng như hạnh phúc trong cả một hành trình".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Đỗ Anh Vũ: Gia đình là nơi trở về bình yên