Cụm từ này có lẽ chúng ta đã nghe nhiều chẳng có gì là mới, song vào thời điểm hiện nay nó lại vô cùng có ý nghĩa khi đó là tư duy mới của những người lãnh đạo mà mỗi quyết định của họ có ảnh hưởng tới nhiều người, một vùng miền, thậm chí cả xã hội. Đơn cử như việc nếu không có tư duy mới, tư duy tiến bộ thì sao ta có thể tham gia đàm phán từ đầu và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Nếu không có sự đột phá trong tư duy để tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, sao có được thàn
Trong những ngày qua, dư luận xã hội đang “sôi” lên bởi một loạt hành động được cho là “đột phá” của hai tân Bí thư Đinh La Thăng (TP HCM) và Hoàng Trung Hải (Hà Nội). Những chỉ đạo cụ thể như dựng biển cấm xe trong một dãy phố, xuống đồng với bà con nông dân... của các ông đã gây ấn tượng mạnh đối với nhân dân không chỉ hai địa phương này mà cả nước. Đặc biệt, trong khi Bí thư TP HCM công khai số ĐT đường dây nóng, thì ở Hà Nội Bí thư Hoàng Trung Hải tấn công vào nút thắt lâu nay của Thủ đô là đạo đức công vụ.
Có nhiều quan điểm về những việc làm của hai tân Bí thư, một luồng ý kiến cho rằng việc của Bí thư Thành ủy (dù là Hà Nội hay TP HCM) là phải ở tầm vĩ mô, đưa ra những chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược, chứ không phải đi “làm hộ” chính quyền những việc vặt như vậy. Luồng ý kiến khác thì lại cho rằng, nếu ngay cả những việc nhỏ giúp ích cho dân mà còn không làm được thì sao có thể đưa ra được những kế sách sâu rễ, bền gốc, mang tính an sinh xã hội cho số đông người dân.
Theo đó, luồng ý kiến này ủng hộ mạnh mẽ những động thái cụ thể, rốt ráo của 2 tân Bí thư Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải. Họ cho rằng, việc làm của ông Thăng và ông Hải thể hiện một tư duy mới, tinh thần vào cuộc ngay, không chờ “thăm dò, nghe ngóng” động tĩnh- một tâm lý thông thường của người mới nhậm chức. Công bằng mà nói, bây giờ còn quá sớm để có thể nói chắc điều gì, song chỉ riêng việc đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng khá thuyết phục rồi.
Lại nữa. Mới đây, Bộ GD-ĐT tuyên bố chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Trường Sa... sẽ được xem xét để đưa vào sách giáo khoa sắp biên soạn với dung lượng tương xứng. Dù hiện sách giáo khoa cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa, nhưng theo các nhà sử học, các giảng viên môn lịch sử và cả dư luận xã hội đều cho rằng nó chưa đảm bảo miêu tả được đúng bản chất lịch sử của sự kiện.
Đơn cử như khi nhắc đến sự kiện Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam (17-2-1979), thông tin mà các em học sinh tiếp nhận được chỉ vỏn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa. Đáng quý hơn nữa là trong lúc chờ có bộ sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường học đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề... để truyền đạt tới cho các em học sinh.
Như vậy là ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tư duy của những cán bộ lãnh đạo đã có sự đột phá đáng kể thể hiện sự tiến bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những tư duy mới để nước ta sớm thành rồng, thành hổ, sánh vai các cường quốc năm châu như mong mỏi lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.