Tuyên Quang: Nhiều mô hình từ nông thôn mới

Hải Nhi (thực hiện) 18/04/2017 10:10

Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác Mặt trận tại Tuyên Quang không chỉ giữ vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động mà còn tích cực triển khai các hoạt động có chiều sâu.

Ông Âu Thế Thái.

Theo ông Âu Thế Thái- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, việc tham gia xây dựng nông thôn mới được Mặt trận tỉnh xác định là trọng tâm, trọng điểm trong năm 2017. Để làm tốt chương trình này, Mặt trận đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng nhiều mô hình hiệu quả.

PV: Với đặc thù là tỉnh có tới 54% người dân tộc thiểu số, Mặt trận Tuyên Quang đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra sao, thưa ông?

Ông Âu Thế Thái: Với Tuyên Quang, việc tham gia xây dựng nông thôn mới được xác định là trọng tâm, trọng điểm. Điều quan trọng là Mặt trận giúp cho dân cái gì? Mặt trận tham gia nội dung cụ thể như thế nào? Thứ nhất phải khẳng định là tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ việc xây dựng nông thôn mới phải do chính người dân là chủ thể trong việc xác định xây dựng nông thôn mới, người dân có hào hứng tham gia hay không thì mới thành công được. Đối với Tuyên Quang, tỉ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 54%, điều đó liên quan tới nhận thức. Khi mà Mặt trận tuyên truyền các chính sách, chế độ thường phải thực sự thấu hiểu đồng bào. Tỉnh Tuyên Quang cũng gỡ khó bằng cách, có những vùng đồng bào “lõm”, không nói, không nghe, không đọc được tiếng Kinh, đài truyền hình đã có những thứ tiếng: Tày, Cao Lan, Mông, Dao để tuyên truyền, vận động các nội dung cần thiết tới đồng bào dân tộc...

Mặt trận tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng tới việc phối hợp với các tổ chức thành viên trong Cuộc vận động Xây dựng NTM, đô thị văn minh. Ông có thể cho biết một vài điểm nhấn?

- Mặt trận Tuyên Quang đánh giá cao vai trò thành viên là các tổ chức chính trị - xã hội. Ví dụ như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trong việc phối hợp để xây dựng mô hình, chương trình dự án. Ví dụ như với Đoàn Thanh niên thì có “Công trình điện thắp sáng đường quê”. Đây dường như là “thương hiệu” vì đi đâu người dân cũng kể. Lúc đầu công trình được làm điểm ở Tân Trào, Sơn Dương, sau đó người dân thấy được hiệu quả của công trình và tự họp lại, đăng kí làm và nhân rộng. Bây giờ các xã điểm xây dựng nông thôn mới đều có công trình điện thắp sáng đường quê, các khu dân cư cũng đều có điện thắp sáng.

Tôi cho rằng, ở đây có 3 lợi ích: Thứ nhất là đi lại thuận tiện, thứ hai là an ninh trật tự được đảm bảo, thứ ba là thuận tiện cho công việc đồng áng muộn của nông dân. Đoàn Thanh niên đã phối hợp thực hiện công trình này rất tốt. Với Tuyên Quang, tới thời điểm này đã có 16 xã xây dựng nông thôn mới thì gần như cả 16 xã có công trình điện thắp sáng đường quê.

Đoàn Thanh niên thành lập Trung tâm Văn hóa thể thao thiếu nhi tỉnh, ở đó có đội nghệ thuật xung kích thường xuyên duy trì hoạt động hằng tháng tuyên truyền về pháp luật gắn với biểu diễn văn nghệ. Tức là mỗi lần đi vùng sâu vùng xa, Đoàn Thanh niên đều có kế hoạch tuyên truyền cụ thể để thu hút đồng bào tham gia. Tuyên Quang còn có hệ thống loa truyền thanh không dây đến các xã, giao cho Phó Bí thư Đoàn, kiêm phụ trách truyền thông giúp đăng tải, biên tập các nội dung để tuyên truyền cho đồng bào thiểu số.

Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng phối hợp thực hiện chương trình Gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, tôi rất tâm huyết với chương trình này. Từ năm 2012 đến nay, Đoàn đã thành lập được nhiều câu lạc bộ: hát Then của dân tộc Tày, Páo dung của dân tộc Dao, Sình ca của dân tộc Cao Lan, hoặc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca dân vũ... đó là những thành công rất đáng ghi nhận.

Được biết Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Tuyên Quang hoạt động khá hiệu quả. Ông có thể chia sẻ những hành động vì người nghèo của Mặt trận Tuyên Quang?

- Mặt trận tham gia vào việc quản lý Quỹ “Vì người nghèo” nên chúng tôi tham gia sửa chữa, xây nhà tặng các hộ nghèo, điều này được Mặt trận Tuyên Quang đưa lên hàng đầu và xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2016-2017.

Từ nguồn quỹ của năm 2016 và nguồn quỹ còn dư, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã xét hỗ trợ cho 1.763 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 8,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 255 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách với số tiền trên 7,3 tỷ đồng, hỗ trợ khó khăn cho 1.498 hộ với tổng số tiền 749 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 10 hộ nghèo tại xã Côn Lôn (Na Hang) tổng số tiền 100 triệu đồng.

Cùng với việc giúp đỡ về vật chất, những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện, tích cực triển khai nhiều hình thức hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo. Cán bộ làm công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền các mô hình, tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế như mô hình kinh tế trang trại ở xã Sơn Nam, Ninh Lai; mô hình trồng rau thị trấn Sơn Dương... để người dân học tập, làm theo. Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hộ dân. Từ đây, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao đã lan rộng tới tất cả các xã, thị trấn trong huyện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên Quang: Nhiều mô hình từ nông thôn mới