Xác định vai trò, vị trí quan trọng của tổ hòa giải tại cộng đồng dân cư, các tổ hòa giải cơ sở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) được kiện toàn và mở rộng ra tất cả các khu phố, bản. Nhờ hoạt động tích cực của các hòa giải viên nên nhiều mâu thuẫn trên địa bàn được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tình trạng các đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Ông Bùi Anh Hùng-Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo cho biết, đến nay 237 bản, khu phố trên địa bàn huyện đều có tổ hòa giải ở cơ sở với 1.134 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là Trưởng khối, bản hoặc Bí thư chi bộ, Hội trưởng các chi hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… 10 tháng của năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận, xử lý 83 vụ; trong đó, 51 vụ hòa giải thành công, 24 vụ hòa giải không thành, 7 vụ đang giải quyết. Ðể nâng cao chất lượng cho hòa giải viên cơ sở, Phòng Tư pháp huyện đã tập huấn, nâng cao nhận thức về pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên xã Chiềng Sinh, Quài Tở; sắp tới sẽ phối hợp với UBND các xã còn lại tiến hành tập huấn. Kinh phí cho các tổ hòa giải được UBND huyện cấp về các xã, thị trấn thực hiện với mức 100 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ 150 nghìn đồng/vụ hòa giải không thành, 200 nghìn đồng/vụ hòa giải thành công.
Nhìn chung, hòa giải cơ sở ở huyện Tuần Giáo là một trong các cơ chế giải quyết xung đột xã hội ít tốn kém, mang lại hiệu quả tích cực khi khơi dậy được các mối quan hệ tốt ở địa phương. Từ đó giảm thiểu vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Trong công tác này, bản Dửn (xã Chiềng Sinh) được coi như một điển hình. Trước đây, trong bản thường xảy ra tranh chấp nhỏ. Nguyên nhân là cứ mỗi mùa mưa tới, dòng Nậm Húa trước bản lại “bên lở, bên bồi” làm ảnh hưởng đến ranh giới đất sản xuất của nông dân, khiến cho việc phân định mốc giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi vai trò của tổ hòa giải được phát huy thì những mâu thuẫn, xích mích hầu như không còn, vì bà con đã nhận ra nguyên nhân của sự việc để cùng nhau tìm cách khắc phục. Từ đó bớt đi những “lời qua tiếng lại”, đoàn kết trong dân được nâng lên.
Theo ông Lò Văn Thân- Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Dửn, khi mâu thuẫn xảy ra mà người dân chưa tìm được cách giải quyết thỏa đáng, họ tìm tới chính quyền cơ sở, thông báo tới tổ hòa giải. Trước hết, các thành viên trong tổ xác định vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào ngoài tầm tay cần phải đưa ra giải quyết ở chính quyền, pháp luật. Tổ hòa giải thường có từ 3 - 6 người và nhất thiết phải có cán bộ Chi hội Phụ nữ. Hòa giải viên phải có thái độ khách quan vô tư khi nhìn nhận sự việc; đồng thời vận dụng khéo léo uy tín, mối quan hệ tình cảm hàng xóm láng giềng để khuyên nhủ, hóa giải tranh chấp, mâu thuẫn. Từ đầu năm đến nay, tổ hòa giải bản Dửn đã giải quyết thành công 7 vụ tranh chấp, 1 vụ đang tiếp tục hòa giải.
Tương tự, ở bản Hiệu 1, cũng thuộc xã Chiềng Sinh, các mâu thuẫn trong nhân dân đều được giải quyết thuận tình, thấu đáo, trong đó có vai trò tích cực của tổ hòa giải. Ông Quàng Văn Yêu-Tổ trưởng tổ hòa giải bản Hiệu 1 cho biết, hàng năm các hòa giải viên đều được tập huấn các nội dung về kỹ năng hòa giải cơ sở, quan hệ với các bên tranh chấp, một số hành vi không được thực hiện khi hòa giải…
Với những kiến thức đó, các hòa giải viên có thể tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân phát sinh vụ việc để tìm ra hướng giải quyết trọn tình, vẹn lý cho cả hai bên. Từ đầu năm đến nay, tổ giúp cho 2 trường hợp thuận tình ly hôn trong êm đẹp, không để xảy ra tranh chấp kéo dài về phân chia tài sản.