“Nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay không chỉ thể hiện sinh động những tư tưởng của Mác về một nền dân chủ mới, trong đó, nhân dân là chủ nhân của xã hội, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân mà còn được phát triển sáng tạo, làm cho phong phú hơn, toàn diện hơn trong điều kiện cụ thể ở nước ta” - GS Tạ Ngọc Tấn nói.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác, sáng 4/5 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại”. Thời gian trôi qua, ý nghĩa thời đại của học thuyết Mác với những tiên lượng và giá trị trường tồn vẫn đầy sức thuyết phục.
Sức lan tỏa của một học thuyết
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Các Mác đã để lại cho chúng ta một kho tàng tri thức đồ sộ, phong phú ở nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực như: Triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, pháp lý, chính trị… Đó là kết quả của sự lao động quên mình, niềm say mê nghiên cứu khoa học, tiếp thu có phê phán, vượt qua cả những thiên tài xuất sắc trước ông. Đó còn là kết quả của sự tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận về phong trào công nhân châu Âu cực kỳ sôi động.
GS.TS Uông Tín Nghiên, Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) cho biết: Từ những năm 1919 Trung Quốc đã vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước. Trung Quốc đã áp dụng nhiều quan điểm, tư duy logic và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn xây dựng đất nước. Việc vừa áp dụng chủ nghĩa Mác để giải quyết những vấn đề của thời đại, vừa duy trì truyền thống của Trung Quốc trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước đã góp phần đưa Trung Quốc vào vũ đài của thế giới.
Ở một khía cạnh khác, ông Feuangsy Laofung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào cho biết: Thuyết duy vật biện chứng của Mác: Vật chất có trước, tinh thần có sau. Cũng như thuyết duy vật tự nhiên: Tự nhiên có trước, con người sinh ra trong tự nhiên, phụ thuộc vào tự nhiên, sống, sản xuất phát triển theo quy luật tự nhiên đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
Thế nhưng bất chấp quy luật của tự nhiên, con người ngày càng làm hại môi trường do hoạt động kinh tế, hiện đại hóa, khai khoáng, đốt rừng, khí thải, ô nhiễm môi trường, chất thải, rác thải… do đó môi trường bị phá hủy nghiêm trọng, chính sự tác động xấu này của con người đã và đang đe dọa cuộc sống, tính mạng của loài người.
“Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, thuyết duy vật biện chứng, duy vật tự nhiên, nhân dân Lào đã sống hài hòa với tự nhiên. Cấm tuyệt đối chặt, khai thác và sản xuất gỗ, khuyến khích trồng cây, trồng rừng, kỷ luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Do đó môi trường tự nhiên của Lào đã được khôi phục tốt hơn trước”- ông Feuangsy Laofung nhấn mạnh.
Áp dụng tư tưởng của Mác vào điều kiện thực tế Việt Nam
GS.TS Lê Hữu Nghĩa (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Các Mác là người đầu tiên áp dụng phép biện chứng duy vật do chính ông xây dựng vào việc nghiên cứu lịch sử, làm cho chủ nghĩa duy vật trở thành hoàn bích, triệt để- không chỉ duy vật trong lĩnh vực tự nhiên mà còn duy vật cả trong lĩnh vực xã hội. Ông đã phát hiện ra quy luật đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của xã hội tư bản do phương thức đó đẻ ra.
Theo GS Lê Hữu Nghĩa, với hai phát hiện khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho CNXH khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa. Ông là nhà thiên tài của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ. Chủ nghĩa Mác trở thành kim chỉ nam, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh vì CNXH từ khi ra đời cho đến nay.
Còn theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, những tư tưởng của Mác về dân chủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, phát triển, hiện thực hóa phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam đó là xây dựng chế độ nhà nước dân chủ, thực thi các quyền dân chủ theo định hướng XHCN.
Theo đó, Nhà nước và mọi quyền lực trong xã hội đều đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Pháp luật nhà nước quy định và đảm bảo cho dân được quyền giám sát các cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát các cán bộ có trách nhiệm trong bộ máy bằng nhiều cách thức khác nhau như: Phản ánh trực tiếp tới cơ quan, cá nhân có trách nhiệm hoặc bằng các văn bản, đơn thư gián tiếp thông qua hoạt động tiếp dân của các cơ quan, tổ chức, thông qua các đoàn thể nhân dân.
Cùng với quyền tự do và chủ quyền trong mối quan hệ trực tiếp với Nhà nước, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Đây thực sự là kênh giám sát quyền lực, phản biện xã hội, thể hiện rõ quyền lực của nhân dân. Hệ thống tổ chức MTTQ và các đoàn thể nhân dân không chỉ tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền giám sát nhà nước, các quyền lực xã hội mà còn thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ cho các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
“Rõ ràng những tư tưởng của Mác về nền dân chủ chân chính, tiến bộ vẫn còn nguyên giá trị. Và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay không chỉ thể hiện sinh động những tư tưởng của Mác về một nền dân chủ mới, trong đó, nhân dân là chủ nhân của xã hội, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân mà còn được phát triển sáng tạo, làm cho phong phú hơn, toàn diện hơn trong điều kiện cụ thể ở nước ta” - GS Tạ Ngọc Tấn nói.
Tư tưởng Các Mác còn nguyên giá trị
Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng tư tưởng tiến bộ của Các Mác có ý nghĩa vô cùng to lớn trong thời đại ngày nay. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chính sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng đã làm cho tư tưởng của Mác đem lại cho nhân dân tiến bộ một thế giới quan và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới và của giai cấp công nhân. Nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác, các nước XHCN hiện nay đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, qua đó khẳng định sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác.
Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng: Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học, cách mạng duy nhất đáp ứng nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại. Đó là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, mọi sự tha hóa.
“Có ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn phụ thuộc vào giai cấp công nhân mà thuộc về một số tầng lớp, giai cấp khác, thậm chí phụ thuộc vào người máy, liệu điều đó có đúng?”- ông Nguyễn Xuân Thắng đặt câu hỏi.
Theo ông Thắng, nhờ lý luận của Mác, chúng ta thấy rõ, dù nền sản xuất hiện đại, được tự động hóa nhưng xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội và là người được hưởng thụ xứng đáng các thành quả phát triển.
“Công nghiệp 4.0 hay xã hội siêu thông minh 5.0 thì những mô hình này cũng là để mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, địa lý, ngôn ngữ… đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững, không để một ai bị tụt lại phía sau cũng chính là luận điểm căn bản mà Mác đã tiên lượng trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản cách đây 170 năm, phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của CNXH” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.