Năm 2023, Bộ GDĐT dự kiến bắt đầu điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh. Điểm mới này thu hút sự quan tâm từ phía chuyên gia và dư luận xã hội.
Không còn tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học
Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2023, Bộ sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên.
Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định.
Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Bộ GDĐT cho biết, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng.
Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, cao đẳng.
Tính toán mức cộng điểm ưu tiên hợp lý
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định.
Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.
Chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh luôn là vấn đề nóng của mỗi mùa tuyển sinh. Qua nhiều lần điều chỉnh đến nay, chính sách này vẫn thu hút nhiều ý kiến đóng góp đa chiều từ phía dư luận và chuyên gia.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, việc cộng điểm ưu tiên là cần thiết. Bởi thực tế cho đến thời điểm hiện nay, điều kiện học tập ở các vùng miền của nước ta vẫn có sự khác biệt, không phải nơi nào cũng có điều kiện học tập như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
Với thí sinh ở khu vực khó khăn, nhờ chính sách cộng điểm ưu tiên đã mở ra cơ hội trúng tuyển đại học cho nhiều em. Sau khi tốt nghiệp, các em quay về địa phương, làm cán bộ và phấn đấu từng bước để tạo sự phát triển kinh tế xã hội cho những vùng khó khăn.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ví việc cộng điểm ưu tiên quá nhiều như việc một người uống thuốc quá liều sẽ gây tác dụng ngược. Thế nên, chuyên gia này cho rằng, cần tính toán, điểm ưu tiên ở mức độ nào để tạo được nguồn đào tạo chất lượng.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam cũng cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích học sinh bên cạnh việc học văn hóa tại các nhà trường, các em cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các cuộc thi học sinh giỏi, tham gia các hoạt động thiện nguyện… Những học sinh có những nỗ lực như vậy cần thiết được cộng điểm ưu tiên. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng có chính sách cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh vào đại học với những đối tượng học sinh này.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên như hiện này cần xem xét lại, bởi một vài mùa tuyển sinh gần đây, có thí sinh vượt ngưỡng 30 điểm, nhiều thí sinh đạt tới điểm 29,5 - 30 điểm vẫn trượt đại học là bất hợp lý.
Hay như cộng điểm ưu tiên khi học sinh đạt thành tích ở một số cuộc thi dẫn tới những tiêu cực. GS Nguyễn Mậu Bành nhắc tới các cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS và THPT. GS Bành nhìn nhận: “Có những đề tài mà học sinh nêu ra đến các GS.TSKH như tôi còn không làm nổi”.
Đồng tình với việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh từ năm 2023, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành cho rằng, điều chỉnh này sẽ đảm bảo công bằng và khắc phục tình trạng thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không trúng tuyển. Tuy nhiên, mức điểm điều chỉnh cần tính toán hợp lý để vừa tạo sự công bằng cho thí sinh, vừa khuyến khích học sinh khác noi theo đạt thành tích tốt trong học tập ở bậc phổ thông.