Một câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở thị trấn Tân Uyên (Lai Châu) do ngộ độc thức ăn. Trước đó, tối 4-7, 16 người dân tái định cư dân tộc Dao ở thị trấn đã mổ một con lợn ốm chế biến các món và cùng ăn. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, một người có nhiều biểu hiện bất thường và được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) cấp cứu, nhưng đã tử vong. Sau đó, một người nữa là ông Chảo Văn Sú, 49 tuổi, ở bản Tân Hợp, thị trấn Tân Uyên tiếp tục có cùng biểu hiện, được đưa đến Bệnh viện
Ông Sú nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, có các đám ban, đám xuất huyết dưới da. Theo bà Ngô Thị Thanh, Phó Trưởng Khoa Nhi-hồi sức, Bệnh viện Đa khoa huyện Than Uyên, bệnh nhân được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc nghi do liên cầu lợn.
Ông Chu Văn Ban, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu, cho biết hiện tại chưa có đủ cơ sở để xác định các nạn nhân có nhiễm khuẩn liên cầu lợn hay không. Đoàn công tác đang tạm kết luận là nghi ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên cầu lợn...
Thời gian qua, đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thói quen ăn tiết canh, thịt lợn tái, chết ở một số người dân làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh liên cầu lợn, thậm chí có thể gây tử vong. Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Người bệnh thường diễn biến rất nhanh dẫn đến nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nguy cơ tử vong rất cao.
Bởi vậy, để phòng bệnh viêm cầu lợn, ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc. Khi sử dụng cần phải đun chín kỹ và tuyệt đối không ăn tiết canh. Khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Nếu thấy thịt lợn có dấu hiệu lạ như xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không sử dụng để tránh những trường hợp ngộ độc xảy ra như trên.