Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã khép lại một kỳ ASIAD thành công khi trở về nước với 4 chiếc HCV. Những tấm HCV, những bước tiến tạo nên kỳ tích của Olympic Việt Nam hay thất bại của Ánh Viên, Xuân Vinh đã mang tới những dư vị ngọt ngào và những vấn đề để TTVN nhìn lại mình, đánh giá đúng hơn khâu chuẩn bị và có thể tự tin hướng tới tương lai.
Từ vinh quang…
Bùi Thị Thu Thảo chính là cái tên xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất cho TTVN tại Asian Games 18. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam được dự đoán là người có khả năng chiến thắng cao nhất tại Á vận hội và đã biến những kỳ vọng trở thành sự thật khi đã trở thành nhà vô địch ASIAD chỉ sau cú nhảy đầu tiên. Tấm HCV nội dung nhảy xa của Thu Thảo là một trong những chiến công lớn nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử. Đây vừa là tấm HCV thứ 2 của Việt Nam ở ASIAD 18, cũng là tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại Á vận hội. Tấm huy chương ấy càng ý nghĩa hơn bởi nó đến từ điền kinh - môn thể thao Olympic cơ bản nhất.
Cùng với Thu Thảo, tấm HCV nội dung thuyền nhẹ 4 người một mái chèo được xem là chiến công lớn thứ 2 của thể thao Việt Nam tại Á vận hội. Giống như điền kinh, Rowing cũng là một nội dung nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic. Cũng không thể quên được đội tuyển pencak silat với 2 tấm HCV danh giá giành được cho đoàn Việt Nam của Nguyễn Văn Trí (hạng cân 95 kg) và Trần Đình Nam (hạng cân 75 kg). Không phải cứ giành HCV mới là chiến thắng. TTVN cũng có những tấm HCB, HCĐ vô cùng giá trị. Bởi đó là những tấm huy chương bất ngờ, rất gần với đẳng cấp châu lục và thế giới. Ấy là tấm HCB 400 m rào của Quách Thị Lan, HCB 1.500 m tự do của Nguyễn Huy Hoàng, HCĐ 10 m bắn bia di động của Ngô Hữu Vượng.
Trong số này, chiến công của Huy Hoàng ấn tượng bởi anh đã khiến cả châu Á ngỡ ngàng khi cạnh tranh quyết liệt với huyền thoại Trung Quốc Sun Yang tới những mét đua cuối cùng. Trường hợp của Quách Thị Lan cũng gần tương tự. Cô giành HCB 400 m rào với thời gian 55 giây 30, chỉ xếp sau VĐV Bahrain Kemi Adekoya (54 giây 48). Tấm HCB của Lan quý như vàng bởi Adekoya vốn là VĐV của Nigeria. Có thể thấy rằng, đội tuyển điền kinh - môn thể thao cơ bản Olympic - lần đầu tiên giành HCV ASIAD. Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan và các VĐV khác đã mang lại vị thế mới cho điền kinh Việt Nam.
Một trong những ấn tượng lớn của TTVN chính là hành trình đáng nhớ của thày trò HLV Park Hang Seo. Tại ASIAD năm nay, thày trò HLV Park Hang Seo đã ghi thêm một dấu mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam khi lọt vào Top 4 đội mạnh nhất châu lục. Với những gì đã thể hiện, những gì đã làm được họ đã lấy lại được tình yêu và sự tự tin vào tương lai tươi sáng với lứa cầu thủ đầy tài năng cho bóng đá nước nhà. Sau kỳ tích lịch sử tại Thường Châu hồi đầu năm, ông thày người Hàn đã thêm một lần lột xác đội Olympic và tiến tới những kỳ tích mới. Chính ông thày người Hàn đã chia sẻ sau giải đấu rằng “Ở VCK U23 châu Á 2018, nhiều đội bóng đã bất ngờ với cách chơi của U23 Việt Nam và đôi khi không kịp trở tay. Thế nên, khi nòng cốt lứa U23 khoác áo Olympic Việt Nam để tranh tài ở ASIAD 2018, các đối thủ đã dành sự quan tâm cực lớn đến đội. Rõ ràng, vị thế của BĐVN đã thay đổi khi không chỉ còn đơn thuần là rào cản, mà đã là đối trọng nguy hiểm nên đối phương theo dõi rất sát. Bước ra đấu trường châu lục luôn rất thú vị, nhưng đi đôi với đó là áp lực và các HLV đều phải làm việc hết công suất. Giải đấu vừa qua, các cầu thủ trẻ Việt Nam trưởng thành rất nhiều và khiến các đối thủ luôn phải dè chừng. Đấy là nền tảng để BĐVN bước tiếp”.
Những chiến tích của thày trò HLV Park Hang Seo có được trên đất Indonesia đã khiến nơi quê nhà ngập tràn trong những biển trời cờ đỏ sao vàng, những dòng người nối đuôi nhau tấp nập, là những nụ cười và ánh nhìn trìu mến, sẻ chia với nhau niềm tự hào chiến thắng...
...Tới những thất bại của những VĐV trọng điểm
Hành trình của TTVN tại ASIAD không chỉ có những chiến thắng phi thường. Vẫn còn đó những khoảng lặng, những nỗi buồn, những điều chưa ưng ý ở ASIAD 18. Trong đó, điều đáng buồn nhất là nỗi thất vọng nơi các VĐV trọng điểm. Những cái tên được kỳ vọng sẽ đổi được màu huy chương như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Thật, Thạch Kim Tuấn... đều không thể giành chiến thắng và có những người còn tụt lùi về mặt thành tích so với trước đó. Những niềm hy vọng lớn nhất này đã cho thấy người sa sút phong độ, người không thể tìm lại mình, người thì đối mặt địch thủ quá mạnh và đã đều gây thất vọng. Nhiều người như Ánh Viên, Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Thật còn không thể giành nổi huy chương dù từng là nhà vô địch Olympic, vô địch châu Á.
Trong các VĐV trọng điểm, bộ đôi Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh là những nhà vô địch SEA Games và thế giới, được kỳ vọng sẽ mang về HCV cho đoàn. Nhưng càng kỳ vọng, thể thao Việt Nam càng phải thất vọng. Cả Kim Tuấn và Văn Vinh đều phải đối diện với những đối thủ quá đẳng cấp.
Nhưng đau đớn hơn cả là thất bại của nhà vô địch Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Xuân Vinh chỉ về thứ 9 tại vòng loại nội dung 10 m súng ngắn hơi sở trường và không thể vượt qua vòng loại. Cùng với Xuân Vinh, một nhà vô địch khác là Nguyễn Thị Thật cũng không thể giành huy chương Á vận hội. Đang giữ áo vàng châu Á, có thành tích rất ổn định trong thời gian qua, Nguyễn Thị Thật được kỳ vọng rất nhiều tại ASIAD 18 nhưng cuối cùng chỉ là thất vọng. Một sự thất vọng khác chính là Tú Chinh. “Người phụ nữ nhanh nhất Đông Nam Á” vẫn cho thấy mình bị ngợp khi bước ra sân chơi châu Á. Bên cạnh Tú Chinh, Quách Công Lịch có lẽ là VĐV Việt Nam xui xẻo nhất. Anh chấn thương chỉ sau 50 m chạy đầu tiên ở bán kết 400 m rào nam. Công Lịch lặng lẽ rời sân và trở về nước cùng một bức tâm thư giã từ sự nghiệp.
Những vấn đề phía trước
Sau ASIAD, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khẳng định “TTVN chưa thể đột phá ở ASIAD là do thiếu chiến lược phát triển, trong đó dễ nhận ra nhất là đầu tư theo lối mòn. Tức anh thấy VĐV nào đạt thành tích cao lặp đi lặp lại ở SEA Games thì đầu tư. Trong khi đó, khả năng sàng lọc, đánh giá của các bộ phận chuyên môn nhằm tìm những viên ngọc thô, tạo lực lượng kế cận lại rất yếu kém. Đó là lý do tại sao có những VĐV chả ai biết đến nhưng thi đấu lại đạt thành tích cao”. Theo ông Minh thì Thể thao Việt Nam ở khu vực châu Á chỉ thuộc dạng trung bình thấp. ASIAD 2018, chúng ta có 10 môn thể thao nằm trong diện tranh chấp huy chương, 10 VĐV có khả năng giành HCV. Đó là nỗ lực, tiến bộ, vươn lên trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chúng ta chưa vươn lên tới nhóm thứ 2 của ASIAD vì chưa đủ thời gian để đào tạo và xây dựng hệ thống lực lượng có tài năng. Việc chuyển hướng, phát triển các môn Olympic là chính xác và cần sự thống nhất của các nhà quản lý thể thao và đặc biệt phải có sự đầu tư mạnh mẽ.
Việc tổ chức thực hiện chiến lược thể thao cần phải được xuyên suốt, nhất quán và trong từng sự kiện, từng chiến dịch phải có kế hoạch cụ thể. Việc đào tạo VĐV, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư cho địa phương phải được đầu tư mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, ngành thể thao cũng cần định hướng, xác định các lứa VĐV có khả năng cho từng chu kỳ. TTVN muốn phát triển không chỉ trông chờ vào các trung tâm huấn luyện quốc gia mà phải phát triển theo dạng chân đế, ở từng địa phương. Từ đó, nguồn VĐV mới được đa dạng và hiệu quả. Tập trung khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện lạc hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng VĐV ngay cả với các trung tâm lớn của đất nước cũng là vấn đề phải sớm giải quyết...
Dẫu vậy, Với 4 tấm HCV trong đó có 2 huy chương tới từ các môn Olympic, TTVN đã có kỳ ASIAD thành công nhất trong lịch sử. Đây là tiền đề quan trọng chứng minh sự đúng đắn trong chuyển hướng chiến lược của TTVN, mở đường tới những thành công tại các sân chơi lớn của thế giới.