Nối tiếp những số trước, kỳ này GS Nguyễn Lân Dũng tiếp tục mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích về lịch sử của quặng vàng, cối xay gió và thuyền buồm.
Vàng có mặt trong quặng vàng hay lẫn trong đá, trong cát. Quặng vàng thường được tìm thấy cùng đá thạch anh hay các khoáng silic. Vàng còn được tìm thấy trong các trầm tích phù sa, hay bị rửa trôi vào các con suối hay các dòng sông.
Quặng vàng thường có hai loại chính là quặng vàng và quặng kim loại vàng. Quặng vàng là quặng mà vàng đã đạt độ tinh khiết từ 75 - 95%. Quặng loại này đã bị nóng chảy từ trong lòng đất và được đẩy lên theo sự vận động của vỏ trái đất. Vàng có màu vàng dạng như kim tuyến hay như hạt tấm.
Những mỏ vàng khổng lồ xuất hiện trong quá trình hình thành của trái đất khi sắt nóng chảy chìm xuống tâm của trái đất, kéo theo số lượng lớn các kim loại quý.
Quặng kim loại vàng ở Việt Nam thường là quặng đa kim. Vàng chưa bị nóng chảy nên bị lẫn trong các kim loại khác như đồng, sắt, bạc... Để khai thác quặng vàng loại này người ta phải dùng đến các phương pháp tuyển vàng khác nhau, tùy theo tính chất của mỗi loại quặng bị nhiễm vàng.
Trên thế giới ước tính có khoảng 250.000 tấn vàng. Đến nay mới khai thác được khoảng 150.000 tấn. Quặng vàng lớn nhất trên thế giới được tìm thấy tại vùng Moliagul, Victoria, thuộc Australia vào năm 1869 bởi John Deason và Richard Oates.
Dù chưa biết được chính xác thời gian nhưng người ta ước tính quặng vàng được khám phá lần đầu từ cách đây khoảng 5.000 năm. Quặng vàng đầu tiên được khai thác ở Ai Cập vào thế kỷ thứ nhất hay thứ hai Công nguyên. Những tranh vẽ còn lại ở Ai Cập cho thấy việc khai thác vàng phải qua nhiều giai đoạn. Vàng được đãi trong nước, cát nhẹ nổi lên trên còn các hạt vàng nặng hơn sẽ lặn xuống dưới. Từ năm 3.000 trước Công nguyên các vòng vàng đã được dùng để làm vật trao đổi. Ngoài việc dùng vàng để làm các đồng tiền, vàng thường được làm các vật trang trí. Khoảng 2.000 năm trước Công nguyên người Hy Lạp và người La Mã đã biết khai thác vàng từ các quặng nằm sâu trong lòng đất.
Tại Việt Nam, thế kỷ 14 được coi là thời thịnh vượng của công cuộc khai thác vàng tại Bồng Miêu. Quá trình khai thác tiếp tục duy trì đến thế kỷ 15 và trở nên hưng thịnh dưới triều đại nhà Nguyễn... Tuy vậy, để cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ danh tiếng “vàng Bồng Miêu” phải nói đến những năm tháng “bòn vàng” của người Pháp tại mỏ vàng này.
Đó là thời điểm từ năm 1890 đến năm 1895 khi người Pháp “hạ quyết tâm” chiếm lĩnh và tổ chức mở đường Tam Kỳ - Bồng Miêu, đồng thời thành lập hẳn một công ty chuyên khai thác vàng với tên gọi Công ty Vàng Bồng Miêu. Tính đến năm 1939, người Pháp đã “bòn” ở mỏ vàng Bồng Miêu 2.283 kg vàng.
Kết thúc chiến tranh, mỏ vàng Bồng miêu hoang tàn, đổ nát do bom đạn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mỏ vàng Bồng Miêu tiếp tục bị người dân khai thác trái phép. Đỉnh điểm của cuộc chiến "truy sát" vàng này vào thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ 20.
Đến ngày 6/4/2006, Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu (liên doanh giữa Công ty Olympus Pacific Minerals Inc... (đăng ký hoạt động tại Canada), Công ty phát triển khoáng sản (Bộ Công nghiệp) và Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Quảng Nam đã chính thức đi vào hoạt động sau gần 15 năm thăm dò và chuẩn bị. Tổng vốn đầu tư của công ty này là 40 triệu USD, phía nước ngoài chiếm 85%.
Năm 1993, đoàn địa chất của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đánh giá Phước Sơn là nơi có trữ lượng vàng rất cao, Quảng Nam là nơi chứa trữ lượng vàng nhiều nhất nước. Dự báo địa chất thăm dò tại xã Phước Thành là trên 14 tấn, Phước Kim 7 tấn, Phước Hiệp 9 tấn. Riêng tại Phước Đức, nơi mỏ Công ty vàng Phước Sơn đang khai thác, trữ lượng vàng không được tiết lộ nhưng được đánh giá là một trong những mỏ vàng tốt nhất châu Á. Ngoài ra 13 vị trí khác phân bố rải rác tại Quảng Nam đều có trữ lượng vàng khá cao, phân bố trên 10.000km2. Trước đó, năm 1980 Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam đã thăm dò, đánh giá trữ lượng dự báo hơn 35 tấn. Cũng theo tài liệu này, tại mỏ vàng Bồng Miêu có hàm lượng 3-5 gam vàng/tấn quặng nhưng tại Phước Sơn có đến 13 gam vàng/tấn quặng. n
Cối xay gió là công trình nhỏ nhằm biến sức gió thành năng lượng quay cánh quạt và nhờ đó có thể xay hay nghiền ngũ cốc. Các cối xay gió hiện nay còn dùng để phát điện hay để chạy máy bơm nước (tưới tiêu hoặc thoát nước).
Người ta cho rằng Hoàng đế Hammurabi xứ Babylon đã lên kế hoạch dùng máy xay gió để phục vụ dự án thủy lợi đầy tham vọng của mình từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Cối xay gió đã được sử dụng ở Ba Tư (Iran ngày nay) vào đầu năm 200 trước Công nguyên. Cối xay gió của Heron tại Alexandria đánh dấu một trong những trường hợp được biết đến đầu tiên của chiếc máy chạy bằng sức gió trong lịch sử. Kỹ sư Hy Lạp Heron từ thế kỷ thứ nhất Công nguyên đã biết sử dụng cối xay gió để làm chạy một chiếc máy. Tại Tây Tạng và một số nơi khác ở Trung Quốc cối xay gió đã hoạt động từ thế kỷ thứ 4. Tuy nhiên, việc chiếc cối xay gió được biết đến nhiều hơn là được xây dựng ở Sistan, một vùng nằm giữa Afghanistan và Iran, từ thế kỷ thứ 7. Những thân cối xay gió là những trục dọc, và có cánh quạt hình chữ nhật.
Vào thời Trung Cổ người ta dùng cối xay gió để nghiền bột. Họ phải thường xuyên canh chừng gió. Khi gió yếu họ phải dùng một cây sào để điều chỉnh vị trí các cánh quạt.
Khi gió quá mạnh cũng phải điều chỉnh để không làm cháy máy xay. Tới thế kỷ 12 ở Châu Âu các cối xay gió đã có nhiều cải tiến để phù hợp với chế độ gió thất thường. Vào thế kỷ 17 người Hà Lan đã tận dụng cối xay gió để bơm nước nhằm mục đích lấn biển để mở mang bờ cõi.
Những cối xay gió sớm nhất đã sử dụng các cánh quạt quay trong một mặt phẳng ngang xung quanh một trục thẳng đứng. Những cối xay gió này được nhà địa lý Ba Lan Estakhri ghi chép là có mặt ở miền đông Ba Tư vào thế kỷ thứ 9. Thời xưa các cánh quạt có từ 6 - 12 chiếc phủ bằng chiếu sậy hay bằng vải và được dùng để nghiền hạt hoặc bơm nước. Các cối này khác với các cối xay gió ở châu Âu về sau trong thế kỷ 18 - 19 là các cánh quạt được lắp thẳng đứng trên một trục nằm ngang. Cối xay gió được sử dụng rộng rãi khắp Trung Đông, Trung Á và sau đó mới lan truyền sang Trung Quốc và Ấn Độ. Một cối xay gió được tìm thấy ở Trung Quốc trong triều đại Jurchen Jin (1115 - 1234).
Ở châu Âu đã phát hiện thấy một cối xay gió dùng để nghiền ngũ cốc vào khoảng năm 1185 ở làng Weedley thuộc vùng bắc Yorkshire (nước Anh). Vào cuối thế kỷ 13 nhiều cối xay gió đã được cải tiến để có thể hoạt động được ngay khi có lượng gió không lớn. Cối xay gió sau đó khá phổ biến ở Anh, các thuộc địa của Anh, ở Đức và Đan Mạch
Về sau người ta đã cải tiến các cánh quạt để không phải dùng để xay ngũ cốc hay bơm nước mà là để phát điện. n
Thuyền buồm là một loại thuyền chạy bằng sức gió nhờ vào cánh buồm. Con người đã bắt đầu biết sử dụng thuyền buồm ngay từ buổi đầu của nền văn minh. Người La Mã cổ đại là những người đầu tiên gắn những cánh buồm vào con thuyền chèo để kết hợp cả hai loại năng lượng sức người và sức gió.
Ngày nay, thuyền buồm được sử dụng ở mọi nơi trên thế giới. Ở các quốc gia phương tây như Mỹ, Úc, New Zealand và các nước châu Âu, môn thể thao thuyền buồm rất được ưa chuộng.
Ở châu Á, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan cũng có rất nhiều thuyền buồm. Riêng ở Việt Nam, kể từ ngày động cơ diesel xuất hiện, thì những con thuyền buồm cũng càng lúc càng ít đi.
Nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) là một trong những nền văn minh đầu tiên phát triển. Họ là những người phát minh ra bánh xe, hình nêm, và thuyền buồm. Những chiếc thuyền buồm quan trọng nhất đối với họ vì việc vận chuyển là điều cần thiết. Vào khoảng 5.000 năm trước người Mesopotamia bắt đầu sử dụng thuyền buồm. Kể từ khi Mesopotamia nằm giữa hai con sông nổi tiếng là Euphrates và Tigris, họ cần vận chuyển nước phục vụ du lịch và buôn bán. Một nền văn minh phát triển dựa trên thương mại và Mesopotamia cũng không phải là ngoại lệ. Họ muốn thiết lập mối quan hệ thương mại với các thành phố lân cận và các quốc gia khác.
Đây là những ngày trước khi các tuyến đường được xây dựng làm cho việc vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ trở nên sôi động và khó khăn. Do đó, họ phải tìm ra phương thức vận chuyển mới. Điều này dẫn đến hình thức vận chuyển trên mặt nước, và các loại thuyền đầu tiên đã được phát minh.
Thuyền đưa người và hàng hoá xuống hạ lưu và sau đó ngược dòng lên thượng lưu. Các thuyền buồm đã giúp đỡ các cư dân Mesopotamians rất nhiều trong thương mại. Thuyền buồm của Mesopotamia đã giúp cho họ thiết lập được các mối quan hệ thương mại với các thành phố và các quốc gia khác, làm cho họ trở thành một trong những nền văn minh nổi tiếng nhất thời đó.
Người Ai Cập vào khoảng 3.500 năm trước Công nguyên đã biết dựng các cánh buồm bằng giấy cói hay bằng vải lanh trên con thuyền của mình. Nhờ có thuyền buồm mà các dân tộc thời cổ đại có thể di chuyển đến những vùng đất mới.
Qua nhiều thế kỷ, người Ai Cập và người Hy Lạp đã xây dựng nên một nền kinh tế biển quan trọng ở vùng Địa Trung Hải. Nhiều tàu thuyền với những cánh buồm lớn đã liều lĩnh tiến về phần phía nam của Hồng hải và Đại Tây Dương. Các cuộc thám hiểm lớn bằng thuyền buồm đã tiến dần về phía Tây Phi và Bắc Âu làm mở rộng thêm giới hạn của cái thế giới mà con người biết được.