Các phương án xử lý đa dạng, đơn giản, dễ thực hiện được chủ đầu tư “nhanh tay” phê chuẩn. Ảnh: Đại Đoàn Kết. "Cây cầu an toàn"
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (Ban QLDA - chủ đầu tư) cầu Tình Húc đã được các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, giám sát và thi công "có nhiều năng lực, kinh nghiệm thực hiện". Theo đó, hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình đã được Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông - Bộ GTVT thẩm định; Ban QLDA cũng "là đơn vị có năng lực, nhiều kinh nghiệm" trong quản lý xây dựng các công trình cầu. Và quá trình tổ chức thi công xây dựng luôn được giám sát, kiểm định, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.
Theo ông Trần Viết Cương, Giám đốc Ban QLDA, sau khi thi công hoàn thành, đơn vị tư vấn kiểm định, thử tải cầu là Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông đã kiểm định chi tiết các hạng mục công trình và toàn bộ công trình, tiến hành thử tải với điều kiện bất lợi nhất (tải trọng thử lớn hơn rất nhiều tải trọng khai thác) để đánh giá khả năng chịu lực tổng thể của kết cấu công trình, và đã kết luận: Các trụ cầu đều ổn định, không bị nghiêng lệch, không có dấu hiệu mất an toàn về khả năng chịu lực; chất lượng bê tông dầm, mố trụ đạt yêu cầu thiết kế; tình trạng kỹ thuật móng mố trụ tốt; cầu khai thác được với tải trọng thiết kế HL93.
Các thân trụ cầu được tăng cường độ dày để tăng sức chịu tải cho cánh hẫng. Tuy nhiên, trong quá trình thử tải, kiểm định có phát hiện một số vết nứt nhỏ tại xà mũ các trụ T1, T2, T7, T8, T11 và T12 (tức có đến 6/12 trụ có vết nứt) với chiều rộng vết từ 0,06 mm đến gần 0,2 mm.
Ngày 9/9/2020, Ban QLDA đã cùng với các đơn vị Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, đơn vị thi công đã kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và khẳng định đây là vết nứt trên kết cấu bê tông cốt thép thường. Đối chiếu với các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn của nước ngoài thì chiều rộng các vết nứt đều "nằm trong giới hạn cho phép". Ban QLDA cho rằng điều này là khá phổ biến đối với các công trình, và khẳng định công trình đảm bảo khai thác sử dụng bình thường theo tải trọng thiết kế.
Vẫn theo ông Cương, tham khảo bài giảng khai thác kiểm định cầu của Thạc sỹ Đặng Duy Khánh, Bộ môn cầu đường, Trường Đại học Vinh được đăng trên mạng internet, thì “đối với kết cấu bê tông cốt thép thường, các vết nứt thường xuất hiện ở miền chịu kéo. Nếu độ mở rộng của vết nứt không vượt quá 0,2mm thì cốt thép trong kết cấu sẽ không bị gỉ và do đó không làm giảm đáng kể tuổi thọ của công trình”.
Ban QLDA cũng đã yêu cầu đơn vị Tư vấn thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam kiểm toán lại hồ sơ tính toán kết cấu trụ cầu, đơn vị tư vấn thẩm tra, khẳng định: Hồ sơ thiết kế đã được tư vấn thẩm tra theo đúng các quy định hiện hành, trong đó hạng mục kiểm toán xà mũ trụ T1, T12 và T2, T11 cho thấy mặt cắt bất lợi nhất đảm bảo điều kiện chịu lực về cường độ, đảm bảo an toàn về chịu lực, các trụ cầu đều đảm bảo ổn định, không bị nghiêng lệch, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Như vậy, không cần xử lý kỹ thuật thì các trụ cầu vẫn đảm bảo yêu cầu chịu lực theo thiết kế được duyệt và thực tế từ khi hoàn thành đến nay, công trình vẫn đang khai thác bình thường.
Về giải pháp xử lý sự cố để đảm bảo chắc chắn về lâu dài các vết nứt không mở rộng, cốt thép không bị gỉ và đảm bảo tuổi thọ của công trình, Ban QLDA đã thống nhất với các đơn vị thực hiện công trình phương án tăng cường sức chịu tải cho xà mũ cầu bằng biện pháp mở rộng thân trụ, giảm chiều rộng cánh hẫng để tăng thêm độ dự trữ về mặt an toàn kết cấu xà mũ. Nói dễ hiểu hơn, việc này gần giống như cách "bó bột" lại các trụ cầu. Sau khi "bó" xong, cầu đã được thử tải, kiểm định với điều kiện bất lợi nhất.
Ban QLDA khẳng định "Xà mũ các trụ cầu làm việc an toàn với tải trọng thiết kế, độ mở rộng vết nứt dưới tác dụng của hoạt tải thử rất nhỏ, không nhìn thấy bằng mắt thường (0,01mm) và nhỏ hơn giá trị theo tính toán lý thuyết. Khi hoạt tải ra khỏi vị trí đo, số đọc không tải lại nhanh chóng trở về xấp xỉ số đọc không tải ban đầu, xà mũ trụ không có biến dạng dư. Tải trọng khai thác của trụ cầu đáp ứng tải trọng thiết kế, đảm bảo bền vững lâu dài cho công trình, các vết nứt đã được xử lý đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình"
Cây cầu sau khi được xử lý sự cố. Cần triệu tập hội nghị khoa học
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, với một nửa trong tổng số 12 trụ của cây cầu có vết nứt tại xà mũ, và đã phải thực hiện xử lý sự cố, gây quan ngại cho người dân và phương tiện qua lại cây cầu.
Cầu được thiết kế với tuổi thọ 100 năm khi chưa đưa vào sử dụng thì đã phát hiện các vết nứt sau khi thử tải. Nguyên nhân của các vết nứt được nhận định do thử tải trong tình huống bất lợi nhất gây ra. Dù các vết nứt này, theo giải thích kỹ thuật của Ban QLDA, không ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ công trình, nhưng nhiều người dân cảm thấy chưa thuyết phục. Đáng chú ý, giai đoạn xử lý sự cố khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật (băm nhám bề mặt và khoan đục thân trụ...) đã khiến nhiều người dân và cả một số phóng viên báo chí cho rằng "trụ bị nứt nên được vá lại bằng cách bó bột" - điều này được coi là nhầm lẫn trực quan khá tai hại.
Tìm hiểu của Đại Đoàn Kết, thực tế các vết nứt tại xà mũ của 6/12 trụ cầu không hề được che lấp mà vẫn được giữ nguyên để kỹ thuật theo dõi biến động, còn thân trụ cầu thì không có vết nứt và không thay đổi không bị lún độ cao - tức không bị lún.
Song, được biết mới đây Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đã yêu cầu chủ đầu tư triệu tập một hội nghị khoa học nhằm đánh giá chính xác chất lượng và sự cố cây cầu, khẳng định việc xử lý sự cố nói trên là đảm bảo hay không, hay cần một giải pháp khác.
Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về sự cố cầu Tình Húc và kết luận khoa học của hội nghị này.