Từ ‘cơn sốt’ sầu riêng

QUỐC HƯNG - MINH DUY 30/07/2023 07:25

Còn ít ngày nữa, mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ vào chính vụ. Hiện giá thu mua loại trái cây này để xuất khẩu tăng rất cao, vượt quá khả năng thu mua của thị trường nội địa. Trong khi đó, "cơn sốt" xuất khẩu sầu riêng khiến nhiều nông dân các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng truyền thống để chuyển sang trồng sầu riêng. Đáng lưu ý hơn, loại cây này cũng đang phát triển "nóng" tại một số nơi, kể cả trên vùng đất không phù hợp…

Thu hoạch sầu riêng ở Đắk Lắk.

Giá tăng kỷ lục, dự kiến lãi “khủng”

Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng Việt Nam, giá thu mua loại quả này tăng phi mã. Tại các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, giá sầu riêng Ri6 có thời điểm tăng lên 140 - 160 ngàn đồng/kg, gấp 2 - 3 lần so với cao điểm trước đây. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhu cầu rất lớn nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng gần 19 lần so với mức 44,2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 95%. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, từ tháng 8 trở đi dự kiến xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng trở lại khi vào vụ các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên, đồng thời là cuối vụ sầu riêng của Thái Lan. Do đó, nhiều cơ hội để sầu riêng Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 1,2 - 1,5 tỉ USD vào cuối năm.

Theo ghi nhận, vào thời điểm này tại Đắk Lắk, giá sầu riêng đầu vụ cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Với năng suất tốt và giá bán cao, vụ sầu riêng năm nay hứa hẹn cho nông dân Đắk Lắk một mùa bội thu kỷ lục. Khảo sát tại một số nhà vườn tại các huyện: Krông Pắk, Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar… giá đặt mua sầu riêng tại vườn đang dao động từ 65 - 75 ngàn đồng/kg. Thương lái muốn mua phải cọc trước từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha. Nhiều nhà vườn chưa nhận cọc bởi theo dự báo giá sầu riêng còn tăng trong thời gian tới.

Theo anh Nguyễn Lê Duy (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), gia đình anh có hơn 10 ha sầu riêng giống Dona. Vụ trước gia đình thu được xấp xỉ 200 tấn quả tươi, với giá bán xô tại vườn là 42 ngàn đồng/kg, thu được 8,4 tỉ đồng. Vào vụ thu hoạch năm nay, dự tính thu nhập có thể gấp đôi vụ trước.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, trong đó khoảng 10.000 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng vụ năm ngoái (2022) đạt 170.000 tấn quả tươi, doanh thu trên 9.500 tỉ đồng. Vụ thu hoạch năm nay, dự kiến sản lượng sầu riêng Đắk Lắk có thể đạt 185.000 tấn quả.

Giá sầu riêng tại Lâm Đồng cũng đang ở mức rất cao, dao động từ 70 - 100 ngàn đồng/kg.

Tại tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (thị xã Phước Long) cho biết: Sầu riêng tại khu vực Đông Nam Bộ đang vào vụ thu hoạch nhưng giá vẫn tăng từng ngày. Với giá bán sầu riêng tại vườn khoảng 70 ngàn đồng/kg, người trồng rất phấn khởi bởi đã tăng 15 - 20 ngàn đồng/kg so với vụ năm ngoái.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng cho hay: Diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn hiện đạt 11.345 ha, trong đó khoảng 6.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng 70.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ sầu riêng rất thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu. Cũng nhờ vậy, người trồng thu được hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vì sầu riêng được giá.

Chủ động thị trường, tránh rủi ro

Năm nay, tổng sản lượng sầu riêng ước tính đạt khoảng 1 triệu tấn trong khi sầu riêng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc và chỉ một phần tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, dù giá sầu riêng tăng cao nhưng vẫn có không ít cảnh báo người nông dân phải tìm hiểu kỹ về thông tin giá cả thị trường để tránh rủi ro.

Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo: Giá sầu riêng ở mức cao như hiện nay đã vượt quá khả năng thu mua của thị trường. Ngoài ra, đây là loại nông sản có thời vụ thu hoạch, nếu người nông dân vẫn giữ giá bán cao sẽ dẫn đến việc thương lái không thu mua, sầu riêng sẽ ùn ứ, hư hỏng. Từ đó, dẫn đến hệ lụy các vườn sầu riêng sẽ phải chấp nhận bán tháo bán rẻ. Do đó bà con nông dân cần thay đổi quan niệm chạy theo giá thị trường, buôn bán một cách hợp lý, tránh thiệt hại. Các doanh nghiệp thu mua nông sản bảo đảm hỗ trợ người nông dân không rơi vào tình cảnh bán tháo sản phẩm và chịu lỗ. Mặt khác các doanh nghiệp và người nông dân sớm có những hợp tác, để cùng thương lượng đầu tư vào các vườn trồng đúng sách lược phát triển, bảo đảm ổn định giá sản phẩm.

Đáng chú ý, ông Vũ Đức Côn kiến nghị, tỉnh Đắk Lắk cần sớm kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến chuyên sâu sầu riêng cũng như các loại nông sản khác ở Tây Nguyên, phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng, giúp tăng giá trị nông sản cao nguyên kể cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Trước việc giá sầu riêng tăng mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo bà con nông dân không tự ý thu hoạch sầu riêng non để bán với mong muốn kết thúc mùa vụ sớm, trái non cũng nặng hơn nên bán được giá. Điều này rất nguy hiểm cho ngành sầu riêng Việt Nam nói chung, vì khi người tiêu thụ bỏ tiền ra thì lại gặp phải ngay trái chưa chín, ăn không ngon sẽ tẩy chay thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và cả thương hiệu sầu riêng quốc gia của chúng ta.

Diện tích trồng sầu riêng vượt xa quy hoạch?

Cuốn theo “cơn bão” giá xuất khẩu sầu riêng, thời gian qua dù đã được ngành chức năng cảnh báo nhưng nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng truyền thống như: Hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng. Cây sầu riêng cũng đang phát triển rất "nóng" tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, kể cả trên vùng đất không phù hợp. Thậm chí sầu riêng còn được trồng trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong Quy hoạch Trồng trọt đề ra định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000 ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000 ha, tăng khoảng 25.000 ha so với năm 2021. Với thực trạng này, diện tích sầu riêng đã vượt khoảng 35.000 ha so với quy hoạch.

Những bài học trước đây cho thấy, nếu không kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt, gắn với chất lượng, chế biến sâu thông qua liên kết sản xuất quy mô lớn giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, thời gian tới, trái sầu riêng có nguy cơ rơi vào tình trạng được mùa, mất giá.

Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin, doanh nghiệp nước này bắt đầu trồng sầu riêng quy mô lớn ở Hải Nam từ năm 2019, dự báo sản lượng sầu riêng nội địa của Trung Quốc có thể sẽ tăng gấp nhiều lần vào năm tới. Như vậy, giásầu riêng ở Trung Quốc sẽ giảm và kéo giá sầu riêng nhập khẩu phải giảm theo. Đây cũng là một trong những thông tin quan trọng để chúng ta điều chỉnh lại diện tích trồng sầu riêng.

Lo ngại việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nông dân, TS Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhận định: Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5 - 6 năm tới, khi đó không biết thị trường và giá sầu riêng sẽ ra sao. Nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ lại phải gánh nhận hậu quả vì chạy theo biến động thị trường.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT) cho rằng: Thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc định hướng một ngành hàng, một loại cây trồng không thể chỉ nhìn ở một địa phương mà cần nhìn tổng thể ở quốc gia, căn cứ vào quy hoạch, định hướng của Bộ NNPTNT và vấn đề cung cầu thị trường trong nước cũng như quốc tế (về số lượng, chất lượng) và giá thành sản xuất. Do vậy, việc phát triển tràn lan, trồng theo phong trào sẽ gây ra nhiều hệ lụy mà phần thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra đối với nông dân. Các địa phương cần tuyên truyền, định hướng phát triển cho từng ngành hàng của địa phương mình, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt những nông dân trồng các loại sản phẩm trong vùng quy hoạch. Hỗ trợ bằng chính sách tín dụng, khuyến nông, kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mối liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Như vậy, cây ăn quả nói riêng, nông sản nói chung của chúng ta mới mang lại hiệu quả kinh tế thực sự và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Cây sầu riêng cần được đầu tư bài bản

Thời gian qua, người dân ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đua nhau trồng sầu riêng. Mặc dù Bộ NNPTNT đã khuyến cáo những rủi ro nhưng người dân vẫn tiếp tục trồng sầu riêng ở những nơi không có lợi thế, không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí cả trên đất lúa. Nguyên nhân là do thời gian qua giá sầu riêng xuất khẩu tăng cao đã thu hút người dân trồng ồ ạt.

Bài học đắt giá về việc người dân đua nhau, ồ ạt trồng cây cam, cây mít Thái, cây hồ tiêu khiến cung vượt quá cầu thời gian qua ở các địa phương, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý, dẫn tới thua lỗ, có vẻ chưa được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Theo đó, giá cam, mít Thái, hồ tiêu giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất khiến không ít nông dân thua lỗ. Ngành nông nghiệp hay chính quyền địa phương không thể bắt hay cấm người dân trồng cây này hay phải trồng cây kia mà chỉ khuyến cáo dựa trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thị trường của từng nông sản.

Với cây sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm, cần phải đầu tư một cách bài bản và nguồn vốn khá lớn, không như những loại cây ngắn ngày. Đặc biệt, việc trồng các loại cây ăn quả để mang lại hiệu quả kinh tế thì chỉ nên trồng ở những nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp. Cùng với đó, cần phải gắn quy trình canh tác, liên kết sản xuất với sơ chế, chế biến và thị trường.

TS Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận ở thị trường Trung Quốc hiện nay, thương hiệu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan cũng mạnh hơn. Đây là yếu tố cản trở với sầu riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, Lào và Campuchia cũng đầu tư trồng sầu riêng để giành thị phần ở thị trường đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đang đầu tư 12.000 ha để trồng sầu riêng tại Lào. Đây là những thách thức rất lớn cho sầu riêng Việt Nam trong hiện tại và những năm tới. Như vậy để phát triển cây sầu riêng bền vững cần phải củng cố, nâng cao niềm tin và giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa của 100 triệu người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, sầu riêng ngoài được ăn tươi cần phải phát triển đa dạng hóa sản phẩm chế biến như: Sấy lạnh thăng hoa, cấp đông, bột sầu riêng, kem sầu riêng… hay là nguyên liệu trong ẩm thực như làm bánh, nấu ăn.

Ngoài thị trường truyền thống thì việc mở rộng thị trường mới tại các nước có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống là cần thiết, riêng cộng đồng người Việt ở nước ngoài có trên 5,3 triệu người, trong đó tại Mỹ hơn 2 triệu người cũng là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ‘cơn sốt’ sầu riêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO