Tsagaan Sar, hay còn gọi là Tết Trắng, là dịp lễ Tết âm lịch của người Mông Cổ với vô số những phong tục tập quán độc đáo, đậm đà bản sắc văn hoá của người dân du mục.
Trong tiếng Mông Cổ, Tsagaan Sar có nghĩa là 'trăng trắng', là ngày đầu tiên trong năm theo lịch Mông Cổ và cũng là Tết Âm lịch của người Mông Cổ. Tsagaan Sar trùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên. Đây là 1 trong 2 ngày Tết quan trọng nhất của người Mông Cổ, dịp còn lại là Tết Naadam vào tháng 7. Vào những ngày quan trọng này, người dân sẽ tổ chức lễ hội và những phong tục đặc biệt đánh dấu ngày khởi đầu của năm mới.
Đồ màu trắng là bắt buộc
Thời điểm bắt đầu lễ Tsagaan Sar báo hiệu rằng mùa đông lạnh lẽo tại đây sắp chấm dứt, mùa xuân sắp tới, đây cũng là dịp các gia đình quần quần sum họp. Có lẽ vì lí do này, người dân Mông Cổ đặc biệt yêu thích màu trắng.
Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc, màu trắng sẽ là màu được ưu tiên. Người Mông Cổ từ lâu đã xem màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự may mắn. Trong những ngày đầu năm mới, họ thường mặc đồ trắng hay tặng nhau những đồ vật có màu trắng.
Cúng tế Thần Lửa
Vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi dọn dẹp nhà cửa, người Mông Cổ tổ chức nghi thức cúng tế Thần Lửa. Nghi thức rất cầu kỳ và long trọng, vì hỏa thần có vị trí tối cao trong tín ngưỡng Mông Cổ.
Họ chuẩn bị tế phẩm bao gồm thịt dê, khăn hada - một loại khăn truyền thống màu trắng, mỡ bò và rượu. Gia chủ sẽ châm 9 ngọn đèn nhỏ, đưa tế phẩm vào lửa và cầu phúc cho gia đình. Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người sẽ chia nhau phần tế phẩm.
Nghi lễ chúc Tết
Vào ngày đầu năm mới, người Mông Cổ sẽ dậy sớm và đi chúc Tết. Trước khi đi, họ sẽ làm lễ xuất hành Muruu gargakh để chọn hướng đi cho tốt. Người Mông Cổ tin rằng xuất hành đúng hướng sẽ mang lại may mắn trong năm mới.
Người Mông Cổ cũng ghé thăm nhà người thân, bạn bè vào dịp Tết để cùng ôn chuyện cũ và chúc nhau điều tốt đẹp trong năm mới. Khi chào hỏi người lớn tuổi, người Mông Cổ sẽ thực hiện lời chúc zolgokh, dùng khuỷu tay của mình để ôm chặt lấy người cao tuổi nhằm thể hiện sự ủng hộ.
Trong nghi lễ chúc mừng, lần lượt từng người cầm khăn Khadag đặt trên tay gia chủ và nói câu “Bác sống bình yên chứ, Tết nhà mình đang chuẩn bị có tốt không?”.
Sau đó, gia chủ hôn hai bên má người khách, tặng khoản tiền nhỏ và mời uống rượu. Khách ngồi xung quanh một chiếc bàn bày thịt cừu và đĩa bánh.
Gia chủ mời khách uống trà, sữa và ăn các món truyền thống. Khách được mời uống ba lần rượu, thường là vodka. Sau bữa ăn, khách chuẩn bị về thì gia chủ tặng một món quà.
Quỳ gối uống rượu
Nghi thức uống rượu tại đây hết sức cầu kỳ, đặc biệt trong những ngày tết còn diễn ra hết sức phức tạp. Vào ngày mùng 1, khi tới nhà người khác, việc đầu tiên phải làm là cúi đầu trước Phật đường, sau đó hành lễ với bậc trưởng bối trong nhà.
Người trẻ trong nhà phải phải có trách nhiệm thực hiện công việc này, tiền bối khi nhận rượu cũng phải quỳ gối tỏ lòng cảm kích. Đàn ông sẽ quỳ hai gối, cúi đầu xuống thấp, cung kính đưa hai tay về phía trước.
Con gái chưa gả chồng cũng hành lễ như vậy. Phụ nữ đã xuất giá chỉ cần quỳ một gối, tay phải đưa lên để mời rượu. Tân nương mới lấy chồng trong lúc kính rượu lại cần ca hát.
Những thức quà truyền thống
Trong dịp Tsagaan Sar, đại gia đình người Mông Cổ sẽ ăn các món đuôi cừu, thịt cừu, cơm với sữa đông, các sản phẩm bơ sữa, và một loại bánh hấp gọi là buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka sữa trộn...
Mỗi vùng Mông Cổ lại có các món ăn khác nhau dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh quy lớn xếp hình kim tự tháp tượng trưng cho núi Sumeru, thịt ngựa và bánh nhân thịt cừu, thịt bò…
Mâm cỗ của Tsagaan Sar rất thịnh soạn, đòi hỏi các gia đình phải chuẩn bị trước nhiều ngày. Thông thường, các gia đình sẽ cùng làm bánh bao buuz và ul boov, một loại bánh nướng vừa để tráng miệng, vừa để làm quà.