Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019; yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NNPTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Trong vòng hơn 2 tháng qua, giá thịt lợn tăng cao. Việc này là do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi, khiến tổng đàn lợn giảm. Tới nay, dịch tả lợn châu Phi đã càn quét hầu hết các tỉnh thành, với trên 4 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy. Thật lo ngại khi vẫn và chưa có vaccine đặc trị, lợn dính virus bệnh này gần như 100% bị chết.
Kể từ khi phát hiện tại nước ta (đầu tháng 2/2019), loại dịch bệnh nguy hiểm này đã càn quét ở 6.500 xã thuộc tại của 62 tỉnh thành. Duy nhất chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là chưa xuất hiện loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Dịch tả lợn châu Phi đã làm nhiều vùng chăn nuôi gần như kiệt quệ, người nuôi lợn phá sản. Được biết, tại một số tỉnh, tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy lớn hơn tổng ngân sách chi tiêu hàng năm của địa phương. “Thủ phủ” ngành chăn nuôi là Đồng Nai thì dịch bệnh cũng tàn phá đàn lợn. Người chăn nuôi điêu đứng khi không thể tái đàn, buộc phải chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Mà như thế hệ thống chuồng trại, thức ăn, cách phòng ngừa dịch bệnh… buộc phải thay đổi, hết sức tốn kém.
Thời gian qua, người chăn nuôi lợn đã phải “tự cứu mình”. Nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại đã tự bảo vệ mình bằng cách chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các loại chế phẩm để hạn chế thiệt hại và bảo vệ được đàn lợn sống sót, trong khi dịch bệnh vây quanh. Nói như ông Nguyễn Xuân Dương (Cục Chăn nuôi- Bộ NNPTNT) thì các chế phẩm vi sinh được sử dụng trong cả thức ăn, nước uống, phun trong môi trường để gia tăng vi khuẩn có lợi, đồng thời ức chế vi khuẩn có hại, cũng như các loại virus gây bệnh trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, khuyến cáo chưa tái đàn vẫn được cơ quan chức năng cùng các địa phương đưa ra. Chính vì thế, đàn lợn nuôi trong nước suy giảm kéo dài. Theo cơ quan chức năng, Tết này, rất có thể sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Trong khi đó, hàng ngày, giá thịt lợn vẫn tăng cao, do đàn lợn sống sót không còn nhiều.
Những biện pháp ổn định giá thịt lợn đã được đưa ra, trong đó có cả việc nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tình hình vẫn không sáng sủa. Cơ quan chức năng đã cảnh báo việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc (phía Bắc), hay là việc nhập khẩu (lậu) lợn từ biên giới Tây Nam, nhưng đó cũng không phải là giải pháp cơ bản, vì như vậy cũng không làm cho giá thịt lợn trong nước giảm xuống.
Khi Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu thịt lợn trong thời điểm này sẽ tăng rất cao. Việc Chính phủ chỉ đạo bình ổn giá trước, trong và sau Tết là rất cần thiết, trong đó nổi lên là mặt hàng thịt lợn. Tới thời điểm này, cho dù có ồ ạt tái đàn thì cũng không kịp nữa. Vì thế, cùng với việc cơ quan chức năng nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu thị trường thì bản thân người dân cũng cần chủ động với nguồn thực phẩm thay thế, không chỉ phụ thuộc vào thịt lợn, cho dù trong cơ cấu “rổ” thực phẩm của người Việt thì có khoảng trên 60% là thịt lợn. Đặc biệt, không chỉ vì lợi nhuận mà xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì các doanh nghiệp, trang trại tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, bởi Việt Nam và Trung Quốc chưa có ký kết chính thức việc xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới.
Theo Bộ Công thương, giá thịt lợn tăng mạnh từ cuối tháng 10 đến nay với mức tăng 60%-95% so với đầu năm 2019. Trong 10 tháng của năm 2019, cả nước nhập khẩu 96.000 tấn thịt lợn, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Con số này dù lớn gấp đôi cùng kỳ năm 2018, song với sản lượng thịt lợn trong nước sụt giảm tới 50%, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11 giảm 22% với cùng kỳ.
Vấn đề trước mắt là phải có được nguồn cung thịt lợn không chỉ tháng trước mắt mà cao điểm phải là dịp Tết Nguyên đán. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề này là rất cần thiết; không chỉ Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, chính quyền các địa phương phải tuân thủ mà, như đã nói, bản thân từng bà nội trợ trong mỗi gia đình cũng cần chủ động. Không thể để chỉ vì thiếu thịt lợn mà cái Tết thiếu vui.