Thời điểm này cũng là lúc nhiều địa phương trong cả nước chính thức khai hội xuân. Nhiều năm qua, mặt trái của lễ hội đã khiến xã hội băn khoăn. Nhưng năm nay, sau những chấn chỉnh quyết liệt từ các cấp, bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Du khách tham gia lễ khai hội chùa Hương.
Biển người đổ về chùa Hương
Ngày 10/2, tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, lễ hội chùa Hương đã chính thức khai hội tại sân chùa Thiên Trù, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ngay từ rạng sáng các tuyến đường dẫn vào khu di tích nườm nượp dòng xe cộ. Đặc biệt, trước đó lo ngại ngày khai hội chùa Hương tắc đường, nhiều người vượt gần trăm cây số, thức trắng đêm leo núi lễ bái, vãn cảnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, càng đến gần giờ khai hội lượng khách càng đông hơn. Trên dòng suối Yến với 4.500 đò hoạt động hết công suất. Tại đây, hầu hết du khách đều phải thương lượng với người lái đò hoặc nhà đò để thống nhất giá cả. Trong đó, giá vé khứ hồi tuyến Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Hương Tích là 130.000 đồng/người, vé vào cửa thắng cảnh là 80.000 đồng; 50.000 đồng là vé đò thuyền.
Không chỉ tại suối Yến, tại tuyến đường đi bộ từ nhà ga cáp treo đến tới động Hương Tích vì diện tích nhỏ hẹp đã dẫn tới tình trạng ùn tắc cục bộ, dòng người nhích từng bước một. Thậm chí, nhiều du khách phải xếp hàng gần 3 tiếng mà chưa vào tới cửa động...
Tuy vậy, cũng ghi nhận những chuyển biến trong công tác tổ chức tại chùa Hương. Các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt tươi sống để quảng cáo, gây phản cảm.
Trước đó, 100% hộ kinh doanh được tập huấn, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên tuyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của BTC lễ hội chùa Hương năm 2019, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hoạt- Phó Trưởng BTC lễ hội cho biết, trong ngày mùng 5 Tết có khoảng hơn 4 vạn khách thập phương đổ về chùa Hương đi lễ. Mùng 6 - đúng vào ngày khai hội, lượng khách đổ về đây trên dưới 5 vạn người.
Không còn cướp hoa tre
Cùng ngày, lễ hội Gióng đã chính thức được khai mạc tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đúng 7 giờ sáng, lễ vật được các thôn, làng trên địa bàn huyện di chuyển vào khuôn viên đền Sóc. Vẫn như mọi năm, lễ hội Gióng năm 2019 đón nhận 8 lễ vật được các địa phương cung tiến. Lần lượt là giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng chen lấn, xô đẩy tranh cướp sau lễ cung tiến, “giò hoa tre” và “trầu cau” được di chuyển vào hậu cung, sau đó được chuyển với số lượng vừa đủ xuống đền Hạ, đền Mẫu để thờ cúng. Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ, tình nguyện viên cũng đã được huy động để bảo vệ lễ vật trong quá trình rước. Nhờ đó, tình trạng lộn xộn khi phát lộc giò hoa tre đã không xảy ra tại mùa lễ hội năm nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh- Trưởng BTC lễ hội Gióng năm 2019, điều này bảo đảm không làm mất đi những nghi lễ truyền thống của lễ hội, thay vào đó, còn góp phần tạo nên hình ảnh văn minh, yên bình cho lễ hội được chờ đợi bậc nhất trong năm của Hà Nội. Bên cạnh lễ hội chính, BTC đã tăng cường các trò chơi dân gian, giải thi đấu thể thao như bóng chuyền, cờ tướng, giải vật. Đặc biệt hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã và tuyệt đối không đổi tiền lẻ, không có các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình.
Lễ hội Đồng Kỵ (ngày 6 tháng Giêng Kỷ Hợi 2019). Ảnh: Quang Vinh.
Lễ hội an toàn
Cũng trong sáng ngày 10/2, đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình)… cũng chính thức khai hội trong không khí vui tươi, phấn khởi. Trong đó, lễ hội kỷ niệm 1979 năm Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (40 - 2019) đã diễn ra các nghi lễ truyền thống như dâng hương, rước kiệu và tế lễ cũng như các hoạt động diễn xướng dân gian, mô tả chiến tích oai hùng năm xưa. Lễ hội đền Cổ Loa tái hiện những nghi thức dân gian với màn rước kiệu Bát xã Loa Thành... Đặc biệt, với lễ hội Ném Thượng sau nhiều năm tuyên truyền đã không tái diễn hình ảnh “chém lợn”.
Trước đó, từ chiều mùng 5, 2 “ông ỉn”, mỗi ông nặng khoảng 1,5 tạ sẽ được tắm sạch sẽ và bôi thêm son đỏ khắp người, ngự ở sân đình. Đúng 8h sáng mùng 6, đoàn tế rước di chuyển 2 “ông ỉn” đi xung quanh làng để người dân được nhìn ngắm “ông ỉn” và lấy may trong năm mới. Đến 11h trưa, 2 “ông ỉn” đã được đưa quay trở lại đình Ném Thượng để chuẩn bị cho việc thực hiện nghi lễ. Sau khi có hiệu lệnh của BTC, 2 chiếc xe rước “ông ỉn” di chuyển vào khu vực làm cỗ ngọc tế thánh...
Có thể thấy, từ những ghi nhận thực tế từ các lễ hội năm nay bằng việc lên kế hoạch tổ chức tốt các nghi lễ, các địa phương đã đặc biệt lưu ý tới việc phân luồng giao thông, tổ chức bãi gửi xe, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… phục vụ du khách. Các hoạt động bán ấn tín và các ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, ăn xin, cờ bạc trá hình, chèo kéo, ép giá, ăn mặc phản cảm, hầu đồng không đúng quy định… bị nghiêm cấm.
Hàng nghìn du khách đổ về Am Tiên Nguyễn Chung |