Bất chấp những cảnh báo liên tục của các cơ quan chức năng, các vụ tai nạn về pháo nổ vẫn gia tăng đột biến trong thời điểm cuối năm.
Liên tiếp tai nạn thương tâm
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 4 nam bệnh nhân vào viện trong tình trạng bị bỏng tại nhiều vị trí trên cơ thể do pháo gây ra. Cả 4 bệnh nhân cùng trú tại địa chỉ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Điều đáng nói, các cháu đang ở độ tuổi 13, 14. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết các trường hợp trên bị bỏng nhiệt ở cấp độ I, II, III, chiếm từ 20-30% diện tích cơ thể, tùy từng cháu.
Một trường hợp khác, cháu N. (SN 2011, học sinh lớp 8 của một trường THCS trên địa bàn thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang chế tạo pháo trong phòng ngủ thì xảy ra nổ khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng mặt, vùng trán, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Theo Công an tỉnh Gia Lai, đây không phải là trường hợp cá biệt bị nạn do pháo nổ. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, ngoài vụ việc đau lòng trên, địa bàn tỉnh Gia Lai có 13 học sinh bị tai nạn thương tích do chế tạo pháo nổ.
Còn tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều ca chấn thương mắt do pháo tự chế dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng như vỡ nhãn cầu, rách giác củng mạc, xuất huyết nội nhãn, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới đây đã tiếp nhận 3 trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Các nạn nhân, đều trong độ tuổi từ 12-14, nhập viện với tình trạng bàn tay bị giập nát, trong đó có trường hợp bị thương rất nặng. Cụ thể, bệnh nhi N.K. (13 tuổi) và N.T.A. (14 tuổi) là anh em họ, trú tại Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng vết thương bàn tay 2 bên thấm nhiều máu. Trong đó vết thương bàn tay 2 bên của bệnh nhi K. rất nặng: Dập nát ngón I bàn tay 2 bên, gãy hở các đốt bàn ngón. Trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhi, các bác sĩ chấn thương đã hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình do vết thương dập nát quá nặng nên không thể bảo tồn ngón I bàn tay 2 bên cho bệnh nhi, bác sĩ đã phẫu thuật làm mỏm cụt ngón một bàn tay 2 bên, cố gắng bảo tồn những ngón tay còn lại. Trường hợp còn lại là bệnh nhi 12 tuổi, trú tại Hưng Yên nhập viện trong tình trạng gãy xương bàn ngón I tay trái, vết thương cẳng chân trái, đã được cắt lọc, xử lý da lóc. Bệnh nhi cần tập phục hồi chức năng, đưa bàn tay trở lại chức năng như ban đầu là mục tiêu hướng đến, cố gắng phục hồi tối đa cho cháu. Nguyên nhân được xác định là do các em đã học cách chế tạo pháo từ hướng dẫn trên mạng xã hội.
Trước đó, Công an thị trấn Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện và ngăn chặn một nhóm học sinh từ 16-17 tuổi chế tạo và vận chuyển 200 quả pháo nổ tự chế. Qua điều tra, công an phát hiện thêm một nhóm học sinh khác tàng trữ hơn 600 quả pháo tự chế. Các em khai nhận đã mua nguyên liệu và học cách chế tạo pháo nổ qua mạng xã hội.
Nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên
Một điểm chung của các trường hợp nói trên, đó là nạn nhân thường ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời, qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân, các cháu gặp nạn khi đang chế pháo theo tìm hiểu trên mạng.
Thực tế cho thấy, Lệnh cấm đốt pháo được Chính phủ ban hành từ Tết năm 1994 sau rất nhiều tai nạn thương tâm vì đốt pháo. Tuy nhiên, việc lén lút nhập pháo lậu và sản xuất pháo nổ vẫn diễn ra hàng năm, nhất là vào dịp cận Tết.
Thống kê từ các cơ quan chức năng, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn từ pháo, như chỉ trong những ngày nghỉ Tết năm 2023 có đến 400 trường hợp cấp cứu do đốt pháo hoặc sản xuất pháo lậu dẫn đến phát nổ gây thương vong.
Mặc dù những khuyến cáo, thậm chí những chế tài rất gắt được áp dụng, song việc lén lút sản xuất pháo và đốt pháo trong mỗi dịp cuối năm và Tết vẫn xuất hiện liên tục. Hỗ trợ đắc lực cho hành vi sản xuất pháo là những clip bày cách làm pháo được đăng tải nhan nhản trên mạng. Chỉ cần gõ từ khóa liên quan đến sản xuất pháo nổ là có ngay kết quả với hàng trăm cách hướng dẫn sản xuất pháo, từ pháo hoa, pháo xịt đến pháo nổ và cứ đến cuối năm, hàng loạt những video mới lại xuất hiện trong khi các video cũ vẫn cứ tồn tại bình thường như thách thức mọi sự tuyên truyền về tác hại của pháo.
Lâu nay thường vào dịp cuối năm, nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế lại xảy ra. Như trên đã phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do các em học sinh tò mò và học theo các video hướng dẫn trên mạng xã hội. Những vụ tai nạn này không chỉ gây thương vong mà còn khiến nhiều người hoang mang, dù đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Điều đáng lo ngại là việc mua nguyên liệu để làm pháo nổ cũng rất dễ dàng, với nhiều tài khoản cá nhân rao bán công khai trên mạng. Trên mạng xã hội như TikTok, YouTube cũng xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn làm pháo tự chế tại nhà với các nguyên liệu như trên. Các video hướng dẫn chi tiết từ khâu chọn vật liệu, liều lượng, cách trộn các loại hóa chất đến cách quấn pháo...
Nguy cơ tử vong cao
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) nêu thực trạng, tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế. Thế nhưng, cứ vào dịp giáp Tết lại càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe.
Theo chuyên gia này, một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm này là do việc mua bán các tiền chất chế tạo pháo hay các clip dạy chế pháo vẫn tràn lan trên mạng xã hội, khiến giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh thích tò mò, khám phá. Pháo tự chế có thành phần hóa học rất đa dạng và có thể mua nguyên liệu ở các cửa hàng bán hóa chất như lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon, nên nhiều người tự chế pháo gây tai nạn. Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, tuy nhiên người chế tạo thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Đa số người chế tạo pháo đều tiếp xúc gần trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Do đó khi phát nổ sẽ bị tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có người thân hoặc bản thân bị tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết cần thực hiện các bước sơ cứu sau đây: Khi gặp chấn thương ở mắt do bỏng hay dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên lập tức rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong vòng ít nhất 10 phút. Đồng thời, khi rửa mắt nên chớp mắt liên tục để cho dị vật trôi ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch. Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt lại bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân có vết thương chảy máu cần băng ép cầm máu ngay. Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định chỗ xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Nếu bị pháo làm bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang:
Cần có biện pháp phòng ngừa quyết liệt
Tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng. Trẻ vị thành niên thường hiếu động có thể làm theo hướng dẫn trên các trang mạng, tự chế tạo làm pháo bằng diêm hoặc bằng một số chất dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm, khi pháo nổ sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, thường gặp ở các vị trí đầu, mặt, cổ, tay, chân… có thể gây phù nề, cản trở hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt cổ có thể để lại di chứng về thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Đã có không ít những trường hợp đáng tiếc gây tàn tật, thậm chí là tử vong do pháo. Vì thế, nhà trường và gia đình nên giáo dục và quyết liệt phòng ngừa học sinh không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.