“Các hệ thống thuỷ điện, nhà máy thuỷ điện, trạm thuỷ điện đang sử dụng tài sản chung của tất cả cộng đồng - đó là nước. Đừng chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng, với cuộc sống của thế hệ tương lai”- TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh.
TS. Đào Trọng Tứ.
PV: Thưa ông, dự án thủy điện Đrăng Phốk cho đến thời điểm này đã có ý kiến của UBND tỉnh Đăk Lăk và Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cùng kiến nghị dừng triển khai. Quan điểm của ông về câu chuyện này?
TS Đào Trọng Tứ: Tôi cho rằng nếu dự án thủy điện Đrăng Phốk được làm mới là một quyết định lạ. Đến ngày 13-11-2008 Luật Đa dạng sinh học mới được Quốc hội thông qua trong khi dự án thuỷ điện Đrăng Phốk đã được khởi động từ năm 2007 nên có những phần chưa cập nhật là đúng. Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết của dự án ngay từ khi được thành lập chắc chắn có thể hiện việc lẽ phải được tính đến.
Chúng ta đã có những bài học lớn ở dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6a nếu triển khai sẽ mất vĩnh viễn hơn 300 ha đất rừng; trong đó đặc biệt có hơn 120 ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi VQG Cát Tiên.
Chính tỉnh Đăk Lăk cũng có một bài học khi xây dựng thuỷ điện Serepok 4a nằm tiếp sau thuỷ điện Serepok 4. Công trình này không cần đắp đập mà tận thu nguồn nước từ trả lại sông Serepok. Với công suất lắp máy 64MW, công trình thuỷ điện hạng trung này đã làm cho khoảng 20 km đoạn sông Serepok cong bị mất dòng, vốn là một phần ranh giới tự nhiên của VQG Yok Đôn.
Đập chắn nước của Nhà máy thủy điện Sông Bung.
Thưa ông, từ câu chuyện của thủy điện Đrăng Phốk, có ý kiến cho rằng cần một sự rà soát lại đối với các dự án thuỷ điện khác?
- Có nên rà soát lại các thuỷ điện hay không? Câu hỏi này không phải đến bây giờ mới được đặt ra mà trên thực tế, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành.
Năm 2013, ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết quy hoạch tổng thể về thủy điện. Trong đó nêu rõ, việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện đã đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Việc rà soát này có căn cứ từ các địa phương, tuy nhiên, ở thời điểm đó thủy điện Đrăng Phốk vẫn chưa được đề cập đến.
Vì vậy, thời điểm này nếu tiếp tục rà soát lại tôi cho rằng là tốt, nhưng cần quan tâm ở 3 vấn đề. Thứ nhất là rà soát lại để đừng tiếp tục xây dựng các dự án thuỷ điện mới nữa, nhất là các dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, vi phạm Luật đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước… Thứ hai, rà soát xem hiệu quả của các thuỷ điện đang có ra sao. Thứ ba, quan trọng nhất là rà soát các dự án thuỷ điện đang có xem vận hành, thực hành có đúng các quy trình khi nó được phê duyệt hay không.
Chẳng hạn, ở các khía cạnh bảo đảm nước trong mùa khô, vấn đề giữ nước mùa lũ… Và những thuỷ điện trên Serepok của Đăk Lăk có quy trình vận hành liên hồi rồi thì xem nó thực hiện đúng không và tác động của nó như thế nào. Bởi các hồ chứa trên sông Serepok đặc biệt quan trọng vào mùa khô. Nếu các thuỷ điện vận hành không đúng thì đoạn sông hạ lưu của các đập ấy tác động rất mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Hậu quả nặng nề gây ra đối với thiên nhiên và con người là nguy cơ hiển hiện rõ ràng.
Chính vì vậy, việc rà soát là quan trọng nhưng theo tôi việc giám sát thường xuyên đối với các thuỷ điện này quan trọng hơn. Bởi khi xây dựng các thuỷ điện không thể không tính đến lợi ích kinh tế. Trong khi công trình theo yêu cầu phải xả nước vào mùa khô bao nhiêu khối nhưng nếu người ta lại giữ lại để phát điện, lợi ích kinh tế đạt được nhưng hạ lưu bị ảnh hưởng, người dân chịu khổ thiếu nước… Những điều ấy, cần phải được giám sát thường xuyên.
Bằng chứng là ngay đầu năm 2016, thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) qua kiểm tra đột xuất của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã bị lập biên bản vì vi phạm các lỗi như không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, không vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu ở hạ du sông Vu Gia theo quy trình, không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ…
Thủy điện Srêpôk 4a (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) của vi phạm hàng loạt các lỗi như thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, năm 2015 không báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước về Bộ, lỗi làm sai lệch thông tin, dữ liệu tài nguyên nước...
Mức xử phạt hành chính gần 900 triệu đồng của 2 thuỷ điện trên là cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng là khắc phục, sửa chữa các vi phạm. Cần tìm ra giải pháp để giám sát hệ thống thuỷ điện trong vận hành.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Trên dòng chính của Serepok hiện nay đã có tới 7 công trình thuỷ điện. Theo tôi không còn chỗ nào có thể xây dựng được nữa. Nhưng đối với những thuỷ điện nhỏ ở vùng núi cao hẻo lánh không tác động nhiều đến môi trường, tôi ủng hộ việc đầu tư xây dựng các thuỷ điện nhỏ cung cấp điện phân tán. Điều tiên quyết là không được phá rừng” – TS Đào Trọng Tứ.