Tục thờ rái cá có nguồn gốc từ Hoa Lư (Ninh Bình), rồi được mang vào miền Trung và Nam Bộ. Có rất ít miếu hoặc đình có bàn thờ hoặc tượng thờ rái cá, nhưng nó có mặt trong các bản văn tế ở hầu khắp Nam Bộ, nhất là ở những khu vực dân cư có nguồn gốc từ miền Trung. Trong các truyền thuyết, rái cá được gắn với cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ánh ở vùng đất phương Nam này.
Bàn thờ Lang Lại (Vũng Tàu).
Rái cá còn có một số tên gọi khác như sói sông (river wolf) và chó nước (water dog). Rái cá thuộc họ Chồn (Mustelidae), bộ Thú ăn thịt (Carnivora), có thân hình dài, mềm, mõm ngắn, đầu hơi dẹp bề ngang, chân có màng. Bộ lông màu xám đến nâu hung đốm hoa râm, lông đệm dày không thấm nước.
Ở các vùng thủy triều rái cá hoạt động theo con nước, lúc nước lên, có thể hoạt động cả ban ngày nếu không bị uy hiếp. Rái cá sống theo gia đình, mỗi đàn 3-5 con, nhưng khi kiếm ăn có thể tập trung thành đàn trên dưới 10-12 con. Do có cấu tạo cơ thể đặc biệt nên rái cá bơi lặn rất giỏi. Lặn như rái là thành ngữ để chỉ ưu thế của loài này. Ở Nam Bộ ngày nay vẫn còn bắt gặp rái cá ở một số vùng như Cần Giờ (TPHCM), Cần Giuộc (Long An), Cù Lao Dung (Sóc Trăng)… Ở khu vực rạch Găng (ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) vẫn còn nhiều rái cá, do nơi đây vẫn còn hoang vu, nhiều bụi lùm, dừa nước mọc hoang nhiều. Chúng vẫn lén vào ao bắt cá của người dân. Trong một năm có một ngày rái cá bắt cua lên để ở các gò đất, rồi tiểu lên đó, chứ không ăn. Người dân địa phương gọi đó là ngày giỗ của họ Rái. Người xưa giải thích, đó là lễ Lại tế ngư, rái cá dùng cá để tế tổ tiên. Theo bản năng, hàng năm vào một ngày nhất định, rái cá tụ họp lại, đặt cá lên chỗ cao ráo “đùa giỡn” cho cá chết chứ không ăn.
Tín ngưỡng thờ rái cá có nguồn gốc từ Ninh Bình, quê hương của nhà Đinh, sau được đem vào Trung Bộ và Nam Bộ. Sự tích ở cửa Cờn (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể lại, khi xác của Tống thái hậu và các hoàng phi tấp trôi vào đây thì có 2 con rái cá canh giữ xác, nên sau này được tùng tự (thờ cặp theo) với Đại Càn Tứ vị Thánh Nương, được xem là hai vị tướng quân sát hải vùng Đông Nam. Ở Huế, thần Rái Cá “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Lang Thát Nhị Đại Tướng Quân” có mặt trong hệ thống thủy thần của làng xã bên cạnh: Long Cung Quảng Vận Đại Vương, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần, Nam Hải Long Vương, Hà Bá thủy quan, Ngọc tuyền, Kim tỉnh chi thần, Thủy Tinh Long Nữ chân tiên, Tô Đại liêu tôn thần (Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế). Xã Phú Hòa xưa (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng nay) có sắc phong cho Đông Nam Sát Hải Lang Thát nhị Đại Tướng Quân, cấp ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
Ngày xưa trên sông Đồng Nai và khúc sông đi ngang qua Cù lao Phố (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) có nhiều rái cá. Con sông Rạch Cát dài hơn 6km nổi tiếng có nhiều cá. Ở miễu Vạn (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có thờ rái cá. Các bô lão cù lao Rùa hay nhắc đến chuyện rái cá thường di chuyển từ dưới lên vùng trên nhiều đoạn. Thôn Hòa Quới ở Cù lao Phố vẫn còn giữ tục lệ cúng rái cá (Lang Lại) trong văn tế với mỹ hiệu “Đông Nam sát hải Lang Lại Đại Tướng quân chi thần” (Huỳnh Ngọc Trảng, Cù lao Phố - lịch sử và văn hóa). Trước đây ở khu vực Bến Cá (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có rất nhiều rái cá. Năm 1980, ở cù lao Vịt, người ta còn bắt được một con rái cá nặng 10kg, có lẽ là con cuối cùng trong vùng.
Đình Phú Nhuận ngoài đối tượng thờ chính còn phối tự các vị thần sông nước: Đông Nam Sát hải Lang Lại nhị đại tướng quân (rái cá), Chúa Xứ nguyên nhung, và 2 vị thần bảo hộ dân chài là Nhị vị công tử (cậu Chài, cậu Quý), thần Nông, Ngũ Hành, Bạch Mã Thái Giám… Đình Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) có bàn thờ Lang Lại. Trên cù lao Long Sơn (Vũng Tàu) cũng lưu hành truyền thuyết về rái cá do nằm gần vịnh Gành Rái.
Rái cá đình Bình Hưng.
Đình Bình Hưng trên cù lao Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) là nơi duy nhất ở Nam Bộ có tượng thờ rái cá. Đó là pho tượng gỗ, tạc 2 con rái cá rất sinh động, với kích thước khá lớn, đặt trước bàn hữu ban và tả ban.
Trong các văn tế cúng đình ở Nam Bộ đều có nhắc đến vị thần Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân như ở đình Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), đình Gia Bình (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), đình Nam Chơn (quận 1, TPHCM)…
Ở lăng Ông Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) trước nay đều cho rằng có sắc phong cho cá Ông, nay đã bị thất lạc, nhưng thực ra đó là sắc phong cho Lang Lại Nhị đại tướng quân chi thần (rái cá) với sắc phong ngày 29/11/1852 (Tự Đức thứ V). Ngoài bàn thờ ông Nam Hải còn có các bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Tiền hiền, Ngũ Hành, Lang Lại Đại tướng quân (rái cá), Bạch Mã tôn thần (ngựa trắng). Truyền thuyết địa phương cho rằng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt chạy đến vùng đất này, thì xuất hiện bầy rái cá ra xóa dấu chân quân của chúa, để tránh bị truy sát, nên về sau khi lên ngôi, các vua triều Nguyễn đã sắc phong cho rái cá. Đây là lớp truyền thuyết muộn nhằm củng cố chân mạng đế vương của Nguyễn Ánh.
Trong bản văn tế bằng chữ Hán tại lăng Ông ở thị trấn Cần Thạnh (Thạch Phước lạch, huyện Cần Giờ) có nhắc đến danh hiệu của rái cá là “Đông Nam Sát Hải Lang Lại Đại Tướng Quân”.
Một số miếu ở Nam Bộ cũng thờ “Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân” như miếu thờ “Đại Càn Nam Hải” phối tự với “Sát Hải Nhị Đại Tướng Quân” (đình Hậu Mỹ, huyện Bình Chánh). Ở vùng Bình Chánh Hạ xưa làm nghề đánh bắt cá nên tất cả các ngôi miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương đều tùng tự “Tả Lang Lại – Hữu Lang Lại”, tức “Sát Hải Nhị Đại Tướng Quân” (Võ Thanh Bằng, Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh).
Truyện kể dân gian Nam Bộ còn ghi lại những câu chuyện về Nguyễn Ánh liên quan đến rái cá như: “Lúc Nguyễn Ánh chạy trốn vào đất miền Nam phải cùng đoàn tùy tùng vượt biển vào đây” (Gành Rái với bầy rái thần và chuyện vua Gia Long), “hai con rái cá lội qua rạch đón trước mũi thuyền như muốn cản đường” (Cá sấu và rái cá cứu chúa tôi Nguyễn Ánh). Đó là ảnh hưởng từ truyện kể Tục hát Châu phê ở hai thôn Dương Thiệu và Vinh Quang ở miền Trung, mô tả cuộc truy đuổi của quân Tây Sơn với Nguyễn Ánh qua cửa Thị Nại (Qui Nhơn, Bình Định). Chúa Nguyễn Ánh ngửa mặt lên khấn trời thì “có một con rái cá xuất hiện vừa bơi vừa khịt khịt trước mũi thuyền”, để giúp đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh đến ngôi làng ẩn náu (Lê Thị Diệu Hà, Về nhóm truyện “vật linh, điềm lạ” trong truyện dân gian về chúa Nguyễn ở vùng Nam Bộ).
Ở hòn Sơn Rái (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) có câu chuyện kể về chúa Nguyễn Ánh khi lần đầu đến đây (1780), quân lính không còn gì để ăn. Trong đêm chúa nằm mộng thấy một vị thần hiện ra chỉ đường đi tìm lương thực. Sau khi tỉnh giấc, chúa được nhiều con rái cá bắt cá dâng lên và dẫn đường đi lấy nước ngọt, rau củ. Sau đó chúng lại xóa các dấu chân đi trên cát của quân chúa Nguyễn để bảo vệ. Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long đặt tên hòn này là hòn Sơn Rái để tưởng nhớ công ơn của loài rái cá, phong cho là Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân.
Bàu Rái là địa danh ở Thủ Đức (TPHCM), để chỉ vùng đất có rái cá. Sách Gia Định thành thông chí gọi núi Gành Rái (Vũng Tàu) là “Thát Ky sơn” là do ở đầu gành, rái cá thường xuất hiện. Ở đây còn có vịnh Gành Rái, cửa ngõ vào cảng Sài Gòn.
Tục thờ rái cá ở Nam Bộ cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền qua dạng thức tín ngưỡng thờ thủy thần của những cư dân làm nghề sông nước và nó được biểu hiện khá sinh động trong đời sống dân gian nơi đây.