Trong bối cảnh hiện nay, một số cơ sở y tế rất sợ khi không được “bầu sữa mẹ” là Nhà nước bao cấp. Họ tìm mọi cách “xin” không tự chủ và đưa ra rất nhiều lý do thuyết phục các cơ quan quản lý. Có một số bệnh viện sẵn sàng tự chủ thì lại phải đối mặt với nhiều thách thức. Tự chủ bằng cách trông chờ tăng thu từ người bệnh không thành thì tính chuyện xin quay lại “bao cấp”.
Chưa hết tâm lý phụ thuộc “bầu sữa mẹ”
Tự chủ các bệnh viện công lập là một chính sách lớn nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về việc thực hiện thí điểm đối với 4 bệnh viện hạng đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, thì Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một bệnh viện hạng II thời điểm đó đã xung phong xin tự chủ.
Tự chủ tài chính từng được xem là chính sách “cởi trói” cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, đồng thời chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, do nóng vội trong quyết sách, cùng cách làm không hiệu quả sau tự chủ đã khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh đối mặt với nhiều thách thức. Bệnh viện tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp lý, con người, tổ chức bộ máy và sự thống nhất.
Đến nay, bệnh viện vẫn chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo, tổ chức Đảng và Công đoàn riêng. Kể từ sau ngày 4/6/2019 khi Bộ Y tế có Quyết định số 2218/QĐ-BYT về việc giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, từ khi tự chủ đến nay, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị cắt bỏ hoàn toàn các khoản tiền thu nhập tăng thêm, tiền phúc lợi xã hội… gần đây, có những trường hợp tham gia tuyến đầu chống dịch bị nợ 50% tiền lương nhiều tháng.
Việc tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh gặp khó khăn được lý giải là do bệnh viện tự chủ đúng thời điểm có dịch Covid-19 trong hai năm gần đây, nên gần như không có bệnh nhân.
Thực tế là khi bắt đầu tự chủ, bệnh viện nào cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn về mọi mặt từ cơ cấu nhân sự tới tài chính. Nhưng tự chủ không thể trông vào tăng thu từ người bệnh.
“Mục tiêu đầu tiên của cơ chế tự chủ là phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, "coi lợi ích của người bệnh lên trên hết". Làm thế nào để phục vụ người dân, người bệnh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất mới đúng tinh thần của Nghị quyết 20 "đảm bảo nền y tế công bằng, hiệu quả" - đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thanh Long.
Tuy nhiên để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 20 thì bệnh viện cần phải gia tăng nguồn lực từ bên ngoài. Cái khó của bệnh viện tự chủ hiện nay là muốn tận dụng xã hội hóa để gia tăng nguồn lực, đưa kỹ thuật tiên tiến nâng cao chất lượng nhưng với cơ chế mập mờ hiện nay nếu xã hội hóa quyết liệt rất dễ dẫn đến sai phạm.
Hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công hiện chưa đầy đủ. Thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập.
Nhiều bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự và biên chế. Câu chuyện sai phạm trong công tác quản lý ở Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ đau lòng.
Thấy khó thì tính chuyện “quay đầu”?
Trước những khó khăn sau tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, theo Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam thì trong khi chờ kết luận của Thanh tra bộ, trước mắt, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền để cho phép chủ trương tạm dừng tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp ngành y tế giai đoạn có dịch bệnh bùng phát
“Lý do chính làm các nước đang phát triển phải chuyển đổi các bệnh viện công lập sang cơ chế tự chủ là do phương thức quản lý quan liêu truyền thống đã không khuyến khích các nhà quản lý bệnh viện nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của bệnh viện, dẫn đến việc sử dụng quá nhiều tài nguyên nhưng không đạt hiệu quả mong muốn, tham nhũng, người bệnh và nhân viên y tế không hài lòng, chất lượng và hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không như mong đợi.
Mô hình quản lý mới theo phương thức tự chủ bệnh viện được xem như một giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của các bệnh viện” - Ông Ngô Thế Hùng, chuyên gia tư vấn quản lý chất lượng bệnh viện viện cho biết.
Cũng theo ông Ngô Thế Hùng, tự chủ bệnh viện thành công đòi hỏi phải đổi mới mối quan hệ giữa nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ, đòi hỏi thay đổi từ quản lý tập trung sang hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ độc lập trong khi nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu công cộng và cơ cấu trách nhiệm nhưng trao quyền quyết định cho đội ngũ quản lý bệnh viện. Khi thực hiện tự chủ các bệnh viện phải vượt qua nhiều thách thức.
Tự chủ bệnh viện cần xác định một lộ trình thống nhất cho từng bước triển khai tự chủ trong lĩnh vực y tế, hoàn thiện, đồng bộ về cơ chế chính sách, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ và tài chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh tế, tài chính, quản trị cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt.
Tự chủ là để đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, không phải tìm mọi cách tăng thu từ người bệnh. Tự chủ không phải là cuộc chơi mà thấy khó có thể quay đầu, thấy khó lại cầu cứu “bầu sữa mẹ”.