Yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm tính khoa học và sự liêm chính ở mọi mắt xích trong các cơ quan hành chính nhà nước, nơi thường xuyên tương tác trực tiếp với người dân luôn là nỗi trăn trở chung của toàn xã hội. Một nền hình chính minh bạch được tạo lập, đồng thời cho phép cán bộ, công chức chịu trách nhiệm có thể tự soi chiếu bản thân và tự sửa những khiếm khuyết một cách liên tục, sẽ là nền tảng để tối ưu hóa bộ máy hành chính các cấp hiện nay.
Ảnh minh họa.
Nguồn:noivuqnam.gov.vn
Dư luận rất quan tâm đến việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam vừa ký kết Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, của tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhằm xác định chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính trên 6 lĩnh vực thiết thân nhất trong đời sống cộng đồng. Đây là một trong những hình thức giám sát cụ thể mới mẻ có ý nghĩa thời sự cấp thiết. Việc định lượng thước đo lòng dân với “công bộc”, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, dân chủ, phục vụ tốt hơn cho nhân dân, sẽ là cơ sở để hình thành nét văn hóa “tự soi và tự sửa” trong sự vận hành của nền quản trị quốc gia.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và những nỗ lực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thế nhưng, những tồn tại và hạn chế của tiến trình cải cách này vẫn đáng lo ngại so với yêu cầu đặt ra của thực tiễn, được thể hiện qua nhiều điểm nghẽn. Sự báo động đến mức tại một hội nghị về cải cách hành chính gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta giờ đứng chót ở khối ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.
Riêng về cải cách thủ tục hành chính, quá trình đưa chủ trương đi vào cuộc sống vẫn khó khăn với nhiều biểu hiện của giải pháp tình thế. Hiện tượng cơ quan có thẩm quyền vừa bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép con trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì lại xuất hiện hàng trăm giấy phép mới khác như đã từng xảy ra là một điển hình về sự biến tướng “bình mới, rượu cũ”. Nhiều thủ tục rườm rà, phiền hà cho dân, dễ gây sách nhiễu vẫn tồn tại, thậm chí phát sinh ở dạng thức mới.
Thực tế lâu nay vẫn còn nhiều lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo, hộ khẩu, hộ tịch, đầu tư nước ngoài, v.v... luôn đứng trước đòi hỏi bức bách của xã hội về chất lượng phục vụ. Phẩm chất, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức vẫn thường là thách thức đối với tiến trình cải cách hành chính, trong đó có việc cải cách những thủ tục hành chính mới khi đi vào cuộc sống bảo đảm không bị biến dạng tiêu cực. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, thủ tục thuế - hải quan có thể coi là những lĩnh vực dễ gây bức xúc nhất.
Đơn cử như quyền sở hữu nhà ở chỉ cần một loại giấy do một cơ quan nhà nước cấp thì trong quá trình cải cách, lại từng có ý tưởng muốn chia ra thành ba loại giấy do ba cơ quan nhà nước khác nhau quản lý, với lời lý giải làm như vậy nhẳm giúp cơ quan nhà nước dễ quản lý. Thực chất đây là tư tưởng muốn giành thuận lợi cho sự quản lý và đẩy khó khăn, phiền hà cho dân, chứ không vì bản chất phục vụ dân. Việc giành ảnh hưởng giữa các bộ phận có trách nhiệm, dễ nhận ra tư tưởng giành quyền quản lý, xung đột với chức phận phải phục vụ dân như yêu cầu của nền hành chính dân chủ.
Thực tế chứng minh rằng, dịch vụ công cung cấp cho nhân dân chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của đại chúng, nhất là giới doanh nghiệp. Hiện tượng tham nhũng vặt, hạch sách, thái độ thờ ơ của cán bộ, công chức đối với công việc của dân vẫn nhức nhối. Sự kéo dài thời gian giải quyết bằng thủ tục hành chính nhiêu khê một cách không đáng có luôn thấp thoáng động cơ yêu sách tiêu cực, vụ lợi đi kèm. Người dân khi thực hiện quyền của mình ở nhiều lĩnh vực bị vướng vào những thủ tục rườm rà đành phải cúi mình nhờ vả, xin xỏ, thậm chí phải “bôi trơn” trở thành chuyện không hề lạ lẫm.
Có thể nói, thủ tục hành chính là biểu hiện tập trung nhất của hoạt động nhà nước can thiệp vào mối quan hệ kinh tế, xã hội với mục đích tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội. Vì vậy, mức độ và phương pháp can thiệp của các cơ quan nhà nước trong từng lĩnh vực quản lý cụ thể như thế nào là phù hợp cần phải được giải mã cụ thể. Gỡ bỏ bất cập, tránh những thủ tục hành chính nặng về đề phòng, trói buộc, thiếu sự chủ động, thông thoáng - để tiến tới sự ổn định, đủ mức hấp dẫn, giải phóng và khai thác mọi nguồn lực trong nước, trong dân và các nhà đầu tư nước ngoài đang là bài toán cần lời giải trước yêu cầu phát triển nhanh của đời sống thực tiễn. Giải bài toán này để tránh tình trạng thủ tục hành chính, hoặc bị rơi vào thái cực kiểm soát quá chặt chẽ, cứng nhắc, phi hiệu quả, hoặc buông lỏng quá mức.
Bên cạnh đó, cơ sở của mọi hoạt động giám sát cần phải được gắn với chế độ trách nhiệm rõ ràng, tránh sự lộn xộn, chồng chéo khiến nhiều “công bộc” thích có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm, tạo lực cản lớn cho quá trình xây dựng một nền hành chính trong sạch, liêm khiết.
Thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội đất nước đang đòi hỏi bức thiết về cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự liêm chính của bộ máy hành chính. Thiết nghĩ, điều đó chỉ có thể hiện thực hóa khi có sự tăng cường khả năng giám sát hữu hiệu của người dân. Yêu cầu tham gia của nhân dân vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực thi quyền làm chủ của mình nhiều hơn qua các hình thức cụ thể gắn liền với quá trình trong sạch hóa đội ngũ công chức tận tâm, liêm khiết của bộ máy hành chính. Yêu cầu đó đang cần sự phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như sự giám sát của cộng đồng các hiệp hội ngành nghề và người dân là những chủ thể thường xuyên chịu sự tác động của cơ quan quản lý.
Và, việc Mặt trận tạo điều kiện cho người dân “chấm điểm” cán bộ, công chức là một trong những cách làm mới, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kết quả của công việc giám sát thường xuyên này, trước hết là chỉ số hài lòng của nhân dân được xác định, sẽ trở thành những dữ liệu đầy ý nghĩa, góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện cơ chế. Qua những chỉ số cụ thể, cán bộ, công chức có cơ sở để không thể lơ là, không thể không tự soi mình và tự sửa những khiếm khuyết, tồn tại của chính mình trong hoạt động công vụ.