Những ngành nghề “hot” hoặc các ngành nghề liên quan tới lĩnh vực khoa học công nghệ luôn có sức hút lớn với thí sinh và phụ huynh trong các mùa tuyển sinh. Nắm bắt xu thế đó, năm 2023 hàng loạt các trường đại học công bố mở những ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Giữa “ma trận” thông tin tuyển sinh, áp lực chọn ngành, chọn nghề lại thêm đè nặng lên tâm lý của thí sinh lẫn phụ huynh.
Cha mẹ quyết định ngành học cho con?
Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học hướng tới đào tạo đa ngành. Với xu hướng phát triển đó, nhiều trường không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo. Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này cho thấy rõ ở một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, trong đó có trường mở trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Năm 2023, nhiều trường đại học cũng công bố mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Có thể nhắc đến một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit, Kỹ thuật sinh học. Học viện Ngân hàng mở thêm 4 chương trình đào tạo mới là: Ngân hàng số, Công nghệ tài chính, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch.
Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. Trường Đại học Thương mại đào tạo mở thêm 5 ngành mới, gồm: Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế. So với năm ngoái, trường tăng 700 chỉ tiêu.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, năm 2022, trường tuyển sinh hơn 4.600 sinh viên đại học chính quy với 36 ngành đào tạo, thì năm nay trường dự kiến tuyển sinh hơn 7.600 sinh viên cho 41 ngành. Như vậy, so với năm 2022, năm nay, Trường Đại học Phenikaa tăng hơn 3.000 chỉ tiêu, có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp và Răng - Hàm - Mặt.
Để học sinh, phụ huynh có thêm nhiều thông tin, cơ hội về chọn lựa ngành học và nghề nghiệp tương lai, nhiều hoạt động, chương trình tư vấn tuyển sinh đại học đã được mở ra. Thế nhưng trước ma trận thông tin tuyển sinh, ngành mới “thời thượng”, không ít học sinh cuối cấp đang băn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn ngành, chọn trường khi đứng trước bước ngoặt lớn của cuộc đời.
Trong khi nhiều thí sinh còn chưa xác định được hướng chọn ngành thì thực tế đang cho thấy, nhiều phụ huynh lại có xu hướng chọn ngành thay con. Chị Lê Như Quỳnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện cách đây ít ngày, con trai chị nói muốn học ngành nhiếp ảnh. Khi nghe con nói, chị Quỳnh chỉ biết im lặng vì bản thân chị muốn con theo ngành nghề “hot”, những ngành học mới có tương lai hơn như Kỹ thuật điện tử hay Công nghệ tài chính.
“Vài ngày sau, tôi có tâm sự với con và hướng con theo ngành mà bố mẹ chọn. Ban đầu thằng bé phản ứng gay gắt với bố mẹ. Nhưng sau một hồi nghe chúng tôi giải thích, thuyết phục, con cũng có chiều hướng nghe theo. Tôi tạm yên tâm, chờ ngày chốt đăng ký nguyện vọng cho con”, chị Quỳnh nói.
Không riêng chị Quỳnh, nhiều phụ huynh khác có con ở lứa tuổi này cũng có chung một tâm lý như trên. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho biết, có rất nhiều phụ huynh gọi điện tới trường mỗi ngày nhờ cán bộ tuyển sinh tư vấn để xem mình nên chọn ngành học nào cho con. Trong khi, không ít thí sinh thờ ơ với việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành và phó mặc vào quyết định của bố mẹ.
Chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) phân tích, một trong số nguyên nhân dẫn tới thực tế này là cha mẹ thường cho rằng, con còn nhỏ, lại ít kinh nghiệm sống. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có xu hướng yêu cầu con chọn ngành theo truyền thống gia đình hoặc những ngành mà họ cho là dễ kiếm việc, lương cao. Hơn nữa, trong quá trình công tác, phụ huynh dự kiến có thể kiếm được việc làm cho con về lĩnh vực đó sau khi con ra trường. “Để thay đổi tư duy này không dễ”, TS Vinh nói.
Một ngành không do chính người học lựa chọn, không yêu thích sẽ khiến thí sinh chán nản, không có động cơ học tập tích cực, dẫn đến nguy cơ bỏ giữa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Để thoát khỏi tư duy lối mòn cha mẹ quyết định nghề nghiệp thay con, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cha mẹ cần dạy con em mình tính tự lập và có trách nhiệm với tương lai của mình, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, sau năm học thứ nhất, nhiều người nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn đã phù hợp. Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội lưu ý, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở.
Hiện nay, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ những thông tin về các ngành đào tạo để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Do đó, theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì?
Bà Hương cũng khuyên thí sinh không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học, thậm chí giảng viên sẽ giảng dạy mình. Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Một số ngành mới mở tên gọi “kêu” nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”, vì thế khi chọn ngành, thí sinh nên tỉnh táo trước các ngành học mới. Việc kiểm định một chương trình đào tạo thường dựa vào kết quả của khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, vì vậy thí sinh nên chọn những ngành đã được kiểm định rồi chứ đừng chọn ngành theo mốt hay tên gọi.