Đó là cầu phao xã Hoàng Tây, nối xóm Bờ Sông đến trung tâm xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Để có đường cho các em học sinh đi học, người lớn đi làm hằng ngày, người dân nơi đây đã quyên góp tự làm một chiếc cầu phao bắc qua sông Nhuệ.
Cây cầu phao Hoàng Tây đầy nguy hiểm.
Cầu chỉ gồm 9 chiếc thuyền bít mặt bằng xi măng, một ít tre, gỗ, dây thép và cọc bê tông hai bên bờ sông, người dân xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng đã “chế” ra một chiếc cầu bắc qua sông Nhuệ để đi lại suốt 20 năm nay.
Chính vì thế trên cây cầu này cũng thường xảy ra các vụ tai nạn do cầu không đảm bảo an toàn, đặc biệt những buổi đêm, ngày mưa gió, bão lũ. Tuy vậy, đây vẫn là con đường ngắn nhất để qua sông nên người dân đành nhắm mắt liều mạng sống để đi lại. Nếu không họ chỉ còn cách đi vòng thúng qua xã Nhật Tựu cách đó 6 km, rồi vòng quay lại mới đến được ủy ban xã, hoặc đi lên cầu Ba Đa, thành phố Phủ Lý cách đó 8km rồi tiếp tục vòng xuống mới đến được UBND xã.
Theo quan sát của chúng tôi, cầu dài hơn 100m, rộng gần 2 mét, mặt cầu là những thanh tre nứa và gỗ tạp nối với nhau bằng những sợi dây thép đã gỉ sét, mặt cầu không có rào chắn hai bên, nhiều cọc gỗ mục nát, hư hỏng nặng. Do mặt cầu tựa trên các con thuyền, nên chỉ một lực nhẹ của người đi bộ qua đã đủ làm cả cây cầu dài chòng chành.
Rợn người nhất phải kể đến mỗi lúc tan học, hàng trăm học sinh, chủ yếu cấp tiểu học ở xóm Bờ Sông lại nối đuôi nhau qua cầu phao về nhà, chúng vô tư cười nói mà không hay mình đang bước trên miệng “Hà Bá”. Mặt khác do cầu quá hẹp nên mỗi lần thấy có người dắt xe máy lên cầu là tất cả ở hai đầu cầu phải đứng đợi cho xe máy đó qua hẳn thì người khác mới được lên.
Anh Nguyễn Văn Đức, 30 tuổi, người dân xã Hoàng Tây, cho biết: “Tôi là người biết bơi mà đi qua cầu lần nào là rợn tóc gáy lần ấy, nhất là mỗi khi trời mưa, mặt cầu trơn trượt. Người nào không quen rất dễ ngã xuống sông. Nhưng không đi thì không được, vì nó là con đường nhanh nhất để chúng tôi sang bên kia sông”.
Một số người dân địa phương cho biết, chuyện người ngã xuống sông Nhuệ khi đi qua cầu phao xảy ra như cơm bữa. Dù chưa có trường hợp nào tử vong do được cứu kịp thời, nhưng người bị thương thì rất nhiều. Mỗi lần qua cầu, người dân phải xuống xe dắt bộ, nhưng thanh niên khi đi xe máy qua vẫn bất chấp nguy hiểm ngồi trên xe rú qua chạy qua. Tháng trước có trường hợp một thanh niên đi ăn cưới về do say rượu đã lộn cả xe và người xuống sông, tuy nhiên được cứu kịp thời nên thoát chết.
Được biết, cầu phao Hoàng Tây được sử dụng từ trước năm 1995. Cầu phao chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển của 134 hộ dân ở xóm Bờ Sông. Nhưng đây cũng là nơi đi lại thường xuyên của người dân nhiều xã giáp ranh như Tiên Tân (TP.Phủ Lý), xã Nhật Tựu (Kim Bảng) và xã Hoàng Đông (Duy Tiên).
Ngoài công việc phải đi lại hàng ngày, đến mùa vụ nhiều gia đình còn sử dụng cây cầu vận chuyển lúa, vụ cấy vận chuyển phân bón, mạ sài…do đi vòng quá xa và mất thời gian, nên đa số người dân đành chấp nhận phương án đánh cược mạng sống với cây cầu quá nguy hiểm này.
Cũng theo người dân ở đây, cứ vào mùa mưa lũ lớn, để đảm bảo an toàn, người trông coi cầu phải cắt cầu không cho người dân đi qua. Mỗi một năm, khi thượng nguồn xả lũ chiếc cầu phao của xã Hoàng Tây cũng phải trôi đến 3, 4 lần. Cứ mỗi lần như vậy, xã lại huy động lực lượng, tàu bè đi kéo cầu về vị trí cũ lấy lối đi lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: “Địa phương chúng tôi cũng muốn xây cho dân một cây cầu đi lại cho an toàn. Nhưng kinh phí xây dựng một cây cầu quá lớn, nằm ngoài khả năng ngân sách của xã. Xã chúng tôi chỉ là một xã thuần nông nghèo, không có nhiều nguồn thu, việc có một cây cầu đàng hoàng cho học sinh và người dân đi lại thực sự chỉ là ước mơ. Mặc dù biết là rất nguy hiểm khi đi qua cầu phao, nhưng nếu không tiếp tục bảo dưỡng để duy trì sử dụng thì lại ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân, nhất là việc đi học của các cháu học sinh”.
Được biết để “nuôi cầu”, mỗi một năm người dân trong xã đóng góp 7 tấn lúa để lấy kinh phí tu sửa và trả phí cho người trông cầu. Tuy nhiên, do cây cầu đã lâu năm, lại xuống cấp nên cầu phải liên tục tu sửa, chi phí cũng không đủ. Và cứ như vậy, càng ngày nó càng tàn tạ.
Chừng nào cây cầu phao rách nát trên còn phục vụ người dân, chừng đó vẫn có những nguy cơ nguy hiểm trực chờ phía trước. Không biết bao giờ giấc mơ có một cây cầu đi lại với hàng trăm hộ dân nơi đây trở thành hiện thực?