Tùy tiện đặt phí, nông nghiệp khá lên sao được

T.Dương 10/08/2015 21:19

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: Hàng ngàn loại phí, lệ phí với nông nghiệp, chưa kể còn đặt ra các khoản phí tùy tiện. Nông nghiệp như thế thì làm sao tiến lên được.

Về vấn đề thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, Báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Trong dự thảo luật không ghi phí sử dụng đường bộ thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể.

Ngày 10/8, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phí, lệ phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp tháng 1/2015 Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị rà soát các khoản phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y. Đã giảm các khoản phí, lệ phí xuống, riêng lĩnh vực thú y là 18 khoản phí và 550 lệ phí; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn 95 khoản phí; chăn nuôi 16 lệ phí. Tổng hợp lại riêng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 lệ phí; và 937 khoản phí.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: Hàng ngàn loại phí, lệ phí với nông nghiệp, chưa kể còn đặt ra các khoản phí tùy tiện. Nông nghiệp như thế thì làm sao tiến lên được. Quy trình nộp các khoản phí, lệ phí cũng rất phức tạp. “Thủ tục hành chính phải đơn giản, mạch lạc chứ cứ đưa quy trình cũ như thế này vào trong luật thì bao giờ mới làm được”- Chủ tịch QH nhấn mạnh.

“Cái gì là lệ phí phải thật minh bạch, có bao nhiêu loại phải quy định vào luật không được để ngoài luật. Trong gần 1.000 khoản phí đối với nông nghiệp thì cái gì là phí thì để đấy, cái gì là giá thì bỏ ra để áp dụng theo Luật Giá, bởi Luật Giá cũng do Bộ Tài chính soạn thảo. Đường cao tốc thu tiền sao lại gọi là phí? Đó là giá trả tiền cho nhà đầu tư chứ sao gọi là phí, đi đường mà phải trả phí thì gọi là phí đi đường à? Phải phân biệt cái gì là phí? cái gì là lệ phí? Còn cái nào là giá thì bỏ ra hết để quy định vào Luật Giá. Quốc hội quyết định các khoản nào thu, còn thu bao nhiêu tiền thì để cho Chính phủ và HĐND quy định. Thủ tục hành chính trong luật phải nói rõ, thật đơn giản”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị thu phí phải thấp hơn giá, bởi vì giá là theo cơ chế thị trường còn phí là Nhà nước hỗ trợ một phần.

“Thu phí phải phù hợp với thu nhập của dân. Tất cả các nước thu đều dựa trên thu nhập của dân. Nước phát triển thu phí khác với nước đang phát triển. Nước đang phát triển trong thu phí có hỗ trợ từ một phần phúc lợi của Nhà nước. Giá dịch vụ y tế cũng phải phù hợp với thu nhập của dân. Chúng ta đẩy lên mức cao quá sao dân đỡ nổi. Kinh tế thị trường nhưng thu cũng phải có lộ trình”- bà Mai nhấn mạnh.

Trong buổi chiều, TVQH cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Theo Luật Đầu tư công là Bộ Kế hoạch Đầu tư tham mưu Chính phủ báo cáo TVQH thống nhất, Chính phủ sẽ ban hành. Nhưng theo Luật Ngân sách nhà nước thì lại quy định các khoản chi của ngân sách nhà nước TVQH đồng ý thì TVQH ban hành” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự phòng theo Luật Ngân sách nhà nước. Không thể mỗi Bộ có một Cục dự phòng. Có thì ngân sách Trung ương dự phòng chứ không có từng bộ, từng địa phương dự phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tùy tiện đặt phí, nông nghiệp khá lên sao được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO