Trước kia, y học nước nhà dựa trên nền tảng lý luận Trung y, với Châm cứu tiệp hiệu diễn ca của Nguyễn Đại Năng (đời nhà Hồ) trong đó có bổ sung thêm huyệt Nhũ ảnh, Bôi lam chữa sốt rét; trực cốt chữa hư lao; Quân dần, Phục nguyên chữa động kinh.
Bảo anh lương phương của Nguyễn Trực (1455) với kinh nghiệm chữa sởi và đậu mùa. Y học yếu giải tập chú di biên của Chu Doãn Văn (1466) bàn về thuỷ hoả và ngoại cảm. Nhãn khoa yếu lược của Lê Đức Vọng (đơi Lê) bàn về phép chữa các chứng đau mắt, đặc biệt là đau mắt hột và lông quặm…
Bắt mạch trong y học cổ truyền.
1. Sang thời nhà Trần, trong lúc triều đình và giới quan lại quyền quý sính dùng thuốc Bắc thì một thầy thuốc là Tuệ Tĩnh với tinh thần độc lập tự chủ đã đề xướng lên quan điểm “Nam dược trị Nam nhân”, qua tác phẩm Nam dược thần hiệu (được bổ sung và in lại năm 1761). Tuy nhiên, phải đến thời Hậu Lê, thì toàn bộ những lý luận, học thuật của Trung Quốc vào Việt Nam và của Việt Nam mới được tổng kết ở mức độ uyên thâm nhất qua tác phẩm Hải Thượng Y Tôn Tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) gồm 28 bộ có 66 tập sách nói về y đức, vệ sinh phòng bệnh, y lý cơ bản, dược lý, bệnh lý, các đơn thuốc có công hiệu, bệnh án, một số trường hợp bệnh….
Trong các triều đại trước, nhà cầm quyền chỉ quan tâm đến việc phục vụ sức khoẻ cho vua, quan và quân đội, còn việc chăm lo sức khoẻ của nhân dân lao động thì mặc cho tư nhân hoặc các tổ chức tôn giáo phụ trách. Chỉ đến thời nhà Hồ (1400 - 1406), Hồ Hán Thương mới lập Quảng Tế Thự để chữa bệnh cho dân và giao cho thầy thuốc Nguyễn Đại Năng phụ trách.
Đặc biệt, dưới thời nhà Lê (1261) ngoài việc lập ra Y học huấn khoa để đào tạo thầy thuốc, chính quyền còn ban hành Bộ luật Hồng Đức với những qui định về Y đức (điều 541), về quản lý vệ sinh thực phẩm (điều 420) và công tác Pháp y trong bộ sách “Nhân thân kiếm tra nghiệm pháp”.
“Mẹo lạ thuốc hay” được coi như “y lý” của nền y học trước đây của nước nhà. Cùng với việc đất nước có tới hơn 6.000 loại cây có thể chế biến thành thuốc (dược liệu) nên y học nước nhà suốt hàng ngàn năm đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sang thời hiện đại, như thế là chưa đủ. Quan điểm “Đông - Tây y kết hợp” vừa nâng cao giá trị y học cổ truyền, vừa song hành với những tiến bộ y học (mang tính khoa học kỹ thuật) đã đưa nên y học nước nhà hôm nay sánh ngang tầm thế giới.
Một ca ghép tạng.
2. Những năm qua, nền y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, từ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ y sỹ, bác sỹ, đặc biệt là nghiên cứu, áp dụng thành công những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực tế điều trị. Dấu ấn của những tiến bộ kỹ thuật mới này là sự tâm huyết, sáng tạo và những nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sỹ Việt Nam.
Tới nay, chúng ta đã khẳng định việc làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, năm 2018 thực hiện thành công ghép phổi; Tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới (can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản); Thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu.
Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, có thể điểm ra những thành tựu nổi bật như củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến xã với hơn 1.400 BV, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm.
“Các trung tâm y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực, như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công. Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Mới đây nhất, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, BV Việt Đức đã thực hiện tới 15 ca ghép tạng. Cụ thể, ngày 12/8, BV Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức và thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não. Người hiến tạng còn trẻ và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt. Người nhận phổi là ông N.V.K (38 tuổi) mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối- có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và oxy hỗ trợ. Ca mổ lấy- ghép 2 phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4h chiều 12/8 đến 6h30 phút ngày 13/8. Ghép 2 phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.
Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn một vài ngày tới.
PGS Nguyễn Hữu Ước- Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (BV Việt Đức) cho hay, quy trình lấy phổi rất phức tạp. Đây là kỹ thuật khó. Quy trình gồm hàng trăm bước khác nhau, hết sức chi tiết, khi thực hiện phải thống nhất trên quy trình đó. Chúng tôi hoàn chỉnh quy trình từ ca ghép đầu tiên, đến ca thứ 2 thì tương đối thuận lợi. Nếu lấy tim thì dễ, còn nếu lấy cả phổi và tim thì khó khăn hơn nhiều
GS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết lấy đa tạng hoàn toàn khác lấy đơn tạng. Có yêu cầu về mặt quy trình bảo quản, yêu cầu về dung dịch giữ tạng, cách hồi sức để tạng sống và ghép cũng là vấn đề lớn. Tim gan thận tương đối đồng nhất. Lấy phổi, yêu cầu rất cao. Trước khi chết não, hồi sức cứu chữa, nếu làm không tốt, áp lực đường thở, thuốc điều trị… có thể làm hỏng phổi. Khi muốn lấy đa tạng, đó là vấn đề rất khó. Chúng ta đã có tiến bộ rất lớn trong vấn đề ghép tạng.
Một điểm đặc biệt nữa của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy là có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc, 1 bàn lấy tạng và 5 bàn ghép tạng. Cho đến hôm nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều có diễn biến thuận lợi. Theo Giáo sư Trần Bình Giang, đặc biệt hơn, trong gần 1 tuần từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, BV Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ BV Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và BV Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.
Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Đây có thể coi là một kỷ lục mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.
3. Với việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị và thành công với nhiều ca bệnh khó, những năm gần đây, các cơ sở y tế trong nước ngày càng đón tiếp nhiều người nước ngoài đến chữa trị. Số lượng bệnh nhân nước ngoài tại các cơ sở y tế trong nước đang tăng lên nhanh chóng qua các năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu như năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000 người, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người, thì đến năm 2018 đã có hơn 300.000 lượt người nước ngoài khám bệnh tại Việt Nam và số lượt điều trị nội trú đã tăng hơn 2 lần (vào khoảng 57.000 lượt người). Những dịch vụ kỹ thuật được bệnh nhân nước ngoài sử dụng chủ yếu tại Việt Nam như: Nha khoa, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản, ung thư và một số bệnh ngoại khoa. Đặc biệt, vào các dịp lễ Tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam khám chữa bệnh cũng cho thấy thành tựu vượt bậc của y học nước nhà hôm nay.