Từng bước loại bỏ “sát thủ vô hình”

Anh Vũ 26/06/2015 14:05

Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu quản lý và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tổng kết dự án quản lý PCB tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án quản lý PCB tại Việt Nam tổ chức ngày 25-6 tại Hà Nội.

Lấy mẫu dầu có chứa PCB

PCB là từ viết tắt của Polychlorinated Biphenyls, là một trong 12 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy (POP) đầu tiên, được đưa vào danh sách các chất hữu cơ khó phân hủy của Công ước Stockholm. Nhiều nhà khoa học còn gọi PCB là “sát thủ vô hình”, vì PCB có tính độc hại cao và tồn tại bền vững trong môi trường và khả năng phát tán rộng, tích lũy sinh học trong cơ thể sinh vật, động vật, gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm cho con người, đặc biệt là bệnh ung thư.

Theo TS. Phạm Mạnh Hoài - Quản đốc Dự án quản lý PCB tại Việt Nam, mặc dù không sản xuất PCB nhưng Việt Nam đã nhập khẩu 27-30 nghìn tấn dầu có chứa PCB trong giai đoạn từ năm 1960 - 1990. Điều đáng quan ngại là trong đó chỉ 2.000 tấn dầu được phát hiện có chứa PCB từ theo kết quả kiểm kê của năm 2006 và đã được nhận diện, cách ly. Số còn lại vẫn đang được sử dụng trong các thiết bị điện dân dụng, tại các cơ sở lưu giữ, tái chế hoặc đang được phát thải ra môi trường.

Để xác định, quản lý và tiêu huỷ an toàn thiết bị, dầu và chất thải chứa PCB đang sử dụng hoặc đã thải hồi việc kiểm kê hiện trạng PCB đã được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh thành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp khác ngoài ngành. Kết quả kiểm kê PCB đầu tiên trong nhóm đối tượng ngoài EVN trên quy mô toàn quốc với 9006 mẫu thiết bị và dầu được kiểm kê, phân tích và dán nhãn cho thấy, có 421 mẫu thiết bị có PCB lớn hơn 5ppm. Đối với ngành điện, có tới 180.000 máy biến áp bị nghi ngờ có PCB. Qua phân tích nhanh PCB đối với 24.300 máy cho thấy số lượng nồng độ PCB dưới 5ppm chiếm hơn 10%, từ 5- 50 ppm chiếm 8%, trên 50ppm chiếm 82%.

Theo kết quả kiểm kê PCB quốc gia ngoài EVN các tỉnh thành phía Bắc có tỷ lệ mẫu nhiễm PCB trong 50 – 500ppm và trên 500ppm là vượt trội so với các khu vực khác. Còn tại TP.HCM dù có nhiều mẫu nhiễm PCB nhưng phần lớn thuộc nhóm 5 – 50 ppm cho thấy hầu hết các thiết bị điện đã được thay mới với dầu có nguồn gốc rõ ràng. Kết quả kiểm kê một số tỉnh thành cũng phát hiện nhiều mẫu có hàm lượng PCB trong khoảng từ 50 - 500ppm và hơn 500ppm. Điển hình như Lâm Đồng dù không là tỉnh có ngành công nghiệp lâu đời nhưng lại có đến 44 mẫu nhiễm PCB với 23 mẫu thuộc nhóm 50 đến 500 ppm.

Cũng theo TS. Nguyễn Mạnh Hoài, qua 5 năm thực hiện, Dự án quản lý PCB tại Việt Nam đã tập trung triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ cho công tác quản lý PCB. Cùng với đó Dự án cũng tập trung nâng cao năng lực, nhận thức cho các bên liên quan cũng như cộng đồng về các chất POP nói chung và PCB nói riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, sau 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được các kết quả khả quan đó là hoàn thiện khung pháp lý, thể chế quản lý PCB thông qua việc xây dựng các chính sách, quy định giám sát quản lý PCB an toàn ở cấp quốc gia. Cùng với đó xây dựng được kế hoạch hành động quốc gia quản lý PCB, kiểm kê PCB trên toàn quốc tạo cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng các kế hoạch quản lý PCB, nâng cấp cơ sở hạ tầng để lưu giữ an toàn PCB… Các kết quả đạt được của Dự án đã giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết của mình khi hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia Công ước Stockholm và quan trọng hơn, giúp Việt Nam phòng ngừa và hạn chế sự ô nhiễm môi trường liên quan đến các hợp chất POP, nâng cao chất lượng môi trường, góp phần bảo vệ môi trường Việt Nam, khu vực và toàn cầu”- Thứ trưởng Tuyến khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước loại bỏ “sát thủ vô hình”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO