Để giúp người dân hiểu rõ hơn về sốt xuất huyết (SXH), PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng BSCKII Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó Viện trưởng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về căn bệnh SXH?
BSCKII NGUYỄN HỒNG HÀ: Thông thường, cao điểm của SXH ở nước ta là từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm và hiện nay cũng vậy, vì virus vẫn lưu hành nhờ muỗi. Bên cạnh đó, mặc dù thấp nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định các trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Trong khi đó, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và việc diệt muỗi cũng không hề đơn giản. Một đặc điểm khác là SXH còn dễ bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh khác nên việc phát hiện và điều trị cũng không đơn giản.
Dấu hiệu để nhận biết của bệnh SXH là gì, thưa ông?
- Biểu hiện chủ yếu là sốt đột ngột và sốt rất cao và liên tục, kèm theo triệu chứng đau mỏi người và không có biểu hiện đường hô hấp. 3 ngày đầu bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng biến chứng sẽ biểu hiện rõ từ ngày thứ 4 trở đi.
Tất nhiên không phải tất cả bệnh nhân nào cũng có biến chứng, 1 số người có và một số người không. Vì thế nên phải theo dõi, dựa theo huyết áp, rồi xét nghiệm máu, nước tiểu,.. Hiện nay chúng ta có thể dự đoán được bệnh nhân có hay không biến chứng nhờ xét nghiệm tổng phân tích vòm máu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp mắc SXH thể nặng, đối với những bệnh nhân này cần được đưa vào các cơ sở y tế để truyền dịch và theo dõi, uống nước thông thường không hữu hiệu đối với trường hợp này
Vậy nguy cơ gì khiến SXH có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh?
- Nếu bệnh nhân SXH được phát hiện sớm, khi người bệnh bắt đầu tăng tốc tim mạch và bù dịch phù hợp thì sẽ giữ huyết áp tốt, từ đó sẽ không có nguy cơ gì đối với tính mạng người bệnh. Ngược lại, nếu phát hiện muộn khi mà bệnh nhân sốc nặng thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là tốc độ truyền dịch phải nhanh và khi truyền phải được đánh giá cho kỹ. Thứ 2 là phải có các dịch trọng lượng phân tử cao, tức là cao phân tử đó, để mình bù vào mới giữ được thể tích trong mạch, mới giữ được huyết áp.
Bệnh nhân tử vong do SXH thường là do sốc khi bị mất thể tích tuần hoàn, còn do xuất huyết thì không nhiều. Trong khi đó, người dân không thể phán đoán được rõ các dấu hiệu cảnh báo. Chỉ khi các bác sĩ chuyên thông qua các xét nghiệm đánh giá mới đúng và qua đó xử lý đúng theo các cơ chế bệnh sinh mới tốt được.
Tỷ lệ bệnh nhân nặng không nhiều, chỉ khoảng 10-15%. Đại đa số bệnh nhân cũng có thể tự khỏi được, tuy nhiên chúng ta không biết được bệnh nhân nào là diễn biến nhẹ, bệnh nhân nào nặng. Có khi người bệnh ốm yếu bị lại không sao, còn người khỏe mạnh lại bị chuyển biến nặng. Tất cả phải qua đánh giá, tư vấn tại các cơ sở y tế. Do vậy, người mắc SXH cần tới bệnh viện để thăm khám và làm các xét nghiệm có liên quan ở thời điểm 3-4 ngày sau khi mắc bệnh, vì thời điểm này dễ xảy ra các biến chứng. Sau 7-10 ngày mới có thể yên tâm là người bệnh bình thường.
Biểu hiện của bệnh SXH có đặc điểm gì giống với Covid-19?
- Người bệnh mắc SXH hay Covid-19 đều có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu. Tuy nhiên, người mắc SXH sẽ sốt rất cao ngay từ đầu và liên tục. Còn đối với Covid-19, ở thời điểm hầu hết người dân đã tiêm vaccine như hiện nay thì ít trường hợp sốt rất cao.
Cách phòng tránh bệnh như thế nào, thưa ông?
- Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô (Sinh vật giáp xác nhỏ ăn bọ gậy) vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa...
Phòng, chống muỗi đốt bằng cách như mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Trân trọng cảm ơn ông!