Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh từ đầu năm, thậm chí chạm đáy vào tháng trước. Du lịch nội địa gần như trở thành nguồn hy vọng “cứu nguy” cho toàn ngành du lịch ở thời điểm này. Phải làm gì để kích cầu du lịch nội địa? Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
TS Lê Đăng Doanh.
PV:Thưa ông, nhiều người cho rằng đây là thời điểm “vàng” để kích cầu du lịch nội địa, ông nghĩ sao?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế để khôi phục ngành du lịch ở thời điểm này. Hình ảnh Việt Nam thân thiện, tươi đẹp và an toàn trong đại dịch Covid-19 được quảng bá rộng khắp và quốc tế cũng ghi nhận điều này. Đó là những lợi thế rất tốt để chúng ta bắt tay vào khôi phục ngành du lịch.
Hơn nữa, sau một thời gian giãn cách xã hội, nhiều người có tâm lý “cuồng chân” sẽ lên kế hoạch đi du lịch trở lại. Chính vì vậy, nói đây là thời điểm vàng để kích cầu du lịch nội địa là rất chính xác. Các ban ngành, địa phương cần lên kế hoạch chương trình quảng bá, thu hút khách du lịch, trước hết là thị trường nội địa, tiếp đến là thị trường quốc tế.
Những tổn thương của thời kỳ dịch bệnh cũng sẽ tạo nên những xu hướng mới làm thay đổi ngành du lịch. Vậy theo ông, xu hướng du lịch trong thời gian tới là gì?
- Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào ngành du lịch Việt Nam có thể được vực dậy. Nhưng chắc chắn rằng, ngành du lịch sẽ thay da đổi thịt. Có thể dự báo một số xu hướng thấy rõ tại thời điểm hiện tại và trong thời gian tới.
Thứ nhất là du lịch an toàn. Mặc dù dịch cơ bản được khống chế nhưng tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn đeo bám. Vì thế, yếu tố về an toàn, các thông tin về trình độ y tế, khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến sẽ là một trong các yếu tố quan trọng giúp mọi người quyết định điểm đến.
Thứ hai là xu hướng ưu tiên tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè. Xuất phát từ tâm lý lo ngại dịch bệnh, sợ môi trường du lịch chưa an toàn, thói quen của khách du lịch cũng bị ảnh hưởng qua tiêu dùng, ăn uống, phương thức mua sắm.
Do đó, thay vì đi các tour đắt tiền, dài ngày, người dân đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, tiết kiệm hơn. Chúng giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khoẻ, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.
Thứ ba người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.
Trước những xu hướng mới này, theo ông chúng ta cần phải làm gì để kích cầu du lịch nội địa?
- Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện chính sách nới lỏng, miễn visa với khách du lịch Việt Nam. Chính vì thế, nhiều người đã lựa chọn các tour quốc tế thay vì trong nước vì cho rằng du lịch quốc tế hấp dẫn, dịch vụ tốt hơn. Chính vì thế, đây là cơ hội rất tốt để du lịch nội địa thay đổi cách nhìn nhận của người Việt Nam.
Hiện ngành du lịch đang phát động chiến dịch vận động “Người Việt đi du lịch Việt”. Đây sẽ là động lực cho sự bứt phá của thị trường du lịch nội địa.
Vậy làm sao để có thể bứt phá? Nên bắt đầu dần các chiến dịch marketing nhẹ nhàng, sử dụng truyền thông mạng xã hội và quảng cáo nhắm đến khách du lịch tiềm năng.
Nếu như trước đây, yếu tố chất lượng, khuyến mại, giảm giá được đặt lên hàng đầu thì nay yếu tố an toàn là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng sản phẩm du lịch và công tác điều hành. Vì thế, chúng ta cần tăng từ “an toàn” hơn nữa tại các địa điểm đến.
Theo đó, nguyên tắc khi triển khai là đặt yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu. Du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi nếu giữ nguyên yên ổn được như hiện tại. Tuy nhiên, bỗng bất ngờ xuất hiện một bệnh nhân như ca số 17 thì du lịch chắc chắn lại rơi vào đóng băng. Như hồi tháng 3/2020, khi dịch bệnh đang yên ổn, các công ty du lịch cũng đã phát động các kiểu kích cầu du lịch, nhưng chỉ 1 ca bệnh mới là mọi việc lại đổ bể.
Bên cạnh đó, giao dịch online sẽ lên ngôi sau Covid-19. Các hãng lữ hành nên nhanh chóng chuyển đối số, sớm mở bán các gói sản phẩm kích cầu mức giá hấp dẫn và dịch vụ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cần sự kết hợp đồng bộ của hàng không, khách sạn, phương tiện vận chuyển du lịch, công ty du lịch, điểm đến và chính sách hỗ trợ. Trong đó, tất cả các bên cùng cam kết giảm giá để kích cầu, kể cả các địa phương cũng cần có chính sách miễn giảm phí tham quan cho khách du lịch nội địa.
Đặc biệt, các tập đoàn, doanh nghiệp cần thể hiện hơn nữa vai trò dẫn dắt của mình trong việc kích cầu du lịch nội địa. Hiện Việt Nam có nhiều lợi thế khi kiểm soát rất thành công dịch bệnh, được các nước đánh giá cao. Chúng ta cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông và kết quả hiện tại để quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả du lịch Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, để “cứu” ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành. Theo đó, một trong các biện pháp rất hiệu quả để kích cầu du lịch là đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ hè thêm một tháng. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
- Tôi xin không bình luận gì về đề xuất này, bởi nó liên quan đến vấn đề học tập của các em học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra quyết định làm sao để tốt nhất cho ngành của mình.
Ngoài ra, tôi cũng thấy có đề xuất rằng cần có sự hỗ trợ một gói kích cầu của Chính phủ. Hiện ngân sách chúng ta đang phải chi quá nhiều thứ, nếu ngành nào cũng đứng ra xin gói hỗ trợ thì chắc chắn ngân sách không trụ được. Vì thế, mỗi ngành nên tự thân vận động, tìm ra hướng đi để vực dậy.
Với ngành du lịch, nếu các cấp ngành, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các vấn đề an toàn, thực hiện giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ tôi tin chắc chắn hồi phục rất nhanh.
Xin cảm ơn ông!