Diễn ra trong khoảng thời gian một tuần lễ, ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2018 đã thu hút hàng triệu lượt truy cập cùng hàng trăm nghìn đơn hàng được thực hiện. Mặc dù vậy, không phải bất cứ người tiêu dùng nào cũng đều hào hứng với chương trình này bởi không phải ai cũng trao tất cả niềm tin vào các giao dịch online.
Mua sắm trực tuyến đang dần trở nên phổ biến.
Săn sản phẩm giá 0 đồng
Online Friday 2018 là năm thứ 5 liên tiếp được tổ chức, cũng là năm thị trường thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, có nhiều đột phá; cũng như sự sôi động của xu hướng phát triển nền kinh tế số với chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ số, phát huy các cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, cả năm họ dành dụm để chờ dịp này để được mua sắm thỏa thích do nhiều mặt hàng khuyến mại, giảm giá sâu.
Chị Trần Khánh Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm nay mua hàng trực tuyến rất thú vị khi có ứng dụng QR Code. “Điểm đặc biệt của mua sắm online năm nay là người mua khi quét QR Code sẽ không cần phải nhận hàng ngay, bên bán hàng sẽ giao sản phẩm qua đơn vị vận chuyển đến địa chỉ người tiêu dùng, điều này làm nhiều người hài lòng. Chúng tôi mong muốn trong năm sẽ có nhiều dịp mua hàng giảm giá như chương trình này để có thể mua được hàng chất lượng tốt, giá lại phải chăng” - chị Linh chia sẻ.
Không giấu được sự hào hứng về chương trình này, anh Nguyễn Mạnh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mong ước của anh là sắm được chiếc điện thoại iPhone XS giảm giá, và đây là dịp để anh có thể mua được sản phẩm điện thoại này với giá 0 đồng. Không chỉ điện thoại, anh Hà cho biết thêm, nhiều mặt hàng điện tử của các hãng nổi tiếng như Samsung, Oppo, LG… cũng được rao bán trong dịp này với giá vô cùng hấp dẫn.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, chương trình Online Friday đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp (DN) tham gia với hơn 27 nghìn sản phẩm. Theo ông Hải, Online Friday là sự kiện thương mại điện tử lớn nhất trong năm 2018 và cũng là sự kiện được người tiêu dùng chờ đợi nhất. Theo Cục Thương mại điện tử, chương trình năm nay đã thu hút khoảng 5 triệu lượt truy cập và trị giá đơn hàng bán ra ở con số 1.500 tỷ đồng.
Người tiêu dùng vẫn ngại “click chuột”
Mặc dù sự kiện Online Friday năm nay được nhiều người tiêu dùng và DN mong chờ, song trao đổi với PV, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ chỉ lên mạng để xem các sản phẩm giá cả ra sao chứ tuyệt nhiên không “click chuột” để mua hàng.
Chị Nguyễn Minh Thư (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, do nhiều lần mua phải hàng online không như mong muốn, hình ảnh một đằng, sản phẩm một nẻo nên dù biết chương trình Online Friday năm nay có các sản phẩm đa dạng và phong phú, nhưng chị đã không hề đặt mua bất cứ một sản phẩm nào. “Tôi đã mất niềm tin vào mua hàng online từ lâu. Có sản phẩm giá chỉ vài trăm nghìn nhìn hình ảnh trên mạng đẹp bao nhiêu thì khi nhận sản phẩm về tôi thất vọng bấy nhiêu” – chị Thư giãi bày.
Còn bà Hoàng Thị Minh (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, bà cũng không hào hứng với các giao dịch thương mại điện tử. “Tôi đặt mua cho cháu gái một chiếc váy trên mạng với giá 350.000 đồng. Nhìn ảnh trên mạng màu sắc tươi sáng rực rỡ, tôi thấy rất hợp với đứa cháu ngoại 9 tuổi của tôi nên đặt luôn. Thế mà hàng giao về thì màu xỉn và chất vải thì không mê được” – bà Minh cho biết.
Có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng với thương mại điện tử vẫn đang còn rất mong manh. Giới chuyên gia nhận định, sở dĩ niềm tin của người tiêu dùng chưa đặt mạnh vào thương mại điện tử là do các DN chưa thực sự tạo dựng được mức độ uy tín cần thiết để làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Vì phần lớn tâm lý người Việt vẫn có suy nghĩ phải cân đo đong đếm cụ thể, cầm nắm được sản phẩm rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm. Nhiều ý kiến cho rằng, các DN cần chú trọng hơn vào khâu dịch vụ khách hàng, tạo cảm giác an toàn cho khách hàng khi mua sắm trực tuyến.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh các chương trình bán hàng trực tuyến tương tự chương trình Online Friday, để từ đó, các DN có thêm cơ hội tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng cách mang đến những sản phẩm “chất lượng thật như hình ảnh” chứ không phải “treo đầu dê bán thịt chó” như nhiều người tiêu dùng phản ảnh.