Năm học 2019-2020, cho dù Hà Nội chủ trương đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp, siết tuyển sinh trái tuyến, song trước thực trạng gia tăng dân số cơ học quá nhanh tại một số khu đô thị mới, nhiều băn khoăn đang được đặt ra: Liệu vấn đề này có làm rốt ráo được không? Xử lý những trường cố tình vượt rào tuyển sinh trái tuyến khi đã đủ chỉ tiêu bằng cách nào?
Trường học tại các khu đô thị mới luôn trong trình trạng quá tải sĩ số.
Chế độ tuyển sinh riêng với trường đặc thù
Kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2019-2020 được Sở GDĐT Hà Nội ban hành từ đầu năm 2019. Một điểm mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm học mới tới đây (từ mầm non đến lớp 10) của Hà Nội là duy trì việc tiến hành theo hình thức trực tuyến thông qua cổng điện tử và trực tiếp đối với những người không có điều kiện về công nghệ thông tin.
Còn đối với các trường THCS được thành phố công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số lượng học sinh vượt quá chỉ tiêu năm nay được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Sở GDĐT giao cho các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý nhưng phải đảm bảo hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/6.
Ông Phạm Quốc Toản- Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết, việc cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 một số trường “đặc thù” ở Hà Nội được thực hiện theo Thông tư số 05/2018 của Bộ GDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Vậy những trường THCS nào của Hà Nội được coi là trường chất lượng cao? Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2018 Sở GDĐT Hà Nội công bố danh sách cho phép gần 20 trường THCS có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển, hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Các trường THCS công lập thuộc danh sách trên gồm: THCS Cầu Giấy; hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; THCS Nam Từ Liêm; THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh)... và một số trường ngoài công lập như: THCS-THPT Marie-curie, THCS-THPT Nguyễn Siêu, THCS-THPT Đoàn Thị Điểm...
Trong số những trường chất lượng cao đã tuyển sinh năm 2019- 2020, ngay từ đầu tháng 6, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã công bố danh sách học sinh đủ điều kiện đăng ký dự thi vào lớp 6 của trường này với học bạ toàn điểm 10 khiến dư luận “choáng váng”. Bảng điểm đẹp như “mơ” này xuất phát từ chính quy định ngặt nghèo trong hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GDĐT Hà Nội đối với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cụ thể quy định yêu cầu: học bạ của học sinh sẽ phải đạt điểm “toàn 10” mới có đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vòng 2 (kiểm tra, đánh giá năng lực 3 bài toán, tiếng Việt, tiếng Anh). Theo đó, năm nay là lần đầu tiên trường này sử dụng phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 (chỉ dành cho học sinh có hộ khẩu Hà Nội) với chỉ tiêu là 200 học sinh (các năm trước chỉ xét học bạ).
Có xử lý dứt điểm “chạy” trường?
Hiện vẫn còn những luồng ý kiến khác nhau về việc tuyển sinh vào trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội bằng đánh giá năng lực (hay nói một cách dân giã là tổ chức thi vào trường THCS chất lượng cao). Bởi việc tuyển sinh ở một số trường chất lượng cao, theo phụ huynh phản ánh là có tình trạng “chạy” điểm.
Riêng với tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6, thì tình trạng “chạy” trái tuyến là có thật. Chỉ có điều lâu nay người ta vẫn coi đó là những chuyện tế nhị, khó nói… nên mức “giá” chạy cũng mạnh ai nấy chi. Có người chia sẻ hết 5 triệu vào trường A, trường B… gọi là quà cảm ơn người đã giúp đỡ. Nhưng cũng có những người cho biết họ chi cả ngàn đô chỉ để con có suất vào học ở một trường tiểu học hoặc THCS có chất lượng tốt…
Tất nhiên, không có hiệu trưởng nào hoặc giáo viên nào xác nhận có tình trạng chạy suất trái tuyến ở trường mình. Hoặc nếu có, lãnh đạo các nhà trường sẽ lý giải tiền thu của phụ huynh học sinh là do họ tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí cho quỹ hoạt động, xây dựng trường (áp dụng cho cả đúng tuyến và trái tuyến). Đây là khoản đóng góp chính đáng, có phiếu thu và sẽ được dùng để phục vụ nâng cao điều kiện học tập của học sinh.
Thật ra câu chuyện chạy trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội không hề mới, nhưng là thực trạng khó giải quyết dứt điểm. Trong khi việc gia tăng dân số cơ học tại nhiều khu đô thị mới diễn ra quá nhanh, việc các trường quá tải cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai - Hà Nội), năm học 2018-2019 chỉ có 5 lớp 5 ra trường, nhưng năm học 2019-2020 sẽ tuyển mới 17 lớp 1 (tương đương hơn 800 học sinh). Do thiếu thốn trầm trọng về cơ sở vật chất nên hiện nhà trường có 2 hình thức dạy và học được đưa ra để lấy ý kiến phụ huynh: các em sẽ học nửa ngày (không có bán trú), hoặc học 4 ngày trong tuần (với 8 buổi học).
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa đã ký ban hành kế hoạch tổ chức thi, tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 (vào ngày 30/5). Theo chỉ đạo này, năm học 2019-2020, Sở GDĐT, các phòng GDĐT phải kiểm soát chặt chẽ công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến; không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Còn theo Sở GDĐT Hà Nội, chủ trương tuyển sinh đầu cấp năm học 2019- 2020 sẽ tuyệt đối tránh tình trạng trường thì có nhiều học sinh trái tuyến, trường lại tuyển sinh không đảm bảo số lượng học sinh, không sử dụng hết công suất của trường. Và nhằm siết tuyển sinh trái tuyến, ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã khẳng định: Sở sẽ tiếp tục rà soát và kiểm tra, nếu phát hiện các trường tuyển sinh trái tuyến sẽ xử lý kỷ luật.
Như vậy, năm học 2019-2020, cùng với việc đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội cũng ráo riết siết tuyển sinh trái tuyến. Dẫu thế, vấn đề người dân quan tâm hơn là việc thành phố sớm giải quyết vấn đề thiếu trường lớp, tạo điều kiện để học sinh có đủ cơ sở vật chất học tập. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường. Chỉ khi các trường đều đạt “chuẩn” thì tình trạng chạy trái tuyến, chạy vào trường điểm mới giảm đi.