Đền Bà Mariamman tại 45 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh là một di tích tín ngưỡng dân gian. Tuần lễ vía Bà Mariamman năm nay diễn ra từ ngày 13/10 đến ngày 22/10. Đây là tuần lễ viếng các nữ thần Kaliaman, Saravasti, Lakshmi và Mariamman theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo…
Kali hay Kaliamman là một hình thức của Parvati (đều là hóa thân của thần Mariamman), như nữ thần của thời gian và sự thay đổi, có nguồn gốc thần thoại Ấn Đô giáo. Kaliamman là một nữ thần mạnh mẽ là người thần có trách nhiệm đối với sự thịnh vượng của đất nước Ấn Độ cổ đại. Là vị thần Hindu bảo vệ mùa màng, Kali cũng đồng thời là vị thần bóng tối đầy quyền lực và là vợ của Shiva- thần hủy diệt. Thần này được tôn thờ ở nhiều đền chùa trong và ngoài nước Ấn Độ thời cổ xưa cho tới hiện nay. Thần được sùng bái như là Thần may mắn và hạnh phúc.
Sarasvati là nữ thần của nghệ thuật. Nguyên xưa kia, Saravasti là dòng sông thánh chảy từ núi tuyết (Hymalaya) đến vùng ngày nay gọi là Patiala để chảy vào Ấn Độ Dương tạo nên đồng bằng có dân cư đông đúc, nhiều nhà thơ tới đây đọc thơ và viết nên Saravasti tao nhã trở thành nữ thần của văn học, thơ ca và âm nhạc.
Lakshmi là nữ thần của may mắn và cây cối, thực vật. Bà là con gái của thần Brajapati và là vợ của thần Vishnu – một trong Tam thần đồng vị chủ (Ba thần chung một ngôi – Trimurtri) của Hinduism - Ấn Độ giáo là Brahma (thần Sáng tạo), Vishnu (thần Bảo tồn và Shiva (thần vừa sáng tạo vừa hủy diệt). Lakshmi mang lại con trẻ và mùa màng bội thu, còn là vị thần được trông coi vựa lúa, kho thóc.
Mariamman là nữ thần của y học, an sinh xã hội, mùa màng, hôn nhân và gia đình. Tín đồ thường cầu nguyện để Mariamman cho phúc lợi gia đình chẳng hạn như khả năng sinh sản, con cháu khỏe mạnh hoặc người phối ngẫu tốt. Việc cung cấp được ưa chuộng nhất là "pongal", một hỗn hợp của gạo nếp và đậu xanh, nấu chín (xôi).
Trong ngày lễ trọng thứ sáu hàng tuần và mồng một, rằm âm lịch, xôi là vật phẩm cúng chính và sau đó làm “lộc” đem phân phát cho mọi người. Một số lễ hội tôn vinh nữ thần Mari liên quan đến các cuộc rước kiệu mang đèn. Đây là nghi thức truyền thống được các ngôi đền chùa thờ Bà thực hiện trong ngày lễ vía hàng năm.
Trước giờ làm lễ hiến tế, kiệu Bà được khiêng rước long trọng vòng quanh đền có giáo sĩ (thầy cúng) dẫn đầu. Nhựng tượng nữ thần được đặt trên kiệu không phải là Bà mà là Parvati (vợ của Siva) vì Bà chỉ là người được hóa thân. Năm nay, đền Mariamman cho khôi phục lại nghi thức rước kiệu nhưng chỉ rước ảnh của Bà mang tính tượng trưng.
Mariamman là một nữ thần dân gian Tamil, có nguồn gốc từ pre-Vệ Đà Ấn Độ, niên đại 1.500 năm trước Tây lịch. Bà là chính nữ thần mẹ, chủ yếu ở khu vực nông thôn của Tamil Nadu miền Nam Ấn Độ. Mari có mối liên hệ với các nữ thần Parvati và Durga cũng như với các đối tác Bắc Ấn Độ. Nữ thần Mariamman và nữ thần Kali được liên kết chặt chẽ với nhau. Ngôi đền thờ Bà ở số 45 Trương Định phường Bến Thành Q.1 TP HCM, có Điện chính thờ tượng bà Mariamman và bên cạnh là tượng bà Parvati vợ của thần Siva theo thần thoại Ấn Độ, Parvati là thần được Mariamman hóa thân.
Trước cửa điện chính bên trong có hai tượng thần Ganesa và Muruga, là hai con của Bà. Hai bên điện chính là điện phụ thờ hai vị thần bảo vệ, gọi là Cô và Cậu. Trong vuông rào trước điện có đặt hai bộ linga - yoni (biểu tượng âm - dương) tượng trưng cho sức mạnh của Siva. Mà Linga chính là Siva. Bên trái cạnh cửa ra vào đền có tượng Sư tử, vật cưỡi của Bà Mariamman có sức mạnh linh thiêng.
Trên tường nhà hậu nằm quanh khu điện thờ có trang trí 18 tượng thần đều là hóa thân của ba thần chủ Brahma, Siva và Vishnu, trong số đó có nữ thần Kaliaman, Saravasti, Lakshmi…
Trên cửa chính của đền có tháp nhiều tầng giật cấp cao 12 mét gọi là Raja-Gopura, tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ Meru, nơi sinh tụ của các vị thần và một số vật thần có liên quan trong thần thoại Ấn Độ.
Vị chủ trì sau cùng của ngôi đền thờ Bà ở số 45 Trương Định phường Bến Thành Q.1 TP HCM thời kỳ sau ngày miền Nam được giải phóng là người Ấn Độ, sống lâu năm ở Nam Bộ. Ông tên Raman Lakshmanan, sinh năm 1928, có vợ con ở Ấn Độ, được UBND Q.1 cấp phép quản lý đền từ năm 1997 và qua đời tháng Giêng năm 2002. Thi thể ông được hỏa táng theo nghi thức Phật giáo Nam tông và gửi vào tháp ở một chùa Khmer thuộc tỉnh Trà Vinh.
Cuối năm 2009, UBND quận 1 cử Ban Quản trị mới gồm 5 thành viên có Trưởng ban và một Phó ban phụ trách cúng lễ hàng ngày là nhân sự cũ của đền và đội ngũ lao động đều có gốc dân tộc Khmer. Lúc đó, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng với nền gạch cũ bị xước mẻ, khu nhà hậu dột nát, ẩm thấp không bảo đảm vệ sinh môi trường và sân thượng nứt nẻ thấm nước có nguy cơ sụp đổ làm hư hỏng toàn bộ công trình kiền trúc mỹ thuật đậm nét văn hóa đền đài cổ Ấn Độ, kể cả chiếc chuông đồng cổ cũng bị nứt rè.
Trong hơn 6 năm qua, Ban Quản trị đã ra công thực hiện hàng loạt công trình sửa chữa duy tu bảo dưỡng và tôn tạo toàn bộ ngôi đền. Tới nay, ngôi đền có diện mạo khang trang nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ phù hợp với vẻ mỹ quan đô thị thu hút nhiều khách thập phương trong và ngoài nước tới tham quan.
Đền Bà Mariamman là một di tích tín ngưỡng dân gian có kiến trúc cổ Ấn Độ giáo được bảo tồn lâu dài và trở thành tụ điểm văn hóa trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh, tạo dựng tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.