Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng sẽ chính thức diễn ra. Tuy nhiên, khác với “sức nóng” của các trường, khối đào tạo văn hóa, nghệ thuật (VHNT) đang hồi hộp bởi nỗi lo “thừa thầy, thiếu thợ”.
Báo cáo của Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) trong kỳ tuyển sinh năm 2019 - 2020: Số lượng tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo VHNT đạt 5.208 chiếm 98,6% so với chỉ tiêu được giao.
Trong đó, về cơ bản công tác chỉ đạo thi nhất quán, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan đảm bảo đúng Quy chế tuyển sinh cho các đợt thi diễn ra bình thường, an toàn, không gây áp lực nặng nề cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, dù gần hoàn thành được định mức nhưng thực tế nhiều ngành đào tạo VHNT nhiều năm qua vẫn đang phải loay hoay để hoàn thành chỉ tiêu.
Đặc biệt, địa bàn tuyển sinh của một số trường chủ yếu là miền núi vùng sâu - vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn nên học sinh sau khi trúng tuyển nhập học một thời gian lại bỏ về vì không đủ điều kiện theo học (Trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Trường Cao đẳng du lịch Đà Lạt…).
Đào tạo VHNT là lĩnh vực đặc thù, tiêu chí hàng đầu là phải có năng khiếu, nhưng những người có năng khiếu nghệ thuật đăng ký vào học tại các cơ sở giảm dần, dẫn đến tình trạng thiếu hụt đầu vào. Chưa kể, các cơ sở đào tạo các lĩnh vực khác điều chỉnh phương thức tuyển sinh, tuyển sinh thông qua xét điểm học bạ… dẫn đến nguồn tuyển ngày càng ít đi…
Đặc biệt, thời gian đào tạo một khóa học nghệ thuật dài, sàng lọc cao, tuổi nghề lại ngắn, chế độ chính sách chưa được phù hợp… dẫn đến tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, múa, xiếc, mỹ thuật có những ngành, chuyên ngành nhiều năm nay không có thi sinh dự tuyển cụ thể; nếu có thì số lượng rất hạn chế (chuyên ngành Chỉ huy không tuyển được sinh viên, Sáng tác âm nhạc tuyển được 2/7 và nhạc Jazz 5/16 chỉ tiêu).
Còn đối với lĩnh vực mỹ thuật, 2 ngành khó tuyển sinh là Điêu khắc, Lý luận lịch sử và phê bình mỹ thuật. Số lượng đăng ký thi tuyển vào những ngành này chưa đạt 10 thí sinh cho mỗi ngành/năm.
Đối với lĩnh vực sân khấu, một số ngành học có rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển như Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh - truyền hình; Diễn viên sân khấu kịch hát; Đạo diễn sân khấu. Một số ngành không có thí sinh đăng ký dự thi như Biên kịch sân khấu, Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu.
Xu hướng sáp nhập, tự chủ, đội ngũ giáo viên… cũng đang khiến nhiều trường phải đau đầu và dường như chưa thấy lối ra. T
heo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: Cần sự điều chỉnh quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc có những văn bản hướng dẫn riêng đối với tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật.
Đơn cử như quy định về thời gian cứng đào tạo của nghệ thuật giống như các ngành nghề khác là bất hợp lý. PGS Thi dẫn chứng, đào tạo diễn viên trung cấp chuyên ngành cải lương có thể 3 năm, nhưng với đào tạo diễn viên Tuồng thì thời gian đó lại quá ngắn và không đáp ứng được chất lượng đào tạo…
Mới đây tại Hội thảo khoa học tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực VHNT, thể dục thể thao và du lịch năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng đã đề nghị: Các trường khối VHNT không thể vì tăng quy mô mà hạ thấp chất lượng đào tạo, vì đào tạo nghề chất lượng cao, năng khiếu không thể phổ cập như các ngành đào tạo đại trà khác.
Vẫn theo ông Đông, các trường cần dự báo sát nhu cầu nhân lực thực tiễn, xác định rõ cơ cấu, quy mô, hài hòa giữa các ngành, nghề đào tạo trong trường để xác định chỉ tiêu cho chính xác, tránh tình trạng ngành dư thừa, ngành lại không có người theo học.
Bên cạnh đó cần chú trọng đến các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn, nhưng cũng cần quan tâm đến các ngành xã hội đang cần; hướng hoạt động dạy học lý thuyết phải gắn với thực hành và thực tiễn, thực hiện phân luồng nhân lực ngay tại trường. Có như vậy, thương hiệu của các trường mới được khẳng định, bền vững...