Tự hào Việt Nam

Bắc Phong 09/12/2020 06:50

Ngày 7/12/2020 là một ngày rất tự hào của Việt Nam khi phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”.

Đó là ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy.

Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình điều chế, sản xuất vaccine Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Trong khi thế giới đang tiến tới dấu mốc đáng buồn là có tới 70 triệu người bị nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 1,5 triệu người chết vì Covid-19; trong khi nhân loại đang “đỏ mắt” chờ vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 thì sáng kiến của Việt Nam vừa mang tính cấp bách, vừa mang giá trị nhân văn cao cả. Sáng kiến ấy mang tầm nhân loại.

Thế giới nhanh chóng ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” cho thấy sự ủng hộ hoàn toàn khi mà kết quả chống Covid-19 của Việt Nam là hết sức lớn lao. Cho tới nay, nước ta có chưa tới 1.400 ca dương tính với SARS-CoV-2 và số người tử vong đã hạn chế được ở mức thấp nhất có thể, 35 người.

Nội dung cơ bản Nghị quyết theo sáng kiến của Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác sẵn sàng chống dịch bệnh; tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Cũng trong năm nay, thành công trong nghiên cứu, điều chế vaccine của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, khi mà vaccine cúm mùa do Việt Nam sản xuất thành công đã có đơn hàng đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào tháng 8. Việt Nam cũng dần thay thế vaccine cúm mùa nhập khẩu sang vaccine cúm do chính chúng ta sản xuất. Vaccine này sẽ được lưu hành trên thị trường đầu năm 2019. Như vậy, Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng sản xuất vaccine cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.

WHO đánh giá rất cao vaccine cúm mùa của Việt Nam. Điều cũng rất đáng quan tâm là giá thành vaccine cúm mùa 3 trong 1 Việt Nam sản xuất rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành vaccine cúm mùa đang lưu hành trên thế giới, với chi phí 80.000 đến 120.000 đồng/liều.

Cũng cần nhắc lại, trước khi sản xuất thành công vaccine cúm mùa 3 trong 1, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vaccine như vaccine lao, sởi-rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, ngừa cúm A/H5N1. Riêng với vaccine sởi-rubella, đến nay Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia trên toàn thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tới nay, thế giới ghi nhận 30 bệnh đã có vaccine. Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vaccine phòng bệnh, với 10 loại đã được sản xuất trong nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ sản xuất được 12 loại vaccine, đến năm 2030 có 14 loại vaccine. Kể từ tháng 6/2015, WHO đã chính thức công nhận Việt Nam có một hệ thống quản lý vaccine quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vaccine. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực khoa học đặc biệt này.

Trở lại với cuộc chiến dập dịch Covid-19 của Việt Nam trong bối cảnh chưa có vaccine, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng từ chủ trương đúng, kiên quyết chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong, “chống dịch như chống giặc”, mỗi gia đình là một pháo đài dập dịch và mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận ấy. Kể cả vào ngày 31/11 vừa qua, khi tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới ra cộng đồng (bệnh nhân 1342), thì tới nay cũng chỉ dừng lại ở 4 ca. Có được kết quả ấy là do tinh thần quyết liệt, khẩn trương phong tỏa, truy vết, xét nghiệm… không chỉ với riêng TPHCM mà trên phạm vi rộng hơn nhiều.

Cho đến chiều 7/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết đã lấy 3.263 mẫu xét nghiệm liên quan đến 4 ca mắc Covid-19 mới tại thành phố này và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính. Trong đó có 861 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1 (F2) và 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát.

Dẫu thế thì khuyến cáo về dịch Covid-19 vẫn được ngành Y tế đưa ra, đó là việc thực hiện thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Nhìn lại gần 1 năm ròng chống dịch, lại càng vui mừng và tự hào về sáng kiến của Việt Nam về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”, cũng như kết quả nghiên cứu, điều chế vaccine Covid-19 của chính chúng ta. Bắt đầu từ ngày mai (10/12) sẽ chính thức tuyển người tình nguyện để thử nghiệm và chỉ sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự hào Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO