Có người không cần học đại học mà đã trở thành nhà phát minh, nhà sáng chế. Có người đang học đại học dở, thấy quá mất thì giờ, đã bỏ ngang, đi làm và trở thành nhà doanh nghiệp, nhà tài chính có tên tuổi.
Cắt nghĩa các hiện tượng này, nhiều nhà triết học, nhà tâm lý giáo dục đã phát hiện ra: Đó là nhờ quá trình tự học, tự đào tạo, tự vươn lên, tự hoàn thiện không ngơi nghỉ của những con người này.
Trong cuốn sách “Cùng sống với mọi người” (Vivre avec les autres), do nhà xuất bản Les éditions de l’homme, ấn hành năm 2002 tại Canada, nhà triết học Pháp, Jacques Salomé, đã trích dẫn câu danh ngôn quan trọng, có tính chìa khóa sau đây của Maurice Magre là: “Chẳng có một thiên tài nào, chẳng có một vị Thánh nào, chẳng có Đấng tối cao nào có thể dạy được cho một con người để anh ta biết phải sống ra sao. Mỗi một con người phải tự khám phá bản thân mình xem có khả năng trí tuệ nào, xem cái bí ẩn của tâm hồn mình ra sao” (Aucun homme de génie, aucun Saint, aucun Dieu ne peut enseigner à un homme comment il doit vivre. Chacun doit découvrir en lui-même sa propre sagesse. la science secrète de l’âme).
Cụ thể hóa, chi tiết hóa các quá trình tự đào tạo (Se former), tự khám phá, tự nâng cao của mỗi một con người trí thức, trường phái Peuls đã đề xuất như sau: Có 4 giai đoạn tự đào tạo tính theo tuổi: 1/ Từ 0 đến < 21 tuổi. 2/ Từ 21 đến < 42 tuổi. 3/ Từ 42 đến < 63 tuổi. 4/ Từ 63 đến 84 tuổi. Cần chú ý: Đây là tính theo tuổi thọ trung bình của người châu Âu đến năm 2010 là 75 tuổi.
Giai đoạn 1: Từ 0 đến < 21 tuổi. Đó là: “Phải biết tự đào tạo thông qua việc học hỏi những người khác” (Il faut se former en apprenant avec les autres).
Giai đoạn này là học hết phổ thông và vào chương trình đại học. Tất cả là phải trông nhờ vào các thầy cô giáo, các giảng viên, các trợ giảng ... Phải nuốt từng lời giảng của thầy để biến thành cái của mình. Phải học thuộc lòng những lời hay, ý đẹp để mang theo mình đến suốt cả cuộc đời.
Có người gọi thời kỳ này là thời kỳ nền tảng, là quan trọng nhất, là cơ sở vững chắc nhất (background) của cuộc đời tri thức mà mỗi con người muốn trở thành.
Có người gọi đây là cái móng cho một ngôi nhà tương lai tri thức được nhiều người vun đắp, mỗi ngày một ít, cho đến khi tốt nghiệp đại học mà thành.
Những ai dám lơ là, những ai dám không quan tâm đến tự đào tạo mình trong thời kỳ này là đã bỏ mất thời kỳ vàng, thời kỳ “cửa sổ” cho cả một tương lai rộng mở của mình.
Nhiều người mất gốc từ thời kỳ này nên đã tạo ra những lỗ hổng kiến thức để đến nỗi mãi mãi dốt nát, mãi mãi thiếu hụt vì đã thiếu những viên gạch nền móng đầu tiên.
Giai đoạn 2: Từ 21 đến < 42 tuổi. Đó là: “Phải biết tự đào tạo thông qua những trải nghiệm thực tế trong công việc” (Il faut se former en travaillant).
Đây là giai đoạn gia cố, tăng cường, xây đắp kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp tối đa.
Độ tuổi này có thể hoàn thiện ngoai ngữ thứ nhất, học thêm ngoại ngữ thứ hai đến mức thành thạo. Độ tuổi này có thể rọi chiếu những lý thuyết đã học được ở trường (phổ thông + đại học + sau đại học) vào các thực tế sinh động của chuyên môn đang theo đuổi (gồm: thành công + thất bại + thất bại cay đắng).
Đến cuối giai đoạn này, người trí thức phải vững vàng trước tuổi đời, tuổi nghề, sẵn sàng hoạt động độc lập (mở công ty riêng, doanh nghiệp riêng hoặc dám đảm nhiệm một chức vụ quan trọng trong lĩnh vực công hoặc tư, thậm chí dám ra tranh cử quốc hội hoặc nghị viện để thử thách chính mình và để hoàn thiện hơn nữa những kiến thức đã tích lũy được (lý thuyết + thực tế đời thường).
Giai đoạn 3: Từ 42 đến < 63 tuổi. Đó là: “Phải biết tự đào tạo mình bằng cách tham gia đào tạo người khác” (Il faut se former en formant les autres).
Đây là giai đoạn thử thách bản lĩnh quan trọng của người trí thức, người chuyên nghiệp bậc cao, người hoạt động cộng đồng tầm cỡ. Họ sẵn sàng ứng thí vào các kỳ thi vào các chức danh khoa học hoặc các vị trí quản lý để gánh vác các trách nhiệm chính của xã hội.
Thông qua việc đào tạo các đối tượng khác (cử nhân, tiến sĩ, thợ bậc cao...) họ tự hoàn thiện mình tối đa hoặc trái lại, sẽ không bao giờ đạt được tới đỉnh cao, vì từ 60 tuổi trở đi sức lao động trí óc bắt đầu suy giảm do quá trình lão hóa không thể tránh khỏi.
Nhờ tác dụng trao đi gửi lại (hay sự phản hồi - feedback) của tư duy sáng tạo và tư duy phản biện (critical thinking) mà các chuyên gia có thể viết sách, viết tiểu luận, viết hồi ký, viết kịch bản... vì kiến thức đã được phong phú hóa, thực tế hóa, đời thường hóa từ những phản hồi sinh động do các đối tượng mình đào tạo đáp lại, trả lại, phản ánh lại, phản hồi lại.
Nhiều người trí thức giỏi, văn nghệ sĩ giỏi, thợ bậc cao được trao các loại giải thưởng trong độ tuổi này. Đây cũng chính là kết quả của công thức vàng:
Tự đào tạo = Học thầy + Học bạn + Học nhân dân
Giai đoạn 4: Từ 63 đến 84 tuổi. Đó là: “Phải tự đào tạo bằng cách nghiên cứu lịch sử của các trường phái học thuật khác” (Il faut se former en racontant l’histoire de la tribu ou du clan aux autres).
Đây là công việc đòi hỏi nỗ lực cao nhất, vất vả nhất của quá trình Tự đào tạo của một đời người. rất ít người có thể thành công ở giai đoạn này. Tuy vậy, cũng có người cho rằng không nhất thiết phải tham khảo nhiều ý kiến của người khác, nhiều học thuật khác, nhiều thành công hay thất bại của trường phái khác. Tốt nhất hãy dành thì giờ quý báu còn lại của đời mình đẻ nghiên cứu chuyên sâu cái chuyên môn mà suốt đời mình đã theo đuổi, biết đâu sẽ ra được những bài báo hay, những cuốn sách thú vị hay những bài giảng lôi cuốn hồn người có phải thú vị hơn không, thiết thực hơn không, tội gì cứ phải sa lầy vào những cái ảo ảnh mơ màng không đi đến đâu cả.
Cần nhắc đến lời dạy của Lão Tử (khoảng năm 570 trước Công nguyên), một nhà hiền triết vĩ đại của mọi thời đại.
Hỏi: Thưa Lão Tử, theo ý ngài thế nào là một người Đắc đạo?
Trả lời: Một người Đắc đạo là một người chuyên tâm làm tốt một việc được giao phó. Thí dụ: Người chẻ củi yên tâm chẻ củi cho tốt. Người thổi cơm yên tâm thổi cơm cho ngon cho dẻo. Chớ đang làm việc này lại nghĩ đến việc khác.
Chao ôi, lời dạy của Lão Tử quá đơn giản, quá dễ hiểu, quá thực tế mà sao thực hành lại quá khó!
Từ 84 tuổi trở lên, người ta không đề cập đến việc tự đào tạo nữa.
Để khép lại bài viết này chỉ cần nhớ câu danh ngôn ngắn gọn của triết gia Herbert Spencer (năm 1593 - 1633): “Khoa học là kiến thức được tổ chức lại” (Science is organised knowledge). Nghĩa là phải nắm được các kiến thức từ thấp đến cao, từ lý thuyết đến thực tiễn, từ các thất bại và thành công trong công việc thì mới có thể hiểu được phần nào lĩnh vực khoa học mà mình theo đuổi. Tất cả cái bí quyết của tự đào tạo nằm ở chỗ biết tổ chức, biết sắp xếp, biết đưa kiến thức vào tư duy con người ở tuổi nào, thời kỳ nào là thích hợp nhất, là có kết quả tối đa.