Trong đầu buổi chiều ngày 27/9, nhiều người dân sống trong khu vực nguy hiểm hoặc nhà cửa không kiên cố tại phường Thuận An (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đang chủ động di chuyển đến điểm tránh, trú bão do chính quyền địa phương chuẩn bị.
Là một trong những người đến khu phòng tránh, trú bão Noru tại trường THCS Thuận An sớm nhất, bà Lê Thị Gạt (68 tuổi, tổ dân phố Hải Bình, phường Thuận An) cho hay, bà chỉ chuẩn bị cho mình một số nhu yếu phẩm thiết yếu để đưa đến nơi tránh, trú bão. Tất cả đồ đạc còn lại bà đã được lực lượng chức năng và người dân hỗ trợ kê cao, chằng buộc.
Bà Trần Thị Hường (78 tuổi, trú thôn Hải Tiến, phường Thuận An) chia sẻ kinh nghiệm, khi đi tránh, trú bão bà không mang theo nhiều đồ, chỉ 1, 2 bộ áo quần; ít gói mì tôm và một phần cơm đã được chuẩn bị sẵn từ trưa.
Cùng có mặt ở khu tránh, trú bão, bà Ngô Thị Con (74 tuổi, trú thôn Hải Tiến, phường Thuận An) kể lại, vào năm 1985, tại địa phương cũng có bão lớn, tuy nhiên, do thời điểm đó còn bị hạn chế trong việc dự báo nên người dân hết sức bất ngờ, thụ động khi bão đổ bộ vào bờ.
Trải qua trận bão lịch sử ấy, bà Trần Thị Yến (73 tuổi, cùng trú thôn Hải Tiến) kể lại, năm ấy sau khi bão đến dường như tất cả người dân trong địa phương đều không kịp trở tay.
Cũng theo các cụ bà kể lại, thời điểm ấy họ đã phải trải qua những cơn thập tử nhất sinh. Và để sống sót giữa “biển nước” không ít người phải leo lên các cây cao, cố gắng đu bám ở đó để chờ được cứu trợ.
“Thằng con trai của tôi lúc đó đã phải trèo lên cây dừa và chẳng nhớ đã phải bám lại ở đó mấy ngày nữa. Chỉ nhớ, lúc nó xuống thì mặt mũi đã xám xịt vì nước biển, vì đói rồi”, bà Yến nhớ lại.
Từ kinh nghiệm trải qua những trận bão như năm 1985 kể trên hay như trận lụt lịch sử năm 1999, các bà cụ đã ở tuổi “thất tuần” này cho rằng, hiện nay với công nghệ thông tin phát triển, việc dự báo cấp độ, đường đi của bão, của thiên tai chính xác hơn nhiều. Để hạn chế thiệt hại của bão và các hình thái thời tiết cực đoan kèm theo thì không gì hiệu quả hơn việc ứng phó, di dời đến nơi an toàn.
“Nhìn thế thôi, chứ bão vào thì không thể nào hình dung được tàn phá của nó đâu. Ngày trước không có mới chịu, giờ có dự báo, có sẵn nơi đến tránh, trú thì mất gì đâu mà không đi đến mà ở.
Nhà tôi xây nhìn cũng kiên cố đó, mà thôi, lên đây ở cho chắc chắn. Tí nữa con trai, con dâu và cháu tôi cũng chuyển lên đây tránh bão cả”, bà Hường nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, các cụ bà cho biết, phần vì “chạy” bão (hàm ý vội vàng - PV), phần vì thời gian đi tránh trú bão không dài nên mỗi người cũng không cần chuẩn bị đồ đạc nhiều. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho mình những nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động trong sinh hoạt của cá nhân.
“Tôi có chuẩn bị ít gói mì tôm phòng khi đói thì ăn. Mình chủ động vẫn hơn. Các chú bộ đội, công an… thì cũng chuẩn bị cho mình cả rồi, họ cũng lo lắng cho mình đó, tuy nhiên, tôi nghĩ mình không nên ỷ lại ở họ. Họ còn lo nhiều việc nữa chứ”, bà Hường nói.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Yến, bà Con cùng cho rằng, tại địa điểm tránh trú họ cảm thấy vui vẻ, an tâm vì ở đây họ có người cùng quê, cùng độ tuổi để bầu bạn, trò chuyện.