Việc UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về đề án cải tạo sông Tô Lịch đang thu hút sự chú ý của dư luận. Dự án không chỉ mang tham vọng xây dựng cao tốc ngầm, hệ thống ngầm chống ngập mà còn biến nơi này thành công viên văn hóa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tiên phải làm chính là làm sạch nước sông Tô Lịch.
Mới đây, UBND TP Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”. Hội thảo thu hút sự chú ý của dư luận, bởi lâu nay sông Tô Lịch đã trở thành “vấn đề” đối với Hà Nội.
Dự án bao gồm các giải pháp tổ chức cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, thoát nước chống ngập kết hợp với chống ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, các không gian đi bộ, công trình nổi trên mặt sông Tô Lịch mang đậm tính văn hóa lịch sử được Hà Nội đánh giá là một ý tưởng độc đáo, có tính ứng dụng...
Dự án triển khai tại lưu vực sông Tô Lịch trên địa bàn thành phố. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Theo đó, hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Hà Nội. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.
Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dọc Công viên Lịch sử văn hoá, tâm linh Tô Lịch (nếu được chấp thuận); sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông và kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính 16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt).
Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu mét khối nước, đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.
Hợp phần thứ 2 là Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch nằm bên trên, với tượng đài, khu văn bia, sân khấu nghệ thuật, tranh tường… sẽ được xây dựng nổi trên sông. Kết hợp với đó là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng.
Dự án đầy tham vọng khi cho rằng sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị. Dự án sẽ không tác động đến khu dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê tông hóa, cứng hóa đáy sông…
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến đồng tình và hy vọng được triển khai sớm. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng dù đó là ý tưởng táo bạo song cần bàn kỹ; vì rằng việc biến con sông vốn “oằn mình” gánh nước thải của thành phố trở thành một không gian tuyệt đẹp với hàng loạt các công trình văn hóa trải dài, là điều không thể dễ dàng.
Để tới cuộc hội thảo mới đây, thì trước đó, vào tháng 7/2021 Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) cũng đã đề xuất, với kỳ vọng “hóa giải dòng sông ô nhiễm”. Tại hội thảo này, ông Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá cao ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, khi cho rằng, dòng sông này không chỉ mang yếu tố cảnh quan của thành phố Hà Nội mà nó còn mang trong mình yếu tố văn hóa truyền thống, có chức năng cấp nước phục vụ nông nghiệp. Nếu được triển khai, dự án không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội. Nhưng ông Nghiêm cũng cho rằng, trước tiên phải có phương án làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác.
Dù ghi nhận ý tưởng của đề án này rất táo bạo, song các nhà khoa học cho rằng cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành bởi thực tế sông Tô Lịch là “điểm hẹn” của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2021, Công ty Công ty JV - đơn vị đã từng xử lý thí điểm mùi hôi trên sông Tô Lịch và nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn cũng đã đề xuất xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy. Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường Vành Đai 3 - Linh Đàm. Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp, giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc.
Đáng chú ý, theo đề xuất này thì bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước và bể điều áp khổng lồ nhằm “giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô”, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy và một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.
Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.
“Tương lai nào cho sông Tô Lịch?”- đó là chủ đề buổi tọa đàm tổ chức vào ngày 18/3/2021, tại Hà Nội. Tại đây, các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch. Tại thời điểm đó, số liệu của Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp. Tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt. Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đối với sông Tô Lịch cần quy hoạch cải tạo thành dòng sông thoát nước mưa; tiếp tục thực hiện việc cống hóa hai bên dòng sông để thu nạp nước thải, đồng thời quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông. Tương tự, GS.TS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng, phải trả lại chức năng chính cho dòng sông Tô Lịch đó là thoát nước mưa.