Tư duy phản biện

TRẦN HỮU THĂNG 16/07/2023 14:18

Trong một cộng đồng xã hội có nhiều tầng lớp dân cư với nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều trình độ khác nhau, nhiều nhận thức khác nhau, nhiều kinh nghiệm sống khác nhau, vậy có cách gì, có kỹ năng gì để mọi người cùng thống nhất được với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp? Có đấy, nhưng rất khó khi triển khai, khi thực hiện, rất khó để mọi người cùng đồng lòng nhất trí. Đó là vũ khí “tranh luận”. Có người gọi đó là “Phương pháp phản biện vấn đề” hay còn gọi là “Tư duy phản biện”.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Tranh luận là bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Thí dụ: Tranh luận về học thuật. Kết thúc cuộc tranh luận”. “Tranh cãi là bàn cãi để phân rõ phải trái. Thí dụ: Tranh cãi về lý luận. Một vấn đề đang tranh cãi”.

Bậc thầy về thơ ngụ ngôn người Pháp, ông Jean de la Fontaine (1621-1695) đã ca ngợi tác dụng của phản biện và tranh luận như sau: “Bàn cãi lợi ích lớn lao/ Thiếu nó, người có khác nào u mê”. Như thế là từ cách đây gần 400 năm, La Fontaine đã nhắc con người phải đề cao tranh luận, bàn cãi, tranh cãi, phải cần đến tư duy phản biện để tránh cho sự u mê, u tối, dốt nát của cá nhân từng con người.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay người ta bắt buộc phải sử dụng phổ biến các “hội thảo chuyên đề” để giải quyết các vướng mắc, các vấn đề còn lấn cấn chưa thống nhất. Trong các cuộc hội thảo khoa học ấy, các đại biểu tự do phát biểu và có quyền bảo vệ những ý kiến riêng mà mình hoặc một nhóm nghiên cứu cho là đúng. Sau đó là tranh luận, là bàn cãi đến cùng. Nếu thống nhất được sẽ có tuyên bố chung hay kết luận của hội thảo khoa học.

Có bao giờ không có được kết luận của hội thảo không? Có đấy, vẫn hay gặp và chính nhờ có những ý kiến trái chiều này mà khoa học, kỹ thuật mới phát triển được như ngày hôm nay. Tại các cuộc tranh luận khoa học, người ta đề cao việc phê bình, tìm ra những nhược điểm, khuyết điểm để khắc phục. Đưa ra công khai những phiên chất vấn, phản biện như thế không ai có thể che dấu những yếu kém, dốt nát của mình, nên cuối cùng mọi người đều phải phục tùng cái đúng, cái lẽ phải của vấn đề.

Albert Einstein là nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại đã từng nói: “Vũ trụ còn có biên giới nhưng sự dốt nát của con người là không có biên giới”. Chính vũ khí tư duy phản biện sẽ giúp con người thoát ra khỏi sự ngu dốt và bảo thủ vốn đã đè nặng lên bản năng trì trệ và lười biếng sẵn có ở từng cá thể con người.

Cũng như mọi kỹ năng sống quan trọng khác, tư duy phản biện hay tranh luận, biện luận, tranh cãi, phê bình, góp ý cũng cần có những chú ý quan trọng tùy theo hoàn cảnh, bối cảnh diễn ra sự việc. Bậc thầy Victor Hugo đã dặn dò rất cẩn thận: “Những lời nói mạnh mẽ và chua cay luôn chứng tỏ một lý lẽ yếu đuối”. Những ai đã vượt qua được những gai góc mà cuộc đời mang lại mới thấm thía được lời dặn dò uyên bác này. Những ai đã thực sự trưởng thành, đã vượt qua được tuổi “xưa nay hiếm” mới thấm thía được lời dặn dò gan ruột này.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy nhiều chính khách ăn to nói lớn, việc gì cũng nói quá lên, mà dân gian thường chế giễu là “đại ngôn”, thường là những người thất bại và ít có thực tài, ít có giá trị thuyết phục được người khác. Những lời hùng biện đầy trí tuệ nhưng nhẹ nhàng, tha thiết, âu yếm giữa con người với con người thường thành công vì nó đã thuyết phục được người khác, đã đi vào con tim mọi người bởi sự thật thà, trung thực, chân thành và trung thành, trước sau như một.

Bậc thầy về thơ ngụ ngôn người Pháp, ông Jean de la Fontaine (1621-1695) đã hết sức ca ngợi tác dụng của phản biện, của tranh luận như sau: “Bàn cãi lợi ích lớn lao/ Thiếu nó, người có khác nào u mê”. Như thế là từ cách đây gần 400 năm, La Fontaine đã nhắc con người phải đề cao tranh luận, bàn cãi, tranh cãi, phải cần đến tư duy phản biện để tránh cho sự u mê, u tối, dốt nát của cá nhân từng con người.

Trong kỹ năng sử dụng vũ khí “Tư duy phản biện” ai ai cũng cần hết sức chú trọng đến lời nói, lời hùng biện để phê phán, để mổ xẻ vấn đề. Lời nói và thái độ diễn đạt lời nói được các bậc thầy quan tâm để dạy dỗ, để căn dặn người đời khá tỉ mỉ.

Triết gia cổ đại Rufus Choate (khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên) đã rất quan tâm: “Những lời nói mỉa mai cũng như những lời nói cạnh khóe đâu phải là những lời tranh luận chân chính”. Khi đọc những lời dạy này của Choate ta không khỏi giật mình mà suy nghĩ lại những lời ăn tiếng nói hàng ngày của ta. Có người khi nói xỏ xiên, cạnh khóe, “mát mẻ” người khác lại tự cho là mình thông minh, biết cách nói gần nói xa với đối tượng tiếp xúc. Họ có biết đâu là đang sa vào cái “vũng bùn” rất nên tránh của việc tu tâm dưỡng tính hàng ngày, hàng giờ.

Phải nhanh chóng tỉnh ngộ lại mà bỏ ngay cái thói quen xấu ấy đi, nếu không khi thành cái “bản năng thứ hai” thì sẽ ân hận suốt đời. Lại nhớ đến lời ông cha ta căn dặn: “Phải học ăn, học nói, học gói, học mở”, hoặc “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nếu học nói chưa được tốt, thà cứ im lặng hay ít nói lại có khi tốt hơn, có lợi hơn.

Tiếp tục với dòng suy nghĩ về lời ăn tiếng nói trong tư duy phản biện, ta lại cần “nâng cấp” cái kết quả trong một cuộc tranh luận. Khi thấy mọi người vỗ tay, chưa chắc ta đã đúng hoàn toàn, chưa chắc đã hoàn chỉnh không cần sửa chữa gì thêm nữa. Việc nghi ngờ này cần phải đặt thành thói quen, thành cái nếp suy nghĩ theo cách suy nghĩ của học giả danh tiếng Oscar Wilde (1856 – 1900), đó là: “Khi người ta đồng ý với tôi, tôi vẫn luôn luôn cảm thấy tôi là người sai lầm”. Cẩn thận đến thế là cùng, thận trọng đến thế là cùng, trên thực tế cũng cần có cái thói quen nghi ngờ và tiếp tục theo dõi, suy nghĩ đến cùng trước một vấn đề. Cần nhắc lại ý tứ cực kỳ quan trọng là “tôi vẫn luôn luôn cảm thấy tôi là người sai lầm” vì đó chính là cái xương sống của tư duy phản biện.

Có tác giả đã đưa ra vấn đề: “Khoa học phát triển được là nhờ có sự nghi ngờ, là nhờ vẫn còn có câu hỏi để thảo luận”. Thực tế cuộc sống đã chứng minh rằng vấn đề càng gai góc bao nhiêu, cách tháo gỡ càng phức tạp bao nhiêu mà nếu thành công được mới gọi là đáng giá, mới gọi là đáng kể.

Triết gia bậc thầy Pierre Corneille (1606 – 1684) trong tác phẩm vĩ đại “Le Cid” đã để lại cho loài người một danh ngôn bất hủ: “Vào cuộc chiến đấu ít gian nguy, người ta chiến thắng ít vẻ vang hơn”. Câu danh ngôn này đã từng được chọn làm đề thi Tú tài văn chương của hệ thống giáo dục Pháp ngữ.

Tiếp tục khai thác mổ xẻ lời dạy của Wilde là “Khi người ta đồng ý với tôi, tôi vẫn luôn luôn cảm thấy tôi là người sai lầm”. Mọi người nên có các câu hỏi thường trực trong đầu như sau:

Người đồng ý với ta là thầy ta, là bạn ta hay là người không đồng thuận với ta?

Tại sao người ta lại đồng ý mà không chống đối lại?

Việc đồng ý có nhanh quá không, có cốt cho xong chuyện không?

Việc đồng ý này có mục đích gì khác không, vì trong một số vụ án hình sự vừa qua, nhiều người tòng phạm đã giả vờ đồng ý, tán thành hành động của kẻ chủ mưu. Đến khi vỡ lở, người chủ mưu bị tội, còn các người a-dua, tòng phạm chỉ bị xử nhẹ.

Tất nhiên các thí dụ nêu trên chỉ cốt cho dễ hiểu, chứ trên thực tế với nhiều cạm bẫy, nhiều cuộc tranh chấp đã buộc các nhà làm Luật pháp phải sửa chữa và bổ sung liên tục vào các bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự và gần đây có cả các Luật An ninh mạng...

Trở lại với đầu bài viết “Tư duy phản biện” với những ý tưởng và những kỹ năng chủ yếu đã được nêu ra, việc tiếp theo mà “Tư duy phản biện” muốn ta theo đuổi suốt đời, đó là sự tranh đấu cho cái đúng, cái thiện, cái tốt đẹp. Ai tập được thành công phương pháp “Tư duy phản biện” là đã trưởng thành một bậc trong cuộc đấu tranh cho một ngày mai tươi đẹp.

Triết gia vĩ đại người Thụy Sĩ, ông Henri Frédéric Amiel (1821 - 1881) đã nêu cao ngọn cờ tư tưởng tranh đấu cho lẽ phải, cho chính nghĩa với câu danh ngôn như sau: “Sống yên thân mà không tham dự vào cuộc đấu tranh cho lẽ phải là một kiếp sống vô vị”. Lý tưởng cao đẹp của Amiel đề xuất quá đúng, không còn gì phải bàn cãi nữa. Còn triết gia Gustave Le Bon (1841- 1931) thì khẳng định: “Sống tức là phải tranh đấu. Sự tranh đấu là một quy luật chung để giúp cho sự tiến bộ của loài người”. Một trong những nội dung mà Le Bon muốn ta theo đuổi trong cuộc sống hàng ngày chính là “Tư duy phản biện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO