Các đoàn từ thiện đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không được cảm tính trong suốt quá trình.
Nhà báo Nguyễn Đình Sơn (Báo Thanh niên) cùng nhóm thiện nguyên Nhà báo và doanh nhân đều đặn mỗi năm tổ chức các đợt cứu trợ, hỗ trợ người dân, nhất là dân miền Trung. Mỗi năm, khi mùa mưa bão tới, nhà báo Nguyễn Đình Sơn cùng đồng nghiệp đều đi miền Trung cứu trợ, trong đó các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, thường xuyên nhất là Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hoá:
“Anh em đã cùng nhau thành lập nhóm thiện nguyện Nhà báo và doanh nhân để có thể gắn kết mọi người lại với nhau trong hoạt động thiện nguyện. Như năm nay, sau khi dịch Covid-19 hồi phục, nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, bản thân từng gia đình, từng con người đều thấm “mệt” bởi dịch bệnh này, nên khi dịch hết tôi cũng như mọi người gần như phải nổ lực làm việc gấp đôi gấp ba để bù đắp những tháng dịch bệnh không làm được gì. Dù rất bận rộn, khó khăn và định sẽ không tham gia các hoạt động thiện nguyên, nhưng nhìn thấy cảnh người dân miền Trung ngập chìm trong nước lũ, bão, thiệt hại nặng nề về người và của, đến độ không thể ngồi một chỗ khoanh tay đồng bào mình khố khó, thì tôi đã vận động các thành viên trong nhóm lại lên đường, đóng góp một chút vật chất công sức của bản thân và kêu gọi thêm từ cộng đồng. Kết quả nhóm của chúng tôi đã vận động được khoảng 2,4 tỉ đồng hỗ trợ người dân miền Trung. Những năm trước mỗi năm nhóm chúng tôi vận động được nhiều hơn, có năm vận động được đến 7 tỉ đồng cho các hoạt động thiện nguyện”.
Theo những trải nghiệm của nhà báo Nguyễn Đình Sơn, người dân ở miền Trung, thường rất nghèo do liên tục phải chịu bão lũ, thời tiết khắc nghiệt.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này thì bão lũ tràn về quét sạch mọi thứ. Sau nhiều năm đi cứu trợ miền Trung tôi thấy rằng để có thể hỗ trợ người dân được tốt nhất các đoàn thiện nguyện bắt buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương để địa phương lên danh sách, đưa đi đến tận những nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Địa phương chỉ đưa danh sách và dẫn đi, đoàn thiện nguyện sẽ đến tận nơi để xem xét hoàn cảnh từng gia đình, nếu khó nhiều giúp nhiều, khó ít giúp ít. Thậm chí có lần chúng tôi về Hà Tĩnh, cán bộ xã dẫn chúng tôi vào nhiều hộ gia đình cũng bị thiệt hại do mưa lũ khi bị cuốn trôi mất bò, gà… nhưng chúng tôi đã từ chối không hỗ trợ vì các hộ này dù mất mát nhưng hoàn toàn có thể phục hồi sau bão vì gia đình khoẻ mạnh, nhà cửa khang trang và chúng tôi đã dời đi thôn khác để giúp những người thật sự khó khăn không thể gượng dậy được”.
Thời gian qua, nhiều nhóm hội đã tới miền Trung với lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu sự tìm hiểu về nơi mà họ sẽ đến nên nhiều hàng cứu trợ đã không dùng được hoặc bị hủy bỏ, theo nhà báo Nguyễn Đình Sơn: “Đó là do sự chuẩn bị chưa kỹ cũng có thể làm kiểu phong trào hoặc do tâm lý muốn giúp đỡ người dân một cách nhanh nhất nên các đoàn đã không tính toán đến những gì người dân cần nhất trong lúc hoạn nạn. Nhưng thực tế có thể thấy, người dân khi gặp hoạn nạn cái gì cũng quý, cái gì cũng cần, nhưng cần nhất là tiền mặt. Đi rồi mới thấy, khi bão lũ tràn qua thì gần như quét sạch mọi thứ nên lương thực và tiền mặt để giúp người dân chống đói và sau đó là tái thiết cuộc sống là thật sự cần thiết. Những hình ảnh về hàng cứu trợ đã không dùng được hoặc bị hủy bỏ cũng chỉ là con số nhỏ, thậm chí rất nhỏ, những trường hợp cá biệt. Không vì thế mà chúng ta lên án lòng tốt của các mạnh thường quân, các đoàn cứu trợ”.
Chính vì vậy
“Điều này rất đúng. Khi bão lũ tràn về, nhìn cảnh người dân thương tâm ai cũng có tâm lý muốn lao ra ngay vùng thiên tai với bà con để giúp được gì hay cái đó. Tuy nhiên chính do tâm lý này nên nhiều đoàn cứu trợ đã không chuẩn bị trước, hăm hở ra cứu trợ nhưng như vậy sẽ rất khó khăn cho đoàn và cho cả địa phương. Vì như các đoàn ở nơi khác đến sẽ không có cái nhìn toàn cảnh về thiệt hại ở địa phương đó, không biết chỗ nào thiệt hại ít, chỗ nào nhiều, gia đình nào thiệt hại ra sao để có thể hỗ trợ đúng đối tượng. Không những vậy, việc di chuyển như vậy có thể gây nguy hiểm đến chính đoàn đi cứu trợ và vô tình lại trở thành gánh nặng cho địa phương vì địa phương phải hỗ trợ ngược lại”.
Sự cảm tính này sẽ gây ra nhiều hậu quả: “Trước mắt là địa phương không kiểm soát được đoàn cứu trợ đã hỗ trợ gia đình nào, gia đình nào chưa. Để từ đó địa phương có thể phân bổ các đoàn khác cho đồng đều. Trong hoạn nạn thì một đồng cũng quý, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi không có sự công bằng sẽ khiến người dân ở chính nơi đó hiềm khích, nghi kỵ thậm chí tị nạnh lẫn nhau, rằng tôi được ít, anh được nhiều. Không những thế, việc đi cứu trợ, làm từ thiện theo cảm tính còn làm khó cho chính quyền địa phương. Trong cứu trợ cần ưu tiên làm việc với chính quyền địa phương, lực lượng thực hiện phải là công an, bộ đội, của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bên dưới là Ban chỉ huy các tỉnh, vì họ được tập huấn, đào tạo, có phương tiện, có lực lượng cứu hộ. Đồng thời phải cứu trợ đúng giai đoạn ứng phó khẩn cấp. Khi lụt sâu, bão đang vào thì các tổ chức thiện nguyện không nên xuất hiện mà chúng ta nên tham gia giai đoạn phục hồi, tức là khi bão đã qua đi, nước đã rút đến mức an toàn, lúc đó người dân rất cần hỗ trợ để phục hồi. Đúng lúc nguy hiểm nhất các nhóm thiện nguyện tự phát không nên vào, dễ nguy hiểm cho chính họ và có thể trong chừng mực nào đấy gây khó khăn nhất định cho địa phương”.
“Thực tế, những gì chúng tôi làm được không thấm vào đâu so với những mất mát của người dân đã phải hứng chịu. Nhiều hộ gia đình tan nhà, nát cửa, mất người thân. Tuy nhiên có thể thấy, dù việc làm nhỏ nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn tình yêu thương, làm cho người dân trong vùng bão lũ cũng ấm lòng”.