Ngày 29/1, tại Công viên văn hóa Đống Đa, Quận ủy, HĐND, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Quang Vinh.
Trước giờ khai hội, các đại biểu trung ương, thành phố Hà Nội đã dâng hương, dâng hoa và nghe đọc Chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tôn vinh chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.
Từ sáng sớm, các đoàn tham gia chương trình Lễ kỷ niệm đã thực hiện nghi thức tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Sau phần lễ là phần hội với các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, sống động do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn, múa tứ linh, múa quạt, múa sênh tiền, thi đấu cờ tướng - cờ người, các trò chơi dân gian… Trưởng phòng Văn hoá -Thể thao quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết, năm nay, BTC lễ hội đã tăng cường tuyên truyền văn minh lễ hội tới đông đảo người dân bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền trực tiếp đến phát thanh qua loa, nhờ vậy, lễ hội năm nay đông vui mà vẫn an toàn, trật tự. Bên cạnh đó, UBND quận Đống Đa đã tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan... Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona khiến nhiều người dân lo lắng, Ban Tổ chức cũng hướng dẫn người dân dự Lễ hội có biện pháp để bảo vệ như đeo khẩu trang ở nơi đông người, yên tâm dự hội…
Ngược dòng lịch sử, tháng 10/1788, Lê Chiêu Thống cầu viện Triều đình Mãn Thanh phát binh đánh nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội này, Triều đình Mãn Thanh đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm chỉ huy với 29 vạn quân, chia thành 3 hướng tiến vào nước ta. Trước thế giặc mạnh, hung hãn, Đại Tư mã Ngô Văn Sở theo kế sách của danh sĩ Ngô Thì Nhậm đã rút thủy quân về Biện Sơn, rút lục quân về phòng thủ phòng tuyến Tam Điệp và đồng thời thần tốc báo tin cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Trước tình hình cấp bách thù trong, giặc ngoài, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25/11 năm Mậu Thân), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung và ra lệnh tiến quân ra Bắc. Ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung khao quân ăn Tết sớm, Ngài hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu.
Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo, đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đánh vào mặt chính Nam đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cuộc đại phá quân Thanh. Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo... lần lượt bị hạ. Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 28/1/1789), quân Tây Sơn đã bí mật bao vây tiến đánh đồn Hạ Hồi và bắt sống hàng vạn quân Thanh. Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 30/1/1789), quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã bất ngờ tấn công đồn Ngọc Hồi với thế xung trận mạnh như triều dâng, bão cuốn, đã phá huỷ các chiến luỹ và toàn bộ trận địa phòng thủ phía Nam đồn Ngọc Hồi. Tại hướng Tây, Đạo quân do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đồng thời mở cuộc tiến công bất ngờ vào đồn Khương Thượng. Trước thế cùng, lực kiệt, Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử tại Loa Sơn, Khương Thượng. Tiếp tục thế tiến công, quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng thọc sâu giải phóng kinh thành Thăng Long.
Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung với áo bào xạm đen khói súng đã ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân tiến vào Kinh thành Thăng Long, giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc; là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Nhìn nhận về giá trị lịch sử của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, TS Nguyễn Xuân Năng- Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định, Gò Đống Đa không chỉ là biểu tượng chiến thắng, mà còn chứng tỏ tài nghệ quân sự của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Điều này thể hiện ở việc nắm bắt và đánh giá đúng đối phương, chọn mục tiêu chính xác đánh trúng vào chỗ yếu chí tử của địch, đột biến về chiến dịch. Cùng với đó là việc tổ chức, sử dụng dụng lực lượng hợp lý, phối hợp các hướng các mũi chặt chẽ, hiệu quả. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong chiến thắng nói chung đó, trận Đống Đa ghi nhận dấu ấn sâu đậm và Gò Đống Đa mã mãi là biểu tượng của chiến thắng, biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và thủ đô Hà Nội nói riêng.