UBND TP Hà Nội vừa chính thức công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn Hà Nội, đồng thời triển khai Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội. Thế nhưng do số lượng di tích xuống cấp quá lớn, và thành phố không cân đối được ngân sách nên vẫn đang phải “xếp hàng” chờ tu bổ.
TP Hà Nội đã duyệt một dự án, tới đây trước hết sẽ tu bổ cầu Thê Húc.
Xếp hàng dài
Theo như thống kê, tính đến năm 2016 TP Hà Nội có tổng số 5.922 di tích và có 2.435 di tích đã được xếp hạng. Đáng ngại là trong số này cũng có khoảng 2.000 di tích xuống cấp, trong đó hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ. Thế nhưng việc “xếp hàng” tu bổ với nhiều di tích hiện nay cũng vô cùng khốn khổ bởi hai từ “di sản”.
Lý giải về bất cập này theo ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội: để giải quyết những di tích xuống cấp là một bài toán vô cùng nan giản. Trong đó, nguyên nhân, theo ông Tiến, căn cứ theo Nghị định 70 và Thông tư 18 trình tự lập các dự án tu bổ di tích cần phải qua 3 bước đó là thỏa thuận chủ trương, thỏa thuận dự án và thỏa thuận bản vẽ thiết kế thi công.
Nếu quy trình tốt chỉ khoảng 3 đến 4 tháng thì việc tu bổ di tích sẽ được giải quyết. Nhưng thực tế nhiều di tích mà đơn vị quản lý là Sở VHTT Hà Nội khi nhận hồ sơ thì chất lượng của đơn vị tư vấn vô cùng kém. Thậm chí để đến lúc nhận hồ sơ di tích yêu cầu sửa thì nhiều đơn vị đợi đến 6 tháng vẫn chưa gửi lại. Chưa kể có một thực tế ngay nhưng người khi lập hộ sơ và cả chủ đầu tư khi cần giải trình vô cùng lúng túng với chính hồ sơ của mình.
“Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi là chủ đầu tư phải có một đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm. Tôi cho rằng một dự án đảm bảo được những khâu chất lượng đó thì khoảng 6 tháng là có thể xong”, ông Tiến cho hay.
Cũng theo đại diện Sở VHTT Hà Nội thì thực tế không phải cứ sai là đổ lỗi cho cơ quan quản lý. Bởi, thực tế với các di tích cần được tu bổ thì trách nhiệm được giao cho các chủ đầu tư cho các quận huyện, các đơn vị tư vấn. Bản thân cơ quan quản lý là các Sở, ban, ngành văn hóa gần như không được quyền lựa chọn.
Trong đó, trên cơ sở trong luật và hướng dẫn của Sở đã quy định là phải đủ hồ sơ năng lực, hồ sơ năng lực bao gồm: chọn chủ đầu tư, tư vấn là phải có chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, theo yêu cầu cơ bản với mỗi công trình phải có 3 kiến trúc sư được cấp chứng chỉ tu bổ và kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích.
Đây là những điều kiện cần và đủ để tránh tình trạng mượn pháp nhân của nhau. Nhưng có rất nhiều câu chuyện nhiều đơn vị không có năng lực tu bổ di tích, nhưng nhờ mối quan hệ vẫn tiến hành tu bổ. Hay việc mượn hồ sơ của đơn vị có năng lực để rồi nhờ vả những đơn vị “quen biết” là hoàn toàn có. Hiện nay, những vấn đề “bùng nhùng” trong việc tu bổ di sản Thủ đô đang vướng bất cập ở chỗ đó.
Nan giải bài toán ngân sách
Nếu theo quy định phân cấp của TP Hà Nội: Di tích thuộc cấp quản lý nào thì cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sự quản lý của cấp đó. Nguồn tài chính cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được Luật Di sản văn hóa xác định từ ba nguồn: ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa. Nếu tính trung bình, mỗi di tích tu bổ tôn tạo cần khoảng 10 tỷ đồng thì tổng số kinh phí tu bổ di tích là quá lớn.
Theo quy định, mức hỗ trợ của thành phố dành cho tu bổ, tôn tạo di tích là 60% tổng kinh phí thực hiện, địa phương lo 40% còn lại. Thế nhưng, nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn lực đối ứng, không xã hội hóa được phần còn lại khi tu bổ di tích.
Ngay cả nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ địa phương cho việc tu bổ, tôn tạo di tích những năm qua còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp. Thế nhưng nếu cứ áp dụng và đợi thì dường như từ “cấp trên” đến “cấp dưới” đang làm khó nhau và phải có quy trình.
Theo ông Trương Minh Tiến: Thời gian tới việc cần làm là khai thác du lịch và tu bổ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa. Nhưng cũng cần phải từng bước một. Ví dụ, đền Ngọc Sơn hiện nay đang bị xuống cấp như cổng đang nghiêng, cầu Thê Húc cũng xuống cấp nghiêm trọng.
TP Hà Nội cũng đã duyệt một dự án để mà tu bổ, tới đây trước hết sẽ tu bổ cầu Thê Húc. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các cũng đã xuống cấp rồi, tới đây phải tôn tạo. Thêm nữa là hồ Văn cũng nằm trong Khu vực 1 cần phải chấn chỉnh lại, tường bao xung quanh cũng hỏng rồi, cho nên cũng phải từng bước một…
Cũng theo ông Tiến, trước hết phải ưu tiên di tích mà các quận huyện chọn, hoặc làm một di tích điểm để thu hút khách du lịch. Với những trường hợp này thì ngân sách của quận huyện hoặc của TP là phải đầu tư vào đây. Còn các di tích mà không thể hoặc chưa thể huy động được nguồn vốn, thì tùy vào khả năng ngân sách của các địa phương để tránh nguy cơ xuống cấp di tích.