Vào mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, phần lớn thí sinh tập trung đăng ký dự thi vào các ngành kinh tế hay công nghệ thời thượng, ít quan tâm đến ngành khoa học cơ bản. Nhiều ưu đãi hỗ trợ được Nhà nước và các trường đưa ra nhằm thu hút thí sinh, trong đó không chỉ là học bổng mà quan trọng là cơ hội việc làm sau khi ra trường.
“Cú hích” cho ngành khoa học cơ bản
Năm học 2022 -2023, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên 18 ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, hỗ trợ sinh hoạt phí tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trong năm thứ nhất và các năm tiếp theo nếu duy trì được học lực loại giỏi trở lên, số suất học bổng tối thiểu 5 suất/ngành/khóa học, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, được phân công nhà khoa học đỡ đầu, tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình học, ưu tiên khi xét các học bổng khác có mức hỗ trợ cao hơn của ĐHQG Hà Nội nếu đáp ứng yêu cầu.…
Đây là lần đầu tiên ĐHQG Hà Nội triển khai chương trình gói học bổng nhằm mục tiêu thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội. Nhiều chuyên gia đánh giá chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản của ĐHQG Hà Nội sẽ tạo cơ chế mở giúp các học sinh có thành tích xuất sắc được theo học các ngành học yêu thích đi kèm với các chính sách học bổng hấp dẫn, khích lệ học tập, tạo động lực để trở thành sinh viên giỏi, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) GS Lê Thanh Sơn đánh giá đây là cơ hội tốt đối với các thí sinh có học lực giỏi. Ông cũng kỳ vọng trong mùa tuyển sinh năm nay các ngành khoa học cơ bản sẽ thu hút được một số lượng lớn thí sinh đăng ký theo học và đây sẽ là những người thực sự giỏi, có năng lực học tập tốt và có đam mê khoa học.
Cần thêm chính sách đồng bộ
Trên thực tế, những ngành khoa học cơ bản đều thuộc các lĩnh vực trụ cột của nền khoa học công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, đây lại là những ngành khó tuyển sinh nhất. Thống kê của Vụ đại học, Bộ GDĐT, theo số liệu nguyện vọng của 15 trên tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm 2021 cho thấy, khoa học sự sống và khoa học tự nhiên là 2 ngành có số thí sinh đăng ký thấp nhất xét theo tỷ lệ nguyện vọng 1 so với chỉ tiêu.
Với chính sách học bổng mới của ĐHQG Hà Nội lần đầu tiên được áp dụng, nhiều ý kiến kỳ vọng về một “cú lội ngược dòng” trong tuyển sinh ngành khoa học cơ bản năm nay vào trường. Bởi nhìn từ chính sách học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp ngành sư phạm đã phát huy tác dụng khi năm 2021, ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký ở nhóm cao (top 9).
Tuy nhiên, như phân tích của GS Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học, ngành nào khả thi trong đầu ra thì sẽ dễ thu hút người học hơn. Đơn cử trong lĩnh vực Toán, thực tế là khi đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường, nếu những em giỏi đi theo Toán thì lại trở thành người nghèo, còn những em học yếu hơn thi kinh tế, theo kinh doanh thì giàu hơn. Vì vậy, dù có giỏi và thích Toán thì chưa chắc đã đi theo Toán, họ nhìn thấy con đường khó khăn và thu nhập thấp.
Từ đây, có thể thấy chỉ riêng chính sách học bổng từ các trường vẫn là chưa đủ để hút thí sinh giỏi vào các ngành khoa học cơ bản. TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, cần thêm những chính sách đồng bộ từ Chính phủ (ngạch và hệ số lương cho những ngành đặc thù) đến các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nguồn lực đào tạo từ nhóm ngành khó tuyển này (hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo, đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng đề tài nghiên cứu).
TS Phạm Hoàng Giang - Phó Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng chỉ ra những năm gần đây, tỷ lệ đăng ký nhập học vào khoa Triết thấp vì học khó, cơ hội việc làm sau khi ra trường khó khăn và mức lương cũng hạn chế. Do đó, đòi hỏi phải có tổng thể những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh, thu hút người học từ cả nhà trường và từ phía Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường truyền thông để người học, xã hội hiểu hơn về các ngành nghề này, sự cần thiết đối với sự phát triển của xã hội cũng như cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường. Bởi trên thực tế ranh giới giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng thực tiễn không rõ ràng, từ khoa học cơ bản có thể rất nhanh chóng chuyển sang khoa học ứng dụng. Chính vì vậy, học các ngành khoa học cơ bản làm được nhiều ngành nghề khác nhau.