Vụ Quế Ngọc Hải phạm lỗi thô bạo với Trần Anh Khoa, dẫn đến việc cầu thủ của SHB. Đà Nẵng bị đứt dây chằng, phải sang Singapore phẫu thuật và đứng trước nguy cơ giã từ sân cỏ đã xảy ra từ cách đây vài tháng, nhưng những hệ luỵ liên quan đến "cái dây chằng" thì vẫn đang diễn ra, buộc những người làm bóng đá nước nhà phải suy nghĩ rất nhiều.
Pha phạm lỗi nghiêm trọng của cầu thủ Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa.
Thứ nhất, sau vụ việc này cả làng mới tá hoả việc các cầu thủ Việt Nam không được mua bảo hiểm đôi chân - một yêu cầu tối quan trọng với những người hành nghề bóng đá ở những nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. Thực ra, vào những năm 2006 - 2007, CLB Nam Định đã đi tiên phong trong việc mua bảo hiểm đôi chân - bảo hiểm nghề nghiệp cho các cầu thủ, một việc làm mà khi ấy được đánh giá là "cực kỳ nhân văn", nhưng cùng với sự xuống dốc không phanh của bóng đá Nam Định, cái việc này cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Rà soát lại làng bóng Việt Nam hiện nay mới chỉ thấy cầu thủ gạo cội Lê Công Vinh là có bảo hiểm đôi chân, nhưng đấy là cái bảo hiểm mà Công Vinh tự bỏ tiền túi ra mua riêng cho mình. Từ chính những vỡ vạc này mà mới đây VPF (công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) mới lên kế hoạch hợp tác với các hãng bảo hiểm để thực hiện việc mua bảo hiểm cho các cầu thủ ở V.League, giải hạng Nhất và hạng Nhì quốc gia ngay trong mùa giải 2016. Có thể nói, từ một vụ va chạm kinh hồn giữa Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa, cả một nền bóng đá chuyên nghiệp đã vỡ ra một thiếu sót của mình, và lập tức tìm cách lấp vào cái thiếu sót ấy là rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên ngay trong vấn đề này, bên cạnh rất nhiều những ý kiến hoan nghênh, vẫn còn những lăn tăn không nhỏ đến từ chính những lãnh đạo các CLB. Trong một cuộc trao đổi với người viết mới đây, một lãnh đạo giấu tên chia sẻ: "Về cơ bản, mua bảo hiểm đôi chân cho các cầu thủ là rất tốt, nhất là trong bối cảnh chúng ta chưa có hiệp hội cầu thủ để bảo vệ quyền lợi của cầu thủ. Nhưng nếu làm không khéo và không đúng thì rất có thể các cầu thủ lại ỷ vào việc đã được bảo hiểm, không phải thanh toán chi phí chấn thương nên mặc sức đá láo, đá ẩu với đối phương". Chắc chắn, một ý kiến như vậy là điều mà lãnh đạo VPF cần tham khảo, từ đó cần phải làm rõ các qui định, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, chẳng hạn như trường hợp va chạm nào thì được bảo hiểm thanh toán, trường hợp va chạm nào thì người tạo ra va chạm phải chịu một phần trách nhiệm.
Vẫn từ cái dây chằng của Anh Khoa, người ta cũng vỡ ra một quy định cực kỳ bất hợp lý của Điều lệ Kỷ luật bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đó là cầu thủ gây ra chấn thương có thể phải đền bù 100% chi phí chữa trị chấn thương cho người bị hại. Thoạt tiên, khi Ban Kỷ luật VFF đề nghị Quế Ngọc Hải phải thực hiện việc đền bù 100% này cũng đã có ý kiến đặt ra: nếu Anh Khoa chữa chấn thương đến 1 tỷ, 2 tỷ, thậm chí là nhiều hơn nữa thì Ngọc Hải đào đâu ra tiền đền bù? Đấy là còn chưa nói, không có bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào lại có một điều khoản kỷ luật gây tranh cãi như vậy cả. Trong câu chuyện này lại có hai vấn đề cần vỡ vạc và sửa chữa. Đầu tiên là việc các quy định kỷ luật của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (không riêng gì những quy định trong trường hợp cụ thể này) cần phải được rà soát lại xem có thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn và hoàn cảnh phát triển hay không, nếu không thì cần phải chính sửa, thay thế kịp thời. Tiếp nữa là việc trước khi VFF thông qua một quy định, một điều khoản luôn có sự tham khảo ý kiến của đại diện các CLB, nhưng trong những lần tham khảo ý kiến này, phần lớn đại diện các CLB thường chỉ nhìn nhận, xem xét vấn đề một cách qua loa, chứ không có những nhìn nhận sắc sảo, nhiều chiều, để rồi phải đến khi xảy ra việc, khi chính thức đối diện với những bất hợp lý của luật lệ mới bắt đầu tìm cách...la làng. Lâu nay người ta vẫn hay chỉ trích sự không chuyên nghiệp của VFF, nhưng thực tế sự không chuyên nghiệp được biểu lộ rõ nét ở ngay cả các CLB, mà rõ nhất là trong việc đại diện các CLB chỉ dự họp, dự thảo luận qua loa, chiếu lệ rồi...vui vẻ ra về.
Vẫn từ cái dây chằng gối của Anh Khoa, người ta một lần nữa phải đặt dấu hỏi về công tác y học thể thao - y học bóng đá của chúng ta. Nên nhớ, đến thời điểm này Việt Nam đã có một bệnh viện thể thao, nơi qui tụ rất nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về y học thế thao, vậy mà gần như tất cả những vụ tai nạn thể thao từ trước đến giờ đều phải đưa ra nước ngoài chữa trị. Trong trường hợp của Anh Khoa, cầu thủ này đã phải sang tận Singapore và đã phải trả một mức kinh phí chữa trị lên tới 800 triệu đồng nhưng "khả năng hồi phục, có thể trở lại sẫn có vẫn chỉ là 60 - 75%" - lời của bác sĩ người Sing chữa trị cho Anh Khoa. Không hiểu là đội ngũ bác sĩ thể thao ở ta có thấy đau với một câu chuyện như thế này hay không?