Bị cáo Lương Hữu Phước (55 tuổi, ở Bình Phước) đã tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước để phản đối phán quyết phúc thẩm của cơ quan này. Bị cáo Phước để lại lời nhắn hy vọng cái chết của mình sẽ “thức tỉnh” được các cơ quan tư pháp của tỉnh Bình Phước trong việc nhìn nhận sự thật khách quan của vụ án.
Thay vì dùng các biện pháp tích cực để kêu oan, bị cáo Phước đã chọn hình thức tự tử để thể hiện chính kiến. Sự việc trên khiến mọi người cảm thấy nỗi đau quặn thắt.
Những người từng được tiếp cận hồ sơ vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà Lương Hữu Phước là bị cáo, nhất là Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Lương Hữu Phước) đều cho rằng, các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Phước (từ sơ thẩm đến phúc thẩm) đều chưa đưa ra được lý lẽ thuyết phục khi kết tội. Nhiều tình tiết, yếu tố trong vụ án chưa được làm sáng tỏ để có thể đưa ra sự thật khách quan của vụ án. Từ đó có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, gây oan sai.
Trước đó, ngày 9/5/2017, cơ quan CSĐT Công an TX Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) khởi tố bị can đối với Lương Hữu Phước vì gây TNGT chết người. Ngày 29/3/2018, TAND TX Đồng Xoài xử sơ thẩm lần 1 tuyên phạt bị cáo Lương Hữu Phước 3 năm tù. Bị cáo Lương Hữu Phước kháng cáo kêu oan. Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, vì thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Cụ thể, cấp phúc thẩm nhận định: Lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều điểm còn mâu thuẫn. Theo lời khai của bị cáo Phước thì trước khi chuyển hướng bật đèn xin đường, trong khi các nhân chứng khai không thấy. Tại phiên tòa các nhân chứng khẳng định không thấy chứ không phải không bật đèn. Chưa hết, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ TNGT không thể hiện vị trí công tắc đèn xin đường, không ghi rõ tình trạng ổ khóa điện khởi động xe ở vị trí mở hay tắt nên không thể kết luận chưa bật xi nhan.
Lời khai của người có liên quan đến vụ TNGT là Lâm Tươi cũng bất nhất giữa lúc điều tra và xét xử, lúc thì nói thấy bị cáo chuyển hướng từ từ, khi lại nói bị cáo sang đường bất ngờ nên không kịp tránh. Song, tại hiện trường vụ TNGT không có vết phanh xe của Lâm Tươi chứng tỏ người này bị phân tâm khi đâm vào xe bị cáo. Cấp phúc thẩm cũng đặt vấn đề: Cấp sơ thẩm chưa làm rõ được Lâm Tươi có quay lại phía sau nói chuyện, không chú ý quan sát nên đâm vào xe bị cáo không, trong khi các nhân chứng khai như vậy...
Còn nữa, theo lời khai của cả nhân chứng và bị cáo, bị hại Trần Hữu Quý (nạn nhân ngồi sau xe máy bị cáo Phước đã chết) có can thiệp vào tay lái của bị cáo Phước khi sang đường, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ được hành vi này có là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn trên hay không. Thời điểm xảy ra vụ TNGT, khi kiểm tra người đâm vào xe bị cáo là Lâm Tươi thì anh này không có bằng lái, vi phạm nông độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Ấy vậy nhưng không hiểu vì lẽ gì người này lại chỉ bị phạt hành chính 4 triệu đồng.
Tuy chưa làm rõ được các nghi vấn, vi phạm tố tụng như đã nêu ở trên, song ngày 6/12/2019, TAND TX Đồng Xoài vẫn đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 và vẫn tuyên án phạt 3 năm tù đối với bị cáo Lương Hữu Phước. Ngày 29/5/2020, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo. Chiều cùng ngày, bị cáo Lương Hữu Phước quyết định tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước để thể hiện sự oan khuất. Họp báo sau đó, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước khẳng định HĐXX đã xét xử đúng pháp luật.
Tuy nhiên, dư luận không phục và cho rằng các thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử vụ án đã cưỡng từ đoạt lý khi giải thích Lâm Tươi khi gây TNGT (không có bằng lái, nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép) không đi lấn làn (trong khi biên bản hiện trường không thể hiện được điều đó) nên không khởi tố là đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm. Còn bị cáo Phước sang đường không xi nhan (biên bản khám nghiệm không thể hiện công tắc bật hay tắt) chính là nguyên nhân gây tai nạn nên tuyên 3 năm tù là đúng người, đúng tội.
Qua những phân tích ở trên, bài viết muốn độc giả có cái nhìn toàn diện, khách quan về vụ án, chứ không hề có ý định “kêu oan” cho bị cáo Lương Hữu Phước. Song, dù sao cái chết của bị cáo Phước cũng hết sức đau lòng, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc xem xét lại vụ án một cách khách quan, toàn diện để không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm. Vì sao một bị cáo có thể chọn cái chết thay vì 3 năm tù giam, chẳng nói chắc ai cũng hiểu nỗi uất ức của ông ta. Làm sao có thể không uất ức khi mà còn nhiều “điểm mờ” như vậy mà tòa vẫn có thể tuyên án?
Thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm) cho rằng, trong vụ án này, ông Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, do cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của ông Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn và ông Lâm Tươi không lấn đường nên cơ quan điều tra không khởi tố ông Lâm Tươi. Do đó, không có việc bỏ lọt tội phạm.
Cũng theo Thẩm phán Hạnh, sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Lâm Tươi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn 0,57mg/lít khí thở. Về việc vì sao không khởi tố ông Lâm Tươi, đối với tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì yếu tố quan trọng nhất là yếu tố lỗi và lỗi này trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Qua điều tra, đã xác định được lỗi là do bị cáo Phước đã qua đường nhưng không quan sát. Lam Hồng